Về truyền thống mai một hay là những bức tường dở dang

14/08/2013 18:41

(Baonghean) - Nhân mấy đứa bạn của cô cháu gái đến chơi nhà, mình mon men tiếp chuyện để thăm dò xem cô cháu cưng...

(Baonghean) - Nhân mấy đứa bạn của cô cháu gái đến chơi nhà, mình mon men tiếp chuyện để thăm dò xem cô cháu cưng chấm cậu nào:

- Cháu đi làm chưa hay đang đi học?

- Dạ cháu đi làm ở ngoài Hà Nội, ngân hàng X. ạ!

- Bố mẹ cháu còn công tác hay về hưu rồi?

- Bố mẹ cháu điều hành doanh nghiệp Y ở trong này ạ!

Hỏi chuyện mấy đứa nhóc, hầu như đứa nào cũng loay hoay đi tìm chỗ đứng ở các thành phố lớn, mặc dù bố mẹ chúng nó ở đây đều gây dựng được một cơ ngơi kha khá nếu là doanh nghiệp tư nhân và một vị trí ít nhiều có tiếng nói nếu làm việc trong bộ máy nhà nước. Khi mình hỏi sao không tiếp quản việc kinh doanh của bố, một cậu lắc đầu vẻ khảng khái: "Cháu muốn tự lực cánh sinh. Cháu không muốn người ta nói cháu ăn sẵn”. Còn một cậu thì tuyên bố không muốn vào làm việc ở sở Z của tỉnh, chỉ vì “sợ người ta dèm pha là có ô, lọng".

Tự nhiên thấy buồn và tiếc cho những người trẻ cứ mãi đeo đuổi mù quáng cái gọi là “tự lực cánh sinh”, “tự bước đi trên đôi chân của mình”. Những suy nghĩ đó không sai, thậm chí chúng thể hiện các em biết nghĩ, biết tự trọng, biết sống trách nhiệm với mình và xã hội. Nhưng cần phân biệt rõ dựa dẫm ỉ lại vào người khác và nắm bắt lấy cơ hội mà người khác trao cho mình. Thực tế, tâm lí trên là điều dễ hiểu khi mà tuổi trẻ thường có lòng tự tôn cao và khao khát khẳng định bản thân. Nhưng nếu các em nhìn xa hơn một chút, sẽ thấy cái người ta cho các em không phải là thành công có sẵn mà là con đường ngắn hơn để thời gian và tài năng của các em không bị lãng phí, thậm chí là bị thui chột. Con đường đó, rốt cuộc các em vẫn phải tự đi chứ có ai bước giùm?

Vậy là trong khi các em bướng bỉnh “khai phá” những con đường mới từ số 0 tròn trĩnh, con đường mà bố mẹ các em bỏ cả một đời ra gây dựng bỗng thành ngõ cụt. Ở nhiều nước, có những nghề, nghiệp được kế thừa từ đời này qua đời khác, trở thành biểu tượng, linh hồn của cả một gia tộc, rồi tự nhiên trở thành tên, họ mà đời đời con cháu sinh ra đã mang theo.

Những cái tên như Xavier “Cây táo và cây bông”, Pierre “Kiếm thiêng”, Jordan “Đồng hoa nở rộ”,... đơn giản chỉ là cái nghiệp gắn bó với các vị tiên tổ mà con cháu họ giữ gìn và phát triển cho đến tận ngày nay với lòng biết ơn và tự hào. Điều này cũng giải thích được sức sống bền bỉ và sự bành trướng mạnh mẽ cùng với thời gian của nhiều doanh nghiệp, công ty. Không chỉ là thành quả lao động của một lớp người, đó là kết tinh của tri thức, kinh nghiệm đa thế hệ, kế thừa cái cũ và thu nạp cái mới, nối dòng chảy của hôm qua bằng suối nguồn tươi trẻ hôm nay.

Nói về sự lụi tàn khi chuyển giao thế hệ của nhiều nghề, nghiệp có tên tuổi ở nước ta, có thể xem như một loại chảy máu chất xám. Chất xám ở đây là thành quả lao động, là kinh nghiệm và tri thức của các bậc cha ông để lại. Những điều mà các thế hệ đi trước phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt ấy cuối cùng lại đổ vào vòng xoáy của thời gian, trong khi thế hệ con em cứ mãi xoay mòng mòng tại chỗ trên chiếc thuyền nan. Xin gọi đây là một sự lãng phí, hơn cả thế, một sự bất kính và vô cảm với những gì lớp người đi trước kế thừa lại.

Rốt cuộc, điều mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi xã hội muốn xây dựng là bức tường thành công - hạnh phúc - văn minh. Kế thừa và phát huy truyền thống chính là xây cho bức tường cao lên. Thờ ơ, lãng quên những gì đã có là xây một bức tường mới song song với bức tường cũ. Và như vậy, chúng ta xây nên mê cung mà lí tưởng và khao khát chạm lấy bầu trời muôn đời bị giam giữ.


Hải Triều

Về truyền thống mai một hay là những bức tường dở dang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO