Về Hà Trung xem diễn tuồng
(Baonghean) - Những tưởng lớp bụi thời gian đã ít nhiều làm mai một, nhưng nghệ thuật Tuồng vẫn luôn là đặc sản của mảnh đất Hà Trung, Diễn Hoàng, Diễn Châu. Ai từng ghé qua nơi này trong những dịp hội làng, lễ, Tết, hay những đêm trăng thanh, gió mát sẽ được thưởng thức những làn điệu Tuồng đắm say lòng người...
Có lẽ nét văn hoá thuần nông còn in dấu nơi đây: xóm làng đông vui, “bờ xôi ruộng mật”, cảnh sắc thanh bình nên thơ với mái rạ, bờ tre, gốc đa, sân đình… đã neo giữ những làn điệu tuồng cổ với người dân quê. Chẳng ai còn nhớ nghệ thuật tuồng ở Hà Trung có tự bao giờ, nhưng trong ký ức của mỗi người con của làng vẫn in đậm những đêm diễn tuồng dưới đình làng Tám Mái. Những vở tuồng cổ tái hiện những câu chuyện lịch sử với những đào kép, hề, vua quan, lính tráng… hấp dẫn đến lạ kỳ. Già trẻ, gái trai quây quần kín sân đình, hồi hộp chờ đợi, buồn vui, yêu ghét với từng nhân vật. Ngày đó, đội tuồng làng Hà Trung thường biểu diễn giao lưu khắp các làng trên, xóm dưới.
Một buổi tập luyện của CLB tuồng làng Hà Trung, xã Diễn Hoàng (Diễn Châu). |
Sau này, phong trào hát tuồng không còn phát triển rộng rãi, nhưng nét tinh hoa của môn nghệ thuật này vẫn được những người già trong làng lưu giữ. Trong số những “kép” hạng diễn tuồng của làng thuộc thế hệ trước chỉ còn lại cụ Phan Đỉnh, được coi là “linh hồn” của tuồng Hà Trung. Nói như vậy thật không quá lời, bởi dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cụ vẫn còn say tuồng lắm. Mỗi vở diễn tuồng của làng đều do cụ sắp xếp, chuẩn bị kịch bản, “phân vai”, hoá trang…
Ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ nơi bìa làng, hướng ra đình Tám Mái là điểm hẹn của câu lạc bộ tuồng mà chúng tôi may mắn được tham gia một buổi tập. Cụ cho chúng tôi xem một cuốn sổ nhỏ đã ngả màu thời gian, với từng trang ghi chép bằng tay tỉ mẩn. “Đây là những tích tuồng cổ mà tôi đã dày công sưu tầm và lưu giữ lại”. Vừa nâng niu cuốn sổ như vật “gia bảo” cụ về kể về hành trình ngược xuôi từ Diễn Mỹ, Diễn Lợi… rồi ra tận Yên Thành để sưu tầm những tích tuồng của mình trong hơn chục năm qua.
Rồi hàng chục bộ trang phục diễn tuồng như bộ giáp, mũ, áo bào, đôi hài… và các đạo cụ kiếm, đao, cung tên, cờ… đều do cụ mày mò làm nên. Cụ giới thiệu về từng bộ trang phục diễn trong “kho tài sản quý” của mình với giọng đầy tự hào. Mỗi bộ trang phục như một tác phẩm nghệ thuật mà cụ đã cầu kỳ may bằng tay mất hàng tháng trời. Không quản ngại xa nôi, cụ lặn lội ra tận Hà Nội, Bắc Giang vào Bình Định… để vừa học hỏi vừa tìm mua các loại vật liệu vải, hạt kim sa về khâu, đính lên từng món phục trang. Tất cả đều được cụ làm một cách tự nguyện và tự túc, “cũng vì tui đam mê tuồng quá”– cụ bộc bạch.
Tâm huyết ấy của cụ đã khởi nguồn cho sự ra đời của Câu lạc bộ tuồng cổ Hà Trung và hơn hết là bồi đắp và trao truyền tình yêu tuồng cổ cho những người dân nơi đây. Dù không được học một cách bài bản nhưng vì nghe nhiều, xem nhiều nên lời hát tuồng như hằn sâu vào nếp nghĩ, tâm hồn vào đời sống thường nhật của những người làng Hà Trung. Các bà, các chị trao truyền câu hát tuồng cổ trên cánh đồng mùa gặt, vụ cấy, tay làm miệng hát say sưa… Lời ca trong những tích tuồng: Trọng Thuỷ - Mỵ Châu, Trưng Trắc – Trưng Nhị, Ngọn lửa Hồng Sơn… trở thành những lời ru, lời trò chuyện ứng tác trong đời sống.
Đam mê tuồng cổ, nhiều nhất ở làng bây giờ vẫn là các bà và chị em tuổi trung niên. Họ tụ họp lại thành “đội quân của các “bà Trưng” theo cái cách mà các thành viên câu lạc bộ vẫn thường nói vui. Bà Nguyễn Thị Sáu, đào kép chính trong các vở diễn tuồng của làng, có ngót 15 năm gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống này chia sẻ: “Tham gia câu lạc bộ, chị em chúng tôi được giao lưu, học hỏi nhau nên tình yêu tuồng ngày càng tha thiết”. Bà yêu đến mức bận bịu việc đồng áng thì chớ, hễ về đến nhà là mở đĩa ra xem các vở tuồng, rồi vừa hát vừa diễn theo…
Và trong bất kỳ hoạt động văn hoá, văn nghệ nào của làng, xã các bà, các chị trong câu lạc bộ cũng đều sẵn sàng góp vui. Những bà, những chị nông dân mộc mạc áo vải sờn vai, chân trần còn lấm bùn đồng ruộng, ấy mà khi bước lên sân khấu tuồng, họ hoá thân thành những ông tướng oai phong, hùng dũng hay nhà vua uy nghiêm, đĩnh đạc đến chú hề vui nhộn khuấy động sân khấu… Có lẽ đó là nét đặc trưng nhất của câu lạc bộ tuồng Hà Trung, mà trong những hội diễn, Lễ hội Đền Cuông, giao lưu cụm, đều để lại ấn tượng đặc biệt.
Diễn tuồng đã khó, với các diễn viên nữ thì lại càng cần phải nỗ lực hơn nhiều lần. Cái khó của diễn tuồng không chỉ ở cách hát đúng điệu: ngâm, vịnh, thán oán, nam thương, xuân nữ…. mà còn ở diện mạo, phong thái, cử chỉ diễn sao cho lột tả hết thần thái, tính cách của nhân vật. Chỉ có những người tha thiết với nghệ thuật truyền thống này mới có thể gắn bó lâu dài. Thành viên ít tuổi nhất của câu lạc bộ là chị Phạm Thị Hà đã ngoài 35. Chị là gái làng bên về làm dâu làng Hà Trung, nhưng tuồng cổ đã ngấm vào máu thịt chị từ những lần được đi xem hội và từ mẹ chồng là diễn viên nức tiếng của làng một thời. Chị thành thật cho biết: “Diễn tuồng cho ra tuồng phải thực sự khổ luyện kỳ công. Chúng tôi luôn phải học hỏi các ‘thầy” đi trước và xem, nghe tuồng thường xuyên, rồi tập theo, như vậy mới thực sự nhập vai với từng nhân vật từ hát, điệu bộ, biểu cảm sắc mặt…”.
Có lẽ vì thế mà thế hệ trẻ của làng không mấy ai biết diễn tuồng cổ. Đó cũng là điều trăn trở của cụ Phan Đỉnh: “Tôi mong lắm nghệ thuật tuồng sẽ sống mãi với thời gian, góp phần bảo tồn tinh hoa nghệ thuật của dân tộc, nhưng nghệ nhân lớp chúng tôi đã “vơi” đi nhiều, lớp trẻ bây giờ nhiệt huyết với tuồng không còn tràn trề như chúng tôi thời trước”.
Trăn trở là thế, nhưng với người dân làng Hà Trung bao đời nay vẫn “phi tuồng bất thành hội”. Những vở diễn tuồng luôn đem đến những tiếng cười vui và cả những chiêm nghiệm sống sâu sắc, nhân văn được tái hiện đầy chân thực bởi đội nghệ sỹ làng. Tuồng luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những lễ hội, chương trình kỷ niệm của làng và của xã Diễn Hoàng. Và đáng mừng là nhiều người con của làng quê này vẫn yêu mến môn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Họ tự nguyện góp quỹ để mua sắm các dụng cụ xây dựng sân khấu, bộ nhạc cụ phục vụ câu lạc bộ biểu diễn.
Những ngày giáp Tết này, sân đình làng sáng đèn mỗi đêm, đội tuồng luyện tập chuẩn bị cho chương trình mừng đảng, mừng xuân. Rộn ràng tiếng trống, tiếng thanh la, sáo nhị… như tiếp lửa đam mê cho những người nông dân thăng hoa cùng vai diễn. Tuồng cổ vẫn vang lên trong những ngày vui xóm làng, như một nỗ lực để bảo tồn và lưu truyền nét đẹp văn hoá đặc trưng cho thế hệ con cháu; và làm cho ngày xuân thêm tưng bừng, đậm đà bản sắc.
Đinh Nguyệt