Về Tân Hợp nghe hát ghẹo Thổ Cuối

31/07/2014 17:29

(Baonghean) - Tân Hợp bao xa? Lên nghe người Thổ Cuối xã Tân Hợp (Tân Kỳ) hát ghẹo mà sao cứ háo hức chờ lúc được đặt chân lên dốc Vình. Là vì, trước đây khi Tổng đội TNXP 4 lên mở đất xây dựng kinh tế, cứ phải lấy dốc Vình mà tả cái gian nan đường đi. Dốc Vình cũng từng là “cửa ngõ” duy nhất để văn minh bên ngoài về với nhóm người Thổ Cuối chạy trốn giặc dã hàng mấy thế kỷ trước đến cái nơi cuối cùng của trùng điệp đá vôi phong hóa ngàn vạn năm này...

(Baonghean) - Tân Hợp bao xa? Lên nghe người Thổ Cuối xã Tân Hợp (Tân Kỳ) hát ghẹo mà sao cứ háo hức chờ lúc được đặt chân lên dốc Vình. Là vì, trước đây khi Tổng đội TNXP 4 lên mở đất xây dựng kinh tế, cứ phải lấy dốc Vình mà tả cái gian nan đường đi. Dốc Vình cũng từng là “cửa ngõ” duy nhất để văn minh bên ngoài về với nhóm người Thổ Cuối chạy trốn giặc dã hàng mấy thế kỷ trước đến cái nơi cuối cùng của trùng điệp đá vôi phong hóa ngàn vạn năm này...

Con đường đã nhựa nhưng vẫn lạo xạo dăm dưới bánh xe máy. Mải chuyện, thoáng cái đã từ Thị tứ Nghĩa Hoàn bám đỉnh dốc Vình rồi. Có gì ghê gớm đâu! Nhưng khi lướt xuống một vùng thung lũng rộng lớn, mướt xanh ruộng bậc thang và nương ngô, mía, vào những bản làng thanh bình của Tân Hợp; được đắm trong điệu kèn, tiếng chiêng tiếng trống dìu lời hát ghẹo cất lên, mới ghê gớm cho cái bền bỉ duy trì những giá trị văn hóa bản sắc của một nhánh người Thổ xửa xưa vốn chỉ biết cất lên tiếng hát chiến thắng nỗi cô độc, tồn tại giữa rừng sâu thăm thẳm.

Đón chúng tôi ở trụ sở xã là Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp Nguyễn Văn Cường. Ông là người góp vào cái tỷ lệ 40% người Thổ Cuối ở Tân Hợp còn biết hát ghẹo bằng ngôn ngữ riêng. Ông giảng giải, người Thổ Cuối (Tân Hợp) trước ở 2 vùng Bả Trong và Bả Ngoài, tiếng nói có đôi chút khác nhau nhưng đều cơ bản khác với người Thổ Mọn ngoài các xã Tân Xuân và Giai Xuân. Đặc biệt, tiếng ở Bả Trong (xóm Nghĩa Thành) gần với tiếng Việt cổ hơn cả, do có phụ âm cuối là chữ “r” (chữ “l” và “n” là biến âm có sau trong tiếng Việt cổ).

Phó Bí thư Cường bây giờ cũng không biết mình là hậu duệ đời thứ mấy của các bậc tổ tiên có mặt đầu tiên ở đây, nhưng chắc ngày xưa giặc dã kinh khiếp lắm, các cụ mới hãi chạy tuốt một mạch lên một nơi tột cùng bốn phía núi rừng bao bọc hiểm trở như thế này. Tài liệu điều tra xã hội học của NXB Văn hóa - Thông tin (Hà Nội) thì có dẫn: “Họ (người Thổ Cuối) là người bản địa đồng tông với Ly Hà, Đan Lai ở Con Cuông và người Tày Chăm, Tày Pun, Tày Chum ở Tương Dương, rất gần gũi với hai ngành Cuối Chăm (Cuối tẻ) và Cuối Đếp (Cuối nếp) ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp”.

Thế là, dù có những quãng cách ly với tổ tông Việt - Mường bên ngoài, thì người Thổ Cuối (Tân Hợp) vẫn lưu truyền vốn văn hóa dân gian “lách” ra một chút ở hát ghẹo (đối nam nữ), nhưng vẫn âm hưởng trong 6 làn điệu chính dân ca Thổ là “Đu đu điềng điềng”, “Tập tính tập tàng”, “Tún tà tún”, “Hát dạ ơi”, “Đói tháng ba”, “Pồn pông”... “Hát ghẹo chỉ được tổ chức vào ban đêm, trong các dịp lễ tết thôi nhé. Ban ngày hát tiếng nhạc cụ nó loãng đi và thiếu ánh lửa điệu hát cũng thiếu cái nồng nàn, bớt hấp dẫn” - Phó Bí thư Cường nói nhưng vẫn chiều khách, tổ chức “đội văn nghệ” lâm thời để chuẩn bị làm chuyến dã ngoại tìm nơi diễn xướng. Là có thể ông này “khôn”, vì Nhà nước vừa mở con đường du lịch sinh thái vào sâu trong hang Thung Khiển, nên tư vấn để tranh thủ “quảng bá” đây, chứ không gian hát ghẹo Thổ Cuối thì có thể dưới nhà sàn, đầu bản đều được. Tuy nhiên, anh cán bộ văn phòng đã tham mưu nên đi vào thác Bồn gần hơn. Đoàn hát ghẹo đi chừng mươi người đồng bào Thổ, già nhất có cụ Nguyễn Văn Ngọc đã 70 tuổi, trẻ có mấy cô thanh nữ tuổi mới đôi mươi. Theo cụ Ngọc thì bọn trẻ nó ham vui, say hát, chứ cái giọng thì chưa được nhuyễn lắm. Nhưng chúng không quên vốn dân ca quý của dân tộc mình, là tốt lắm rồi!

Con đường nhựa liên xã mở sang Đồng Văn đẹp đến ngạc nhiên. Thanh bình quá đỗi. Gần như chỉ nghe tiếng xe máy khua động khung cảnh thơ mộng này. Đi qua những quãng dốc uốn lượn, qua những bản làng, chúng tôi còn bắt gặp những máng nứa dẫn nước từ các “mó” trong núi ra. Các mạch nước tự nhiên rỉ từ mấy tầng núi đá vôi đã thành một phần trong tập quán lao động, sản xuất của người Thổ Cuối; nơi nào nhiều “mó” nước là nơi đó được chọn quần cư.

Rẽ từ đường lớn qua cánh đồng Mối xanh mướt ngô, sắn khoảng cây số là đến dốc Kè - con dốc nhỏ dẫn lên thác Bồn, tựa như dải lụa thả mềm mại từ đỉnh núi cao ba, bốn chục thước xuống. Nắng rờ rỡ làm vầng lên những tia nước ngũ sắc li ti. Anh cán bộ văn phòng xã trẻ hăng hái chạy vượt lên trước, hướng dẫn chúng tôi men theo các bậc đá để trèo lên khu đất phẳng như một sân khấu tự nhiên, treo lưng chừng mái ngàn xanh. Thi thoảng lại “binh boong” tiếng cồng va vào hông cô thôn nữ, bắp chân trắng ngần cứ thoăn thoắt lướt qua những chùm rễ cây buông thả lòa xòa.

Rồi cũng leo lên được “sân khấu”. Phó Bí thư Cường và cụ Ngọc dợm xem chừng chúng tôi ngớt thở vã là bắt tay “dàn dựng chương trình” ngay. Cụ Ngọc và đám trai đứng về một phía, cánh phụ nữ tản ra từng tốp lựa các mô đất cao chuẩn bị tư thế. Phó Bí thư Cường tranh thủ giải thích: Trong hát ghẹo của người Thổ Cuối, chỉ duy nhất kèn là do đàn ông sử dụng, còn trống và cồng nam nữ đều có thể dùng. Nội dung hát ghẹo chủ yếu là đối đáp giao duyên. Dàn nhạc hát đối gồm một kèn, một trống và bốn chiếc cồng hòa tấu, trong đó, kèn là nhạc cụ chủ đạo dẫn làn điệu cho cả dàn nhạc. - Thế các đám khác thì sao? “Ấy, có quy định cả đấy. Dàn nhạc 4 cồng chỉ đệm cho hát đối, 3 cồng đệm cho múa, còn đám ma thì chỉ dùng 1 cồng!”.

Một thanh niên mảnh khảnh, điệu đà nâng cây kèn. Âm thanh vảnh vót của kèn vừa cất lên là nhịp trống, nhịp cồng chậm rãi, mời mọc. Đó là bước dạo để chuẩn bị cho bài hát đối, vừa để thu hút người đến hội hát. Qua khúc dạo, tiết tấu dàn nhạc nhanh dần lên, “bắt” vào làn điệu hát đối. Khi âm vọng của núi rừng vừa đủ dội lại những thanh âm dìu dặt của cồng, tiếng khắc trống của Bí thư Cường dồn lên là nam nữ đám hát hướng về nhau, cất lời... Chúng tôi lập tức bị cuốn vào làn điệu như được gửi về từ xa xăm quá khứ qua ngôn ngữ hát bằng tiếng Thổ Cuối. Phó Bí thư Cường hóa ra là tay văn nghệ dân gian đa tài, có thể thổi kèn, đánh cồng, trống và hát đều điêu luyện. Cái e dè ban đầu nhanh chóng qua đi. Cánh phụ nữ sáng bừng khuôn mặt, đón chờ lời hát gọi mời trầu của bên nam (dịch):

Đội hình hát ghẹo của dân tộc Thổ Cuối (xã Tân Hợp - Tân Kỳ).
Đội hình hát ghẹo của dân tộc Thổ Cuối (xã Tân Hợp - Tân Kỳ).

“Trầu cay ăn với chay vàng,

Cơi trầu bịt bạc, anh mời nàng”.

Bên nữ đối lại:

“Trầu xanh têm với vôi tàu,

Giữa vỏ xanh chát, hai đầu quế cay”.

Ấy là bên nữ thăm dò đấy; vả lại cũng phải làm cao chút đã chứ! Bên nam bèn hát tiếp:

“Trầu này không phải trầu hàng,

Không bùa, không ngải, sao nàng không ăn?”

Bên nữ vẫn chưa chịu:

“Thưa rằng cha mẹ em răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người”.

Và có khi, lại là sự giãi bày, khuyến khích bên nam một cách thật đáng yêu của bên nữ:

“Đôi ta như đũa trong kho,

Không tề, không tiện, không đo cũng bằng”...

Nắng đã xế đỉnh đầu. Cuộc diễn xướng tạm nghỉ. Theo Phó Bí thư Cường, thì đám hát đối có thể kéo dài bao lâu tùy hoàn cảnh đám hội. Ngoài hát ghẹo, thanh niên nam nữ có thể hát đối lúc lên nương, làm ruộng, được gọi là hát “ới”. Nghĩa là, mỗi câu hát đối đáp đều dùng một chữ “ới” đi trước. Đoạn, Phó Bí thư Cường cất một câu hát “ới” cho chúng tôi nghe: “Ới !... Muốn về lại muốn ở đây/Về thì thương bạn, ở đây nhớ nhà”. Thấy chúng tôi quay sang mấy cô thanh nữ đùa: “Ới là phóng viên cũng muốn ở đây...”, anh cán bộ văn phòng trẻ nói ngay: “Thì chưa về đâu, nhưng mà mời các anh chị đi tiếp thăm hang Thung Khiển, đảm bảo các anh chị rất thích!”.

Phó Bí thư Cường bảo là hang có truyền thuyết, huyền thoại dân gian gì đấy mà chẳng ai nhớ rõ nữa. Nhưng hang đẹp, nên vào. Cho đoàn “diễn viên” lỉnh kỉnh nhạc cụ về trước, chúng tôi theo anh cán bộ văn phòng vào hang Thung Khiển. Trở ra trung tâm xã, theo đường du lịch sinh thái đang thi công, thêm một thôi đường rừng là tới hang Thung Khiển ẩn mình trong lòng đại ngàn đá vôi. Trước cửa hang là những cây sung cổ thụ xòe tán xanh tốt, quả ken dày chín đỏ rực. Anh cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ dặn dò cẩn thận xong, mới cho phép khách vào: “Đi một quãng là trở ra nhé! Đi mãi là sang xã Đồng Văn luôn đấy!”. Trong hang được bố trí điện máy nổ, loang loáng hình thù nhũ đá kiến tạo thiên nhiên kỳ thú, khí lạnh len vào da thịt đem lại niềm khoái cảm thôi thúc khám phá. Chợt nghĩ, các bậc tiên tổ người Thổ Cuối (Tân Hợp), mấy trăm năm trước thoạt tiên đã ẩn mình sinh sôi trong này chăng? Cũng có thể từ đây, câu chuyện về ả Nướng Hồng chung thủy vượt qua thử thách, miệng ngậm giấy nhìn trai gái làng ăn hết thúng cam chua mà không ướt để được lấy người mình yêu, để bây giờ còn đó, dấu tích đền Làng Sòng thờ ả như một vị thần!

“Muốn về lại muốn ở đây/Về thì thương bạn, ở đây nhớ nhà” - câu hát “ới” mà Phó Bí thư Cường hát cho chúng tôi nghe, cứ như là đọc tâm trạng của chúng tôi khi chia tay Tân Hợp với thắng cảnh Thung Khiển, chia tay đồng bào Thổ Cuối hiền hòa đang lưu giữ trong đời sống tinh thần một vốn dân ca cổ, với sức cuốn hút thật mãnh liệt. Cảm giác mình đang được sống về một không gian còn đậm chất Việt cổ quá khứ xa xăm ấy, theo mãi chúng tôi, cho tới khi dốc Vình đã hút phía sau lưng...

Anh Vũ

Mới nhất

x
Về Tân Hợp nghe hát ghẹo Thổ Cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO