Về nơi cán bộ... đưa đò

24/06/2014 18:49

(Baonghean) - Chòng chành trên chiếc đò ngang vượt sông Con đến trụ sở xã Phú Sơn (Tân Kỳ), qua những động tác vụng về, luống cuống chúng tôi biết anh không phải là lái đò “chuyên nghiệp”. Tìm hiểu được biết, anh là Bí thư Chi bộ xóm Cồn Phối, bất đắc dĩ trở thành "người đóng thế" đưa khách sang sông...

Những người “đóng thế”

Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè tháng 6, Bí thư xóm Cồn Phối, anh Hoàng Văn Chung, 42 tuổi, nước da xạm đen, dầm mình trong dòng sông Con đẩy con đò cũ ra khỏi bến. Chuyện trở thành "người đóng thế" của anh Chung có liên quan tới việc người lái đò của hai xóm Tân Lâm, Cồn Phối không may qua đời khi bị tai nạn trên sông. Người lái đò, là ông Nguyễn Văn Đồng vừa qua đời vào ngày 2/6/2014. Ông ngồi nghỉ trên mạn đò, không may bị trượt ngã xuống sông. Anh Chung rầu rầu: "Ông Đồng được chúng tôi ví là con tấy (rái cá - PV) của xã Phú Sơn, vậy mà lại bị đuối nước.

Quả là "sinh nghề, tử nghiệp...". Cách đây khoảng chục năm, một người con trai trên 20 tuổi, cao lớn, khỏe mạnh cũng bị nạn tại khúc sông này, vậy nên sau khi ông Đồng mất, xóm không tìm được người chèo đò thay, vì ai cũng sợ "dớp". "Trạm y tế, trường học, trụ sở xã đều ở bên kia sông. Nhu cầu đi lại của khách thập phương, của gần 200 hộ dân 2 xóm Tâm Lâm, Cồn Phối và nhất là gần 100 học sinh qua sông rất bức thiết. Cuối cùng, Đảng ủy, chính quyền xã đã kêu gọi cán bộ xóm thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, thay phiên lái đò đưa khách sang sông. Và chúng tôi trở thành những người lái đò bất đắc dĩ..." - anh Chung thổ lộ.

Bến đò Cồn Phối, xã Phú Sơn.
Bến đò Cồn Phối, xã Phú Sơn.

Gần 20 ngày qua, ngoại trừ cán bộ hội phụ nữ và hội người cao tuổi, còn lại từ bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban mặt trận, công an viên, thanh niên... của Cồn Phối, Tân Lâm phải thay phiên nhau lái đò. Anh Nguyễn Văn Toàn - Xóm trưởng xóm Cồn Phối, thành thật: "Đò thì đã cũ nát, nước sông Con lên xuống thất thường, lại ám ảnh chuyện của bác Đồng, vậy nên khi quyết định sẽ lái đò đưa dân qua sông, những người trong gia đình lo lắm. Vợ mình hỏi: "Anh suy nghĩ cho kỹ chứ việc sông nước không thể nói đùa. Chẳng may có chuyện gì, không những mình mà còn tính mạng của những người trên đò biết tính ra sao...". Mình biết vợ nói đúng. Mình chẳng thạo nghề sông nước, chưa từng được tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông, không có chứng chỉ hành nghề, giờ lái đò ngang là trái quy định. Nếu khăng khăng từ chối chắc lãnh đạo xã cũng chẳng bắt buộc được. Nhưng từ chối thì ai sẽ làm đây...".

Bí thư chi bộ xóm Cồn Phối Hoàng Văn Chung dầm mình trong nước đẩy đò rời bến.
Bí thư chi bộ xóm Cồn Phối Hoàng Văn Chung dầm mình trong nước đẩy đò rời bến.
Để khách rời thuyền cũng cả một vấn đề không đơn giản.
Để khách rời thuyền cũng cả một vấn đề không đơn giản.
Học sinh trường THCS Phú Sơn (trong ảnh là các em Nguyễn Thị Thương, Trần Thị Huệ) tỏ rõ sự lo lắng cho việc đi lại của mình
Học sinh trường THCS Phú Sơn (trong ảnh là các em Nguyễn Thị Thương, Trần Thị Huệ) tỏ rõ sự lo lắng cho việc đi lại của mình
Chiếc đò ngang xóm Tân Lâm, Cồn Phối đã xuống cấp nặng.
Chiếc đò ngang xóm Tân Lâm, Cồn Phối đã xuống cấp nặng.

Tâm sự của anh Toàn chúng tôi hiểu. Những ngày này, nước sông Con còn nhỏ, nhưng nhìn những nhà chờ đò còn hằn dấu con nước, và hai bờ sông có không ít khoảng xói lở, biết rằng mùa mưa lũ nơi đây không hề đơn giản. "Bây giờ sông Con chỉ rộng trên 50m, còn vào mùa mưa lũ ngập tràn hết cả hai bờ, rộng đến trên 200 m. Khi đó, tôi không hình dung nổi rồi sẽ xử lý ra sao..." - anh Toàn trăn trở.

Mong một cây cầu

Cùng lên đò với một nhóm học sinh hai xóm Cồn Phối, Tân Lâm tới trường, khi thấy chúng tôi trò chuyện cùng Bí thư Chi bộ Cồn Phối, nhắc đến chuyện ông lái đò, hầu hết đều tỏ rõ sự lo lắng cho việc đi lại của mình. Em Nguyễn Thị Thương (ở xóm Tân Lâm) cho biết: “Vì đò ngang cách trở nên các em thường đi học muộn và trưa phải ở lại trường. May cho các em là được giáo viên Trường THCS Phú Sơn giúp đỡ, đã nhường phòng nghỉ và bếp để tự nấu ăn. Thương nói: “Em mong tới một ngày, hai xóm sẽ có một cây cầu bắc qua sông, để em có thể đạp xe tới trường chứ như hiện tại thì thường xuyên đi bộ vì đò nhỏ, đưa xe đi thì chiếm mất chỗ của bạn khác...". Em Trần Thị Huệ thổ lộ: "Bố mẹ cũng rất lo cho việc đi lại của chúng em. Mẹ em thường nhắc, lên đò nhớ không đùa nghịch để không phiền các bác và phải ngồi gần phao cứu sinh...". Thầy giáo Nguyễn Công Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Sơn cho biết: "Trường đã báo cáo với Đảng ủy, chính quyền xã, và đề nghị xã nên tìm người có hiểu biết về sông nước, được cấp giấy phép hành nghề về giúp việc lái đò...".

Ông Nguyễn Hồ Thú - Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn xác nhận việc xã chỉ đạo cán bộ hai xóm Tân Lâm, Cồn Phối luân phiên lái đò chở khách qua sông. Ông Thú giải thích: "Xã đã cất công tìm gặp khá nhiều người hành nghề sông nước ở trong vùng, mời họ về giúp. Những người này cũng đã đến thăm thú địa hình nhưng sau đó đều từ chối vì họ sợ. Vận động nhân dân thì không ai chịu làm. Bất đắc dĩ, chúng tôi đành vận động cán bộ xóm thực hiện việc lái đò, xem như một nhiệm vụ bắt buộc. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc để huyện biết. Trong đó, đề ra phương án tạm thời là đề nghị huyện cấp cho một con đò sắt, tìm giúp người có đủ năng lực lái đò...".

Cũng theo ông Nguyễn Hồ Thú, từ ngày 8/3/2013, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu treo bến Cồn Phối, xã Phú Sơn tại Quyết định số 622/QĐ.UBND - CN. Tổng mức đầu tư là gần 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên dự án chưa thể thực hiện. "Người dân ai cũng mong muốn có một cây cầu để việc đi lại được tiện lợi và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ngoài Phú Sơn, tôi được biết còn có đến 12 địa phương khác cũng rất cần cầu, trong khi đó kinh phí của Nhà nước để thực hiện còn rất khó khăn - ông Thú nói.

Sau gần một ngày lưu lại, chúng tôi rời xóm Cồn Phối, Tân Lâm mà không thôi day dứt về những băn khoăn, lo lắng, và những hoài vọng của cán bộ, nhân dân nơi này. Các cán bộ xóm Cồn Phối, Tân Lâm, xã Phú Sơn đã thể hiện là những người rất có trách nhiệm với nhân dân. Vậy nhưng, mùa mưa lũ đã cận kề, ai dám chắc được việc qua đò của người dân, và của chính những cán bộ đang ngày ngày "đưa đò" sẽ đảm bảo an toàn? Vì vậy, việc cán bộ... đưa đò không nên kéo dài thêm nữa. Huyện Tân Kỳ cần xem xét, giải quyết nhanh những kiến nghị của xã Phú Sơn về chuyện xây cầu.

Nhật Lân - Đào Tuấn

Mới nhất
x
Về nơi cán bộ... đưa đò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO