Về những nơi "chân trần, chí thép"

30/04/2014 11:16

(Baonghean) - “Chân trần, chí thép” chính là tên của một cuốn sách của cựu binh Mỹ James G. Zumwalt. Cuốn sách này kể lại ý chí kiên cường của thế hệ cha anh chúng ta đã quyết tâm hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc… Dải đất hình chữ S nói chung và Nghệ An nói riêng, có rất nhiều những chứng tích anh hùng tiêu biểu cho bản lĩnh “chân trần, chí thép”…

Trong chuyến ra Côn Đảo, tôi may mắn được gặp anh Lê Văn Thống, nguyên là thanh niên xung phong, bộ đội chống Mỹ, sau chuyển ngành sang làm giao thông. Mấy hôm trước, anh gọi điện cho tôi, hẹn: Tháng Tư, cùng anh đi một chuyến, đi về những nơi “chân trần, chí thép”.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là ngôi mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kim Giao và chiến sỹ Lương Văn Tín, ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Kính cẩn thắp nén nhang, niệm tưởng vong linh của hai liệt sỹ, anh Thống nhẹ nhàng bảo: Cánh lính lái xe bọn anh ngày xưa sống được đến ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của những người lấy thân mình phá bom từ trường như anh Giao, anh Tín. Cuộc sống hôm nay có được như thế này là nhờ những người đã vì nước quên thân, “xe chưa qua nhà không tiếc”. Mỗi thời mỗi thế, cách nghĩ khác nhau nhưng lớp trẻ hôm nay không được vô tâm, lãng quên quá khứ…

Qua Nam Đàn về đến Mỹ Sơn, Đô Lương có địa danh Truông Bồn huyền thoại. Với anh Thống: Đất nơi đây thấm đượm máu thịt của anh hùng, của những người thanh niên xung phong, của 41 người dân địa phương kiên cường chống giặc. Năm xưa, Truông Bồn như dòng máu trong một cơ thể thống nhất, quyết không ngừng chảy. Truông Bồn hôm nay, cây đã phủ xanh núi đồi đất đỏ nham nhở vết thương bom đạn. Ngôi mộ chung của 13 liệt sỹ thanh niên xung phong ở dốc Kỳ Lợn được xây dựng tu bổ rất đẹp, với nhà thờ lớn… Để anh Thống ở lại tâm tình với đồng đội, tôi ra ngoài ngắm Khu di tích lịch sử Truông Bồn đang đi vào giai đoạn gấp rút hoàn thành. Khu di tích có tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, diện tích xây dựng 217.327m2 này được xây dựng nên bởi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Để đủ diện tích xây dựng công trình, 47 hộ dân ở xóm 10, xã Mỹ Sơn đã nhường chỗ cho dự án. Tháng Tư về, nắng hiền như nàng thơ. Bên đồi, sim mua bắt đầu khoe sắc tím. Sắc tím đến nhói lòng như nuối tiếc nhớ nhung, như nhắc nhớ về những chàng trai cô gái mở đường đã gác lại khát vọng, ước mơ, hạnh phúc riêng tư lao vào mưa bom bão đạn.

Chúng tôi về mốc số 0 của đường Trường Sơn huyền thoại. Ngày 9/9/1964, có hàng vạn công binh, TNXP, nhân dân thuộc các huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đã tập trung để khởi công đoạn đường này. Họ đã lập một kỳ tích, đào đắp hàng ngàn khối đất đá, khôi phục hàng chục cầu cống, trực tiếp bắn rơi máy bay và bắt nhiều giặc lái. Họ đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành cây số 0 để xác lập điểm khởi đầu của con đường. Anh Thống cho hay: Trong kháng chiến, đường Trường Sơn ở Nghệ An chính là một huyết mạch chi viện quan trọng. Nơi đây là một trong những trọng điểm đánh phá đầu tiên, cũng là nơi sau cùng ngừng tiếng súng đánh trả máy bay Mỹ. Và tại đây, cùng với lực lượng quân đội, công nhân giao thông, nhân dân địa phương, 4,3 vạn TNXP Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Bần thần bên khuôn viên, bia đá cột mốc, tượng đài "Hậu phương hướng về tiền tuyến” này, anh Thống đang nhớ về đoàn hùng binh năm ấy, nhớ con đường đã qua với những khe Thần, nhớ “Làng Sen ta đó/ Đắp thành đắp lũy/ Đắp lũy trong lũy ngoài/ Chừa chỗ hỏa mai/ Cứ năm thước một/ Đã làm cho tốt/ Đừng tưởng công lênh/ Xây hai bức thành/ Cũng gần một tháng", nhớ phà Sen /“Chuyến phà xuyên năm lửa bom/ Xe gạo đạn và trai làng ra trận/ Những chuyến phà ngày đêm thầm lặng/ Cam nông trường nắng đọng về xuôi… không ca - nô, tim anh làm máy nổ/ Tay cuộn săn nắm sợi lửa nóng bừng…”.

Ngược Bắc, đường Trường Sơn giờ hiên ngang, rộng rãi và tuyệt đẹp; hai bên xanh mơn mởn những rừng cao su “vàng trắng” bạt ngàn, vườn chè, rừng keo lai, rừng mía, cà phê, dưa hấu, vườn cây ăn quả, đồi cỏ phục vụ chăn nuôi. Anh Thống lại kể cho tôi nghe về chuyện 10 cô gái Làng Sen huyện Nghĩa Đàn vượt quãng đường 50 km bằng chân trần, chuyện “quán nước quân nhân” ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu)… Những năm chống Mỹ, để bảo vệ, cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, quân ta bố trí ở khu vực Hoàng Mai một trung đoàn phòng không, 3 đại đội TNXP, 2 đại đội cầu đường sắt, 1 đại đội công binh, 1 đại đội bốc vác hàng hóa và hàng trăm dân quân địa phương. Chỉ tính riêng trong 2 năm (1965-1966), ở Hoàng Mai đã diễn ra hàng trăm trận đánh quyết liệt giữa ta và địch.

Bến Thủy là điểm cuối mà hành trình anh Thống đưa tôi đi. Phà xưa nay đã nên cầu. Khu vực Bến Thủy, từ 1964 - 1972 là rốn lửa túi bom, khu chỉ rộng 2 km2 nhưng đã phải hứng chịu hơn 3.300 trận oanh kích cả trên không xuống và ngoài biển vào với hơn 24.600 quả bom, thuỷ lôi, rốc két các loại; có tới 75% quân số của đơn vị phà Bến Thuỷ bị thương vong. Xét về số trận cũng như số lượng bom đạn, số người hy sinh và bị thương có lẽ ít có nơi nào ác liệt như thế. Cũng trong khoảng 2 km khu vực Bến Thủy có tới hàng chục đơn vị và nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Hòa bình lập lại, bến phà năm xưa đã đi vào sử sách, nhịp cầu Bến Thuỷ đã nối đôi bờ tả, hữu sông Lam. Cầu Bến Thủy II hiện đại được xây nên và đưa vào sử dụng. Đây là công trình giao thông có vị trí chiến lược quan trọng trên Quốc lộ 1A, nối giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đứng trên cầu Bến Thủy II nhìn nước dòng Lam xanh trôi, anh Thống nói: “Bất cứ con sông nào cũng đổ về biển cả”.

Anh tặng tôi một cuốn sách không còn mới “Những bức thư thời chiến”. Giở sách thấy gấp ở lá thứ số 19 của liệt sỹ Hoàng Kim Giao gửi vợ: “Em hãy tìm lấy hạnh phúc lớn nhất, chân chính nhất của đời mình trong sự gắn bó với tập thể, trong việc đem nhiệt tình của tuổi trẻ vun đắp hạnh phúc chung của xã hội, mang tình cảm của mình để trái tim dạt dào theo từng hơi thở của cuộc sống lớn, sôi nổi bao la, trăm màu ngàn sắc của Tổ quốc”… Có lẽ cuốn sách này, hành trình đã đi là điều anh Thống muốn tâm tình với bản thân anh và tôi?!

Thành Chung

Mới nhất

x
Về những nơi "chân trần, chí thép"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO