Về với làng Quỳnh

10/05/2015 12:18

(Baonghean) - Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng Quỳnh, nay là xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được biết đến là vùng “địa linh nhân kiệt”, nổi danh với truyền thống khoa bảng, tự hào là Làng Văn hóa, Xã Anh hùng và là 1 trong 2 địa phương được tỉnh chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

1. Tôi đến làng Quỳnh một ngày nắng vàng như rót mật. Cũng như bao miền quê khác, Quỳnh Đôi khoác lên mình nét thanh bình, tĩnh lặng. Nhưng từ trong sâu thẳm mạch nguồn truyền thống, hiếm có làng quê nào từ tên làng, tên mỗi dòng họ lại gợi lên những niềm cảm phục về truyền thống văn hóa, khoa bảng một cách mãnh mẽ đến vậy. Anh Hồ Đắc Thắng, cán bộ văn hóa xã dẫn tôi đến thăm Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đền Thần. Người dân làng vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện rằng, ngay phía trước vị trí đền bây giờ xưa có một địa điểm gọi là Bụi Cụt, ngôi đền trước được xây ở đó để thờ Thiên thần Mộc lôi Linh ứng vào năm 1803. Tuy nhiên, đến năm 1845, đền bị cháy và dân làng đã xây dựng lại tại địa điểm hiện nay. Từ đó, Đền Thần là nơi nhân dân các họ tộc ở làng Quỳnh thờ Thiên thần Mộc lôi Linh ứng và 4 cụ: Hồ Kha, Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh. Đây là các bậc tiên hiền có công khai cơ, lập làng với tên gọi là Thổ Đôi, tức xã Quỳnh Đôi ngày nay.

Một góc  xã Quỳnh Đôi  hôm nay.
Một góc xã Quỳnh Đôi hôm nay.

Ngược dòng lịch sử, từ buổi đầu thành lập, các dòng họ đã biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa từ khắp nơi để xây dựng nên nét văn hóa độc đáo làng Quỳnh. Ngày nay, người làng Quỳnh vẫn đọc cho nhau nghe đôi câu thơ: “Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa/ Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời” để nhắc nhớ các thế hệ cháu con phải biết gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học của làng, vốn được vun đắp, xây dựng và trở thành phương châm sống của mỗi gia đình, dòng họ.

Chính vì vậy, trong thời kỳ phong kiến, làng Quỳnh có hàng ngàn người học hành đỗ đạt, có đóng góp rất lớn đối với đất nước trên nhiều lĩnh vực, có thể kể đến các tên tuổi như: Hồ Sỹ Dương, Phạm Đình Toái, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương... Quỳnh Lưu còn là quê hương của chí sỹ cách mạng Hồ Tùng Mậu, anh hùng Cù Chính Lan… Tiếp nối truyền thống cha ông, Quỳnh Đôi khẳng định vị thế của một đất học, nhiều người con của làng giữ chức vụ cao của Đảng, Nhà nước và hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn nghệ… từ đó có đóng góp không nhỏ để xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay.

Với những nét truyền thống đó, Quỳnh Đôi đã được công nhận “Làng Văn hóa” và Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây cũng là nền tảng để các thế hệ người dân Quỳnh Đôi hôm nay tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh, xứng đáng với tầm vóc một làng văn hiến lâu đời.

2 Thực vậy, về với Quỳnh Đôi, tôi cảm nhận được sức sống mới của một làng quê vừa xây dựng thành công nông thôn mới vào năm 2014, như các đồng chí lãnh đạo xã trao đổi thì sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Để có được những kết quả đó, Quỳnh Đôi đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7 - 8%, các làng nghề, làng có nghề được xây dựng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân đạt 28 triệu đồng/người vào năm 2014. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,6%.

Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên, 8/8 thôn nhiều năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện xây dựng NTM trên 200 tỷ đồng. “Ngân sách cấp trên hỗ trợ 40 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình trên 70 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, góp công xây dựng công trình trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra, con em quê hương khắp mọi miền đất nước đóng góp được trên 20 tỷ đồng. “Nếu không có người dân hết sức đồng lòng ủng hộ, con em không một lòng hướng về quê hương thì Quỳnh Đôi khó về đích sớm đến vậy”, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch xã Quỳnh Đôi phấn khởi khi nói về việc phát huy nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM.

 Ông Hồ Quang Thắng (đứng giữa) đang giới thiệu về lịch sử Đền Thần
Ông Hồ Quang Thắng (đứng giữa) đang giới thiệu về lịch sử Đền Thần

Tại thôn 4, nơi sinh sống của 192 hộ dân với 604 nhân khẩu. Người dân trong xóm ngoài làm nông và thêm nghề phụ là làm hương trầm, hàng mây tre đan nên cuộc sống ngày càng khấm khá. Theo lời Thôn trưởng Nguyễn Bá Hưng thì cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Anh Hưng phấn khởi dẫn tôi đi một vòng quanh thôn “để mục sở thị” điều mà theo anh nói là: Những đổi thay sau khi xây dựng thành công NTM. Thực vậy, thôn 4 bây giờ, đường sá rộng rãi, được bê tông hóa gần như 100%, gần đây nhân dân còn đóng góp để làm thêm nắp đậy các mương nước. “Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xóm đã đóng góp 960 ngàn đồng/khẩu để làm đường giao thông. Giờ đây, chứng kiến bộ mặt làng xóm khang trang hẳn lên, mọi người ai cũng phấn khởi”, anh Hưng cho biết. Không chỉ tại thôn 4 mà trong mỗi thôn xóm ở làng Quỳnh tôi được đi, được đến đều gợi lên những thay đổi căn bản trong hạ tầng nông thôn.

Cùng với nhiều việc đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, những nét văn hóa đặc sắc của Quỳnh Đôi ngày càng được phục hồi, gìn giữ và phát huy lên tầm cao mới. Tôi được gặp ông Hồ Quang Thắng, hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Hồ, người trực tiếp coi sóc đền Thần và cũng là người nắm rõ sử làng. Ông nhiệt tình giới thiệu về các di tích lịch sử trên địa bàn và tâm sự với một niềm tự hào không giấu nổi: “Quỳnh Đôi có 9 di tích lịch sử, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, chiếm phân nửa các di tích của huyện Quỳnh Lưu. Đây là niềm tự hào rất lớn với mỗi người con Quỳnh Đôi. Bên cạnh đó, nhiều nét văn hóa làng Quỳnh cũng được khôi phục trong những năm qua. Từ năm 2012, sau 60 năm thất truyền, xã đã khôi phục, tổ chức Lễ hội Kỳ Phúc vào dịp ra Giêng. Năm 2015 này, làng đã tổ chức lễ này lần thứ 2. Đây là nét đẹp văn hóa của người dân Quỳnh Đôi từ xưa, thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân trong làng trước công đức của các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập làng, bảo quốc hộ dân”.

3 Mỗi vùng quê, địa danh đều có nét đẹp văn hóa của riêng mình nhưng ở làng Quỳnh nét văn hóa đó thật đặc biệt. Bởi giá trị của đất và người nơi đây mang lại không chỉ hiện hữu trong khuôn khổ của một làng quê thuần nông mà đã lan tỏa, hòa mình và có những đóng góp rất lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Và các thế hệ người dân làng Quỳnh ngày nay vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của làng với thái độ hết sức trân trọng. Đó cũng là nét đẹp, mạch nguồn chảy mãi tạo nên sự đặc biệt của Quỳnh Đôi hôm nay.

Hẳn cũng vì vậy, sau khi xây dựng thành công chương trình NTM, Quỳnh Đôi được UBND tỉnh Nghệ An lựa chọn là 1 trong 2 xã trong toàn tỉnh xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020. Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết. “Đây thực sự là một niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Đôi. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực xây dựng đề án để bắt tay xây dựng, sớm đưa địa phương thực hiện thành công NTM kiểu mẫu”.

Xây dựng NTM kiểu mẫu vừa trách nhiệm, vừa là cơ hội để Quỳnh Đôi thực sự vươn lên xứng với tầm vóc của một miền quê văn hiến. Từ đó, các giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ được phát huy, lan tỏa hơn nữa trong xã hội; các di tích lịch sử như: Di tích Lịch sử - Văn hóa nhà thờ họ Hồ, Di tích Lịch sử - Văn hóa nhà thờ và mộ cụ Hồ Tùng Mậu… cũng đang thành những điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên hành trình du khách đến với xứ Quỳnh theo như định hướng phát triển du lịch của huyện...

Nhật Lệ

Mới nhất

x
Về với làng Quỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO