Về thăm Người Mẹ Làng Sen

18/03/2011 17:32

Giữa tiết giêng hai còn phảng phất những hạt mưa xuân vương quàng trên tán lá, chúng tôi đã có mặt tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu mộ toạ lạc trên núi Động Tranh ở độ cao trên 100 mét so với mặt biển trong dãy Đại Huệ, thuộc xã Nam Giang, Nam Đàn. Tại đây, một khuôn viên rộng lớn với nhiều cụm công trình, từ cổng vào, các bậc thang lên, cho đến giàn mái che trên mộ đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ kịp hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Bác Hồ.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, mất năm 1901, tại Kinh đô Huế, khi bà mới vừa tròn 33 tuổi. Lúc đầu thi hài Bà được an táng tại núi Ba Tầng, trên dãy Ngự Bình, nhìn xuống dòng sông Hương thơ mộng. Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh - con gái đầu lòng của Bà đã đưa hài cốt mẹ về táng trong khu vườn tại làng Sen.

Năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm, sau một thời gian chọn lựa đã lấy Núi Động Tranh làm nơi cải táng Bà, vị trí đó được giữ lại cho đến ngày nay. Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ - Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang Quân khu 4, thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của Bà khang trang và đẹp đẽ.

Cổng chính vào Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan đang được tôn tạo.


Đến tháng 7/2010, nằm trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên với tầm vóc của một di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia, mộ Bà Hoàng Thị Loan một lần nữa được tiến hành tôn tạo.

Từ chân núi Động Tranh, men theo con đường với 269 bậc được ghép đá vuông vức, với lan can uốn lượn theo nếp núi, xen kẽ là những giàn hoa được bố trí làm nơi nghỉ chân, chúng tôi đã đặt chân đến khuôn viên khu mộ của Bà Hoàng Thị Loan.

Tại đây, khoảng gần 40 công nhân đang tích cực ghép những phiến đá được đem về từ khắp nơi trên mọi miền của đất nước. Ngay bên trên ngôi mộ, một dàn mái che với kết cấu các cột bê tông, hai đầu đao, cùng mái che lợp ngói mũi hài cách điệu theo hình tượng chiếc khung cửi, con thoi và dải lụa vắt ngang đã được hình thành.

Tại nền sân thượng hình bán nguyệt trước ngôi mộ, có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau, luồn giữa rừng thông, giống như hai giải lụa đào xõa xuống từ khung cửi.

Đứng trên sân hành lễ ngay trước thềm ngôi mộ, một không gian rộng lớn như được hút vào trong tầm mắt chúng tôi từ Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đức Thọ, cho đến Hương Sơn, nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, gắn liền với lịch sử truyền thống của dân tộc, và với mảnh đất, con người xứ Nghệ.

Dẫn chúng tôi lên thăm mộ, ông Nguyễn Vương Lộc, Phó GĐ Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An, Trưởng ban quản lý dự án tôn tạo Di tích mộ Bà Hoàng Thị Loan, cho biết: Về dự án tôn tạo Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, đã có 7 phương án được đệ trình, trong đó có 2 phương án thiết kế của Cty tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội được lựa chọn để lấy ý kiến của nhân dân cả nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời mô hình mô phỏng thiết kế cũng được xây dựng để lấy ý kiến nhân dân trong tỉnh, và tổ chức trưng cầu ý kiến của các vị lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, mời các đồng chí thường vụ Tỉnh uỷ đã nghỉ hưu về góp ý. Sau một thời gian góp ý và chọn phương án thiết kế, đến 21/7/2010 công trình đã chính thức được khởi công.



Công nhân đang tích cực hoàn thiện phần bậc thang và ghép đá.


Phần mộ giữ nguyên tại chỗ, với đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối có độ dày từ 6 đến 9 cm, được chạm trổ các hình hoa lá cách điệu ốp bên ngoài. Khi ghép toàn bộ các phiến đá vào với nhau tạo được hình cách điệu của một bông sen. Khu vực chuẩn bị hành lễ được mở rộng thành hình vòng cung hoà hợp với địa hình và tạo được một góc nhìn rộng.

Xung quanh mộ được mở rộng để tạo thêm sự khang trang cho phần mộ. Không gian này đều có mái che vừa tạo không khí trang nghiêm, ấm cúng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người hành lễ khi mưa nắng. Xung quanh phần sân hành lễ có lan can và trồng hoa để đảm bảo bốn mùa đều xanh đẹp của cỏ cây hoa lá.

Nằm trên độ cao hơn 100 mét, với hơn 4000 tấn vật liệu, chưa kể đến đá, xi măng, cát, nước, trong đó có những phiến đá, bức cuốn thư bằng đá nặng tới 14,7 tấn được vận chuyển bằng sức người và thông qua hệ thống tời được thiết lập xen giữa rừng thông với sườn núi có độ dốc lớn. Vật liệu thi công được đem về từ nhiều nơi khác nhau, đá Kim Sa nhập về từ Ấn Độ, đá trắng để làm bức cuốn thư đem về từ Yên Bái, đá xanh đen ở Thanh Hoá, và đá trắng từ vùng mỏ Quỳ Hợp, với trọng lượng khá lớn.

Thế nhưng, đến nay 80% khối lượng đã được các đơn vị thi công hoàn thành. Việc xây lắp do Cty CP xây dựng số 1 Hà Nội thi công, đến nay đã hoàn thành 90% công việc, dự kiến đến ngày 30/3 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị ốp đá tiến hành thi công.

Với phương án làm "cuốn chiếu" này, cộng thêm lực lượng công nhân đông đảo (thời điểm đông nhất lên đến 60 công nhân, bình thường có khoảng 40 công nhân thi công), các đơn vị thi công phấn đấu sẽ hoàn thành đúng dự kiến cụm công trình, với cổng chính, cổng phụ, phần mộ cụ Hà Thị Hy (Bà nội Bác Hồ), mộ Bà Hoàng Thị Loan, cùng hệ thống các đường lên xuống, cảnh quan không gian xung quanh, để nhằm phục vụ cho nhu cầu tham quan, thăm viếng mộ của đông đảo nhân dân gần xa.

Ông Nguyễn Vương Lộc cũng cho chúng tôi biết thêm : Đây là công trình tôn tạo mộ, gắn với vấn đề tâm linh, nên luôn được coi trọng ở từng khâu, tỷ mỉ trong từng chi tiết, nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân. Một công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện sự tôn kính đối với Người mẹ Làng Sen- Người mẹ Việt Nam, vì thế chất lượng phải được đảm bảo tuyệt đối, không thể chạy đua theo thời gian mà làm vội vàng.

Cho dù nằm trên sườn mái của cả một ngọn đồi với độ dốc lớn, việc thi công vẫn được bám sát vào bản thiết kế đã được phê duyệt, chỉ có một số trường hợp phải điều chỉnh thi công để phù hợp với cảnh quan, nhằm không làm phá vỡ không gian cảnh quan đã có từ trước.

Đó là chưa kể đến việc, phải thi công trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa, bão, nhất là cơn bão số 3 hồi cuối tháng 8/2010 và trận lụt lịch sử vào trung tuần tháng 10/2010, khiến cho việc tập kết vật liệu và công tác thi công gặp nhiều khó khăn!

Việc tôn tạo Khu mộ thân mẫu Bác Hồ đã thể hiện sự tôn kính đối với Người mẹ Việt Nam, đã sinh ra Bác. Nơi đây, sau khi hoàn thành sẽ liên kết với Khu Di tích Kim Liên, Khu lăng mộ Mai Hắc Đế, cùng các điểm di tích lịch sử tại Nam Đàn tạo thành một quần thể gắn kết du lịch với văn hóa, giáo dục truyền thống, lịch sử....

Cũng từ đây, xã Nam Giang (nơi đặt trung tâm điều hành) các phương án dự kiến phục vụ khách tham quan đã được xây dựng, trong đó vào mùa hè du khách sẽ xuất phát từ Nam Giang - mộ Bà Hoàng Thị Loan - Làng Sen - Hoàng Trù - Khu Di tích Núi Chung - các di tích Phan Bội Châu, La Sơn Phu Tử - Vinh. Về mùa đông, du khách sẽ bắt đầu từ: Nam Giang - Hoàng Trù - Làng Sen - Núi Chung - Mộ Bà Hoàng Thị Loan...

Đặng Cường

Về thăm Người Mẹ Làng Sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO