Về lại Hoa Thành

04/05/2012 10:09

(Baonghean) Chúng tôi về lại Hoa Thành đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhà cách mạng tiền bối xuất sắc Phan Đăng Lưu.

Hoa Thành là xã đầu tiên của huyện Yên Thành thí điểm bầu bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã; là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (chỉ còn 3,9%); có đường GTNT và kênh mương nội đồng được bê tông hóa nhiều nhất; nhiều di tích LS-VH đã và đang được công nhận xếp hạng nhiều nhất (7 di tích); tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch từ nhà máy nước của huyện nhiều nhất (6/7 xóm); là xã có thiết chế VH-TT đồng bộ đạt chuẩn sớm nhất…

Nói về sự độc đáo, còn phải kể đến Hoa Thành có tới hai đền thờ hai vị Thám hoa và đều được xếp hạng là Phan Tất Thông và Phan Duy Thực. Hoa Thành là quê hương danh nhân Phan Đăng Lưu, vị lãnh đạo tiền bối của Đảng xuất sắc, nêu tấm gương ngời sáng về khí tiết kiên trung của người cộng sản đã làm rạng danh quê hương đất nước. Ông Nguyễn Công Hồng, cán bộ văn hóa xã Hoa Thành dẫn tôi về thăm di tích danh nhân Phan Đăng Lưu là ngôi nhà cũ từ năm 1929, trong một khu vườn xinh xắn nhìn ra cánh đồng lúa trải rộng, ngát hương gió đồng.

Nơi đây, Phan Đăng Lưu cất tiếng khóc chào đời và học những con chữ Thánh hiền đầu tiên do thân phụ truyền dạy. Ngay tại di tích, tình cờ được gặp cụ Phan Đăng Thành, nay đã 89 tuổi, là em họ gần với Phan Đăng Lưu. Từ 1990, di tích được xếp hạng, cụ Thành là người đầu tiên trông coi trong gần 10 năm. Nói về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Đăng Lưu, cụ Thành xúc động cho biết, Phan Đăng Lưu là một trong số ít các lãnh tụ của Đảng có nhãn quan chính trị rất sắc bén, tham gia vào những thời điểm có tính “bước ngoặt” của phong trào cách mạng nước ta.

Chẳng hạn, trước khi thành lập Đảng, Phan Đăng Lưu là người có ý tưởng hợp nhất hai tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng (Đảng Tân Việt và Hội Thanh Niên) sớm nhất, đồng thời cũng có đề xuất việc thành lập tổ chức cộng sản ở nước ta. Năm 1940, khi tình hình thế giới và trong nước chuyển biến mau lẹ, Phan Đăng Lưu đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VII cùng nhận định tình hình và quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do chưa đúng thời cơ.

Đáng tiếc, vừa vào tới Sài Gòn (22/11/1940), Phan Đăng Lưu đã bị địch bắt. Trong tù, dù biết chắc sẽ bị chúng tử hình Phan Đăng Lưu vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và vẫn cùng các đồng chí khác trong xà lim rút kinh nghiệm từ khởi nghĩa Nam Kỳ làm bài học cho Đảng. Những ngày cuối cùng trong xà lim dành cho tử tù, Phan Đăng Lưu vẫn đọc thơ, viết báo tố cáo tội ác của kẻ thù và còn viết một bức thư về cho con trai, thư viết bằng bút chì và bằng tiếng Pháp, thể hiện khí tiết cao đẹp của người cộng sản chân chính, người con hiếu thảo, người chồng, người cha mẫu mực, vị tha mà chắc chắn đọc lên ai cũng thấy xúc động: “Con trai thân yêu,…Con hãy gắng lau nước mắt cho mẹ con! Con hãy an ủi tất cả mọi người trong gia đình, nhất là đừng chạy chọt mà uổng công toi”. Ở một đoạn khác, thư viết “…Dẫu sao chăng nữa, ba vẫn thanh thản đón nhận số phận đã dành cho mình và chịu đựng một cách ngoan cường”.

Tài liệu của cố lão thành cách mạng Phan Đăng Tài (em ruột Phan Đăng Lưu), còn ghi lại hồi ức của đồng chí Trần Ngọc Điệp (người duy nhất chứng kiến phút cuối tiễn đồng chí Phan Đăng Lưu ra pháp trường) kể lại: Đó là thời khắc nghẹt thở, nặng nề nhưng rất đỗi hào hùng khi Phan Đăng Lưu cảm khái đọc lên đôi câu đối chữ Hán của nhà chí sỹ cách mạng Nguyễn Thức Đường (tức Trần Hữu Lực) năm 1916, giọng đọc vang mãi trong chốn xà lim như nhắn gửi lại bạn bè, đồng chí mai sau. Tạm dịch nghĩa: “Non sông đã chết, ta há lại sống thừa, suốt 10 năm luyện kiếm mài đao, nung chí lớn thề phò Tổ quốc/ Lông cánh chưa thành, việc bổng đâu hóa hỏng, dưới suối vàng điều binh khiển tướng, hồn thiêng ngầm giúp lớp em sau”.

Chúng tôi thành kính thắp nén hương lên bàn thờ và trân trọng ghi mấy dòng cảm tưởng vào sổ lưu niệm ở di tích của một nhà cách mạng tiền bối trên quê hương Nghệ An…


Mai Hồ Minh

Mới nhất

x
Về lại Hoa Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO