Về hiệu quả kinh tế trong hoạt động du lịch của Nghệ An
(Baonghean) - Tính đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 572 cơ sở lưu trú với 12.704 phòng, 23.782 giường; trong đó có 4 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn 2 sao, 25 khách sạn 1 sao, 27 đơn vị lữ hành (có 10 đơn vị lữ hành quốc tế). Năm 2012, có trên 3 triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An có lưu trú, trong đó có 98.780 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 1.572.380 triệu đồng. Từ những con số trên đây cho thấy, hoạt động du lịch của Nghệ An phát triển với quy mô tương đối lớn, số cơ sở lưu trú nhiều, lượt khách du lịch đông, hoạt động du lịch đem lại doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế trong hoạt động du lịch của Nghệ An thì còn nhiều vấn đề cần bàn.
Nghệ An có những trung tâm du lịch lớn như Cửa Lò, Kim Liên quê Bác, TP. Vinh và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch tương đối lớn, trong đó có đến 62 khách sạn từ 1 sao đến 4 sao. Nhưng doanh thu từ hoạt động du lịch mới đạt hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2012 là chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng. Các khách sạn chủ yếu được xây dựng tại Thị xã Cửa Lò, do đặc thù nên mỗi năm hoạt động được từ 3 đến 4 tháng cao điểm mùa hè, thời gian còn lại vắng khách.
Một hạn chế lớn của du lịch Nghệ An là sản phẩm phục vụ du khách nghèo nàn, thiếu những sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn riêng của quê hương xứ Nghệ. Khách đến Cửa Lò chỉ có thể mua hải sản và một số vật lưu niệm không đáng kể của vùng biển, tại các khách sạn chủ yếu bán những loại hàng phục vụ nhu cầu thực khách, ít có hàng lưu niệm cao cấp. Khách đến Kim Liên quê Bác cũng khó tìm hàng lưu niệm đặc sắc. Các hoạt động văn hóa, dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm du lịch đang rất hạn chế. Khách đến Cửa Lò chỉ để tắm biển trong các ngày hè, chưa có nơi để tham quan, thưởng thức văn hóa, vui chơi. Hàng triệu lượt khách đến Kim Liên quê Bác đều chỉ thực hiện một “tua” du lịch cực ngắn là tham quan mộ bà Hoàng Thị Loan, quê ngoại, quê nội Bác Hồ và làm lễ dâng hương tưởng niệm Bác. Nghệ An có nhiều điểm văn hóa tâm linh, là nơi tổ chức các lễ hội lớn và quanh năm thu hút rất đông người, nhưng hoạt động dịch vụ ở đây chủ yếu là bán hương, phục vụ ăn uống, giữ xe và một số dịch vụ tâm linh, thậm chí có cả hoạt động mê tín. Vì nghèo hoạt động văn hóa, dịch vụ nên Nghệ An chưa có một điểm du lịch nào có thể bán vé thu tiền như ở đền Hùng, chùa Hương, cố đô Huế hay các công viên lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Việc phát triển các trung tâm và các tuyến du lịch khép kín trên địa bàn toàn tỉnh như quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt vẫn chưa thực hiện được, khách du lịch đến Nghệ An tập trung ở Cửa Lò và quê Bác.
Với thực trạng hoạt động du lịch như trên đây, để tạo hiệu quả kinh tế tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh là một vấn đề lớn và rất khó, cần có những giải pháp đột phá. Phải có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch một cách toàn diện, cân đối. Cần quan tâm đầu tư cho các hoạt động văn hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch, đầu tư sản xuất các sản phẩm du lịch có giá trị cao mang bản sắc xứ Nghệ, có nhiều sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ nhu cầu của du khách; cần có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển các hình thức hoạt động văn hóa, dịch vụ tại các cơ sở du lịch, nhất là ở các trung tâm du lịch lớn như Cửa Lò, Kim Liên quê Bác. Nhân lực cho hoạt động du lịch của Nghệ An hiện nay còn ít, chất lượng thấp, nhân viên tiếp tân trong các khách sạn, nhà nghỉ vừa thiếu kỹ năng giao tiếp, vừa thiếu ngoại ngữ. Cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực lâu dài và có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho hoạt động du lịch. Thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ trên nhằm khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả của nền “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.
Trần Hồng Cơ