Về Vân Diên, xem hội vật

27/01/2012 15:04

(Baonghean.vn) - Khi trở thành Hoàng đế, để "kén tướng chọn quân", hàng năm vào mùa Xuân, vua Mai Thúc Loan cho các vùng tổ chức hội thi vật, chọn những đô vật khoẻ mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Từ đó, đấu vật đã trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng ở Vân Diên - Nam Đàn.


Ở tuổi xấp xỉ 70, cụ Phan Văn Quang - người có gần 20 năm làm trọng tài cho hội vật kể lại hội vật truyền thống của xã và những năm tháng cụ tham gia tổ chức hội vật: Hội vật làng Vân Diên có từ xa xưa, từ thời Vua Mai Hắc Đế và được nhân dân gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào chiều mồng 2 Tết, hàng ngàn người lại nô nức kéo nhau về xã Vân Diên để xem các đô vật so tài cao thấp.

Trong không khí đầu Xuân, trên khắp các ngả đường, dòng người nườm nượp về dự hội. Dọc các con đường về làng rợp cờ đỏ làm tăng phần trang trọng nghi lễ truyền thống xưa. Hội vật kéo dài từ mùng 2 đến mùng 6 Tết. Người dân trong vùng quan niệm rằng: Năm nào không tổ chức hội vật coi như năm đó sẽ bị mất mùa. Vì thế, đúng 14h chiều mùng 2 Tết Nguyên đán, khi tiếng trống khai hội vật truyền thống đầu Xuân vang lên, nhà nào nhà nấy hò nhau đi xem hội vật. Tiếng trống rộn rã, tiếng hò reo vang cả một vùng. Bởi thế, đấu vật là một phần không thể thiếu trong ngày Tết, góp phần tạo nên sự trọn vẹn của hương sắc ngày Xuân ở Nam Đàn.


Hội vật hấp dẫn bởi tiếng trống lúc thôi thúc như đang hành quân, lúc rộn ràng như niềm vui đến, lúc hối hả, tưng bừng khí thế ra trận. Vì thế, người đánh trống trong ngày hội vật của làng được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Tiêu chí chọn lựa luôn được đặt ra rõ ràng như: Phải là người trong làng, có uy tín, có trách nhiệm với công việc của làng xã...

Thông thường, người đánh trống hội làng phải là các bậc cao niên, đức cao trọng vọng trong làng. Sau khi tiếng trống khai hội cất lên, hàng chục đô vật của xã Vân Diên và các xã lân cận trong huyện như Nam Nghĩa, Nam Anh, Nam Thái... lại rủ nhau đến. Sau màn khai mạc, các đô vật ở các lứa tuổi thanh, thiếu niên bắt đầu so tài. Theo cụ Phan Văn Quang, các đô vật phải thắng 3 giải lèo mới được tham gia giải ở vòng trong.

Người thắng cuộc phải vật ngã ngửa đối phương, làm cho lưng đối phương chạm đất. Một đô vật phải hạ liên tiếp ba đối thủ mới được vào vòng bán kết, chung kết. Bước sang ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 Tết, hội vật sôi nổi hơn khi các đô vật vào tranh giải Khuyến khích, giải Ba. Chiều mùng 6 Tết diễn ra các trận chung kết tranh giải Nhất, Nhì. Đây là ngày thu hút đông người hâm mộ nhất, suốt đoạn đường vào sân bóng xã Vân Diên, xung quanh chật cứng người cổ vũ.

Kết thúc hội vật cũng là lúc nhân dân toàn xã xuống đồng, bắt đầu một năm lao động, sản xuất mới. Theo các cụ cao niên trong làng, hội vật truyền thống của xã Vân Diên có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân nơi đây, là món ăn tinh thần, là nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi khi Tết đến Xuân về. Đặc biệt, hội vật là nơi thể hiện tinh thần thượng võ của người dân xã Vân Diên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung.


Hội vật của làng nhưng thành phần tham dự môn thể thao này được mở rộng, khách thập phương có thể đăng ký tham gia thi đấu. Có riêng một giải gọi là giải đấu tài dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp. Ngoài ra, các đô vật không chuyên sẽ thi đấu với nhau. Giải thưởng của cuộc thi cũng khá đặc biệt, giá trị giải thưởng tùy thuộc vào sự tài trợ, ủng hộ của du khách đến dự hội.

Ông Nguyễn Văn Du - 65 tuổi, ở Thị trấn Nam Đàn - một khán giả đam mê vật truyền thống, không năm nào vắng mặt bên các sới vật đầu Xuân, và cũng là "mạnh thường quân" của hội vật Vân Diên, chuyên "thưởng nóng" cho các đô vật đạt giải cao, cho biết: "Đi xem vật mới thấy được cái thú, cái hay, cái độc đáo của môn thể thao dân tộc này. Chỉ có hội vật đầu Xuân mới đem lại không khí tưng bừng, náo nhiệt, rộn rã làm cho người dân chơi Tết trong niềm phấn khởi. Người ở gần hay xa quê về dịp Tết đều háo hức chờ đợi. Ở các hội vật, không phân biệt già trẻ, trai gái, tất cả đều có thể đến xem, cổ vũ, nếu bạn muốn, bạn cũng có thể trở thành đô vật. Riêng tôi không có may mắn trở thành đô vật vì sức khoẻ không cho phép nhưng tôi lại là khán giả "cuồng nhiệt nhất". Chưa năm nào tôi vắng mặt bên các sới vật".


Những năm trước, hội vật Vân Diên chỉ tổ chức 1 - 2 ngày, nhưng những năm gần đây, do yêu cầu của nhân dân, phần nữa là các đô vật tham gia khá đông nên kéo dài 5 - 6 ngày mới kết thúc. Điều đáng mừng là hội vật ngày càng thu hút nhiều đô vật trẻ tham gia, kể cả các cháu thiếu niên. Cái hay của hội vật Vân Diên là ai đi xem cũng có thể trở thành đô vật nếu cảm thấy đủ sức khoẻ và sự hào hứng để thách đấu.

Bởi vậy mới có cảnh có nhiều người ăn mặc chỉnh tề để đến xem hội nhưng sΩn sàng cởi bỏ quần áo, mang đai lên sới vật. Anh Nguyễn Trọng Công (ở xóm Vạn An) là đô vật nhiều năm liền và cũng là đô vật "nặng ký" nhất, từng giành HCB môn vật cổ truyền tại Đại hội TDTT toàn tỉnh, chia sẻ: Năm nào anh cũng tham gia hội vật và năm nào cũng giật giải. Tuy phần thưởng của người thắng cuộc chỉ là cái áo phông có in chữ "Hội vật đầu Xuân" nhưng với những đô vật "làng" như bọn anh, đó là cả niềm tự hào, vui sướng, phấn khởi vì ngay từ đầu năm mới đã gặt hái thành công. Có năm, anh thi đấu liên tục mấy ngày liền, chỉ đến khi gặp được đối thủ ngang sức, ngang tài mới phân thắng bại. Nhiều lúc về dự hội với mục đích thăm lại anh em nhưng đến khi nghe tiếng trống tưng bừng là "cái máu đô vật" trong anh lại dâng trào.


Từ năm 1997, sau khi huyện Nam Đàn khôi phục lại Lễ hội Vua Mai, ngoài phần lễ, phần hội không thể thiếu môn vật cổ truyền. Và đương nhiên, Vân Diên được giao nhiệm vụ ban tổ chức hội vật. Bên cạnh đó, một trọng trách lớn hơn cũng giao cho Vân Diên đó là trực tiếp lựa chọn những đô vật xuất sắc trong các hội vật đầu Xuân để tham dự hội vật trong Lễ hội Vua Mai vào Rằm tháng Giêng hàng năm.


Ông Trần Hữu Giáp - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn, cho biết: Ngoài hội vật xã Vân Diên được tổ chức thường xuyên vào dịp đầu Xuân, một số địa phương trên địa bàn huyện cũng tổ chức hội vật như Nam Nghĩa, Nam Thanh, Nam Xuân... Tuy nhiên, các xã này tổ chức không bài bản, liên tục như Vân Diên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để bảo tồn, gìn giữ hội vật truyền thống dịp đầu Xuân, năm mới, làm nền tảng cho hội vật trong các lễ hội trên quê hương Nam Đàn, thời gian tới, Trung tâm VHTT huyện với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể. Tham mưu cho UBND huyện có cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ chính quyền địa phương tổ chức các trò chơi dân gian nói chung, hội vật đầu Xuân nói riêng trở thành sân chơi hấp dẫn, là nơi tụ hội đầu năm của người dân các địa phương trên địa bàn Nam Đàn và các vùng lân cận...


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Về Vân Diên, xem hội vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO