(Baonghean) - Tôi biết Nguyễn Trường Sơn từ ngày anh còn là thợ cắt tóc thuê cho cửa hàng tóc Thùy Liên trên đường Ngư Hải. Đã 13 năm trôi qua, mỗi năm gặp nhau vài lần khi vào làm khách cho cửa hàng của anh trên đường Hồ Tùng Mậu (Thành phố Vinh). Thật bất ngờ, người thợ cắt tóc “phường” ấy đã đại diện Việt Nam duy nhất vượt qua 1.600 nhà tạo mẫu tóc của 45 quốc gia trên toàn thế giới đoạt giải Nhất cuộc thi tạo mẫu tóc chuyên nghiệp toàn thế giới World Style Contest...
Một năm trước Sơn đoạt quán quân trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc Việt Nam. Sau đêm chung kết quá thành công diễn ra vào tối 20/9/2012 tại nhà hát lớn Hà Nội, Sơn được ban tổ chức chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự vòng loại cuộc thi nhà tạo mẫu tóc thế giới tại Pháp. Không ngờ, Sơn đã làm được điều kỳ diệu – Lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong tiếng nhạc Quốc ca trầm hùng của dân tộc Việt Nam tại nhà hát cổ kính Les Folies Bergère của kinh đô Paris hoa lệ.
![]() |
Nguyễn Trường Sơn và bài dự thi của mình tại cuộc thi Nhà tạo mẫu tóc thế giới. (ảnh do tác giả cung cấp)
Lần lữa mãi thì buổi hẹn của tôi và Sơn cũng được thực hiện lúc 8 rưỡi tối, không phải trong cửa hàng của anh, không phải ở một quán cà phê đắt tiền mà tại một quán cóc. Vừa gặp tôi, Sơn rối rít xin lỗi bởi “mấy ngày nay phải chạy đôn, chạy đáo cho cửa hàng mới sắp được khai trương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai”.
Biết Sơn từ ngày còn là anh thợ làm thuê, rồi mở cửa hiệu riêng, giờ đã là một tên tuổi số 1 trong giới tạo mẫu tóc đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Thế mà không thấy Sơn khác là mấy. Vẫn bình thản với một cửa hàng khiêm tốn trên đường Hồ Tùng Mậu. Không biết sau khi khai trương cửa hàng thứ hai có gì khác xưa? Nhưng một điều chắc chắn là ai đã từng là khách hàng của Sơn thì sẽ không thể không đến lại lần nữa và trở thành khách quen.
Mặc dù, cải vẻ “tưng tửng”, “lập dị” của ông chủ khiến người mới đến lần đầu không mấy ưa. Nhưng vẫn thấy đến lại khi có nhu cầu làm tóc, vì đều có chung nhận xét “Thật khó chịu khi Sơn nhất quyết từ chối làm theo yêu cầu của “Thượng đế”. Nhưng nhiều người khen kiểu đầu mới đẹp và hợp với khuôn mặt, thế là lần sau đến lại”. Bản thân tôi cũng có lần nóng mặt khi Sơn tỉnh bơ phán: Mặt ngắn không hợp với cắt tóc mái, cắt tóc ngắn. Một vài lần tự ái, rồi cũng quen và thấy quý anh thợ cắt tóc rất cá tính.
Sơn kể, Sơn đến với nghề tóc trước hết là vì mưu sinh. Nhà nghèo, đông anh em, ngoài các chị Sơn còn có cậu em ít hơn hai tuổi. Nếu cả hai anh em đi học bố mẹ sẽ không kham nổi nên tốt nghiệp cấp III Sơn xin bố mẹ cho ra Hà Nội học nghề cắt tóc. Sau hơn một năm vừa học, vừa làm tại cửa hàng tóc Tâm Loan trên đường Triệu Việt Vương, Sơn về Vinh xin vào làm thợ cắt tóc ở cửa hàng Thùy Liên trên đường Ngư Hải. Cuối những năm 90, đây có thể xem là cửa hiệu lớn nhất ở Thành phố Vinh, vì thế một chàng trai mới hơn 18 tuổi, chưa có một chút kinh nghiệm nào như Sơn được nhận vào làm là điều may mắn.
Không bỏ qua cơ hội, 6 năm gắn bó ở đây Sơn học được rất nhiều điều và trở thành thợ chính của cửa hiệu. Năm 2006, Sơn quyết định ra làm riêng, khởi nghiệp với một cửa hàng cắt tóc nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó chuyển đến Nguyễn Thái Học và từ năm 2009 đến nay anh chuyển sang cửa hàng mới ở đường Hồ Tùng Mậu. So với các cửa hàng khác trong thành phố, cửa hàng của Sơn không bắt mắt, không bề thế bằng nhưng đã vào đây một lần khách hàng sẽ ấn tượng bởi cách làm việc nghiêm túc của ông chủ. Học trò của anh vì thế cũng rất cẩn trọng, tỉ mỉ, không dám lơ là, dù chỉ là một sai sót nhỏ.
Mười ba năm kinh nghiệm, nhưng với Sơn vẫn như mới khởi đầu, muốn hay nghề thì không bao giờ được ngừng học hỏi. Sơn nói, nghề tóc cũng là một nghệ thuật, đã là nghệ thuật thì ngoài kinh nghiệm, kỹ năng, đòi hỏi còn phải có sự tinh tế, năng khiếu và sáng tạo, nên anh không bao giờ ủng hộ kiểu làm “xổi”. Cắt tóc, không đơn giản chỉ cầm kéo biết một vài kỹ thuật là có thể giỏi, mà cũng cần có quá trình nghiên cứu, sáng tạo “giống như một môn tạo hình vậy, có mảng có khối”.
Vì thế, dù cửa hàng luôn đông khách, nhưng năm nào Sơn cũng dành vài tuần đến một hai tháng ra Hà Nội để học kỹ thuật mới. Sơn cũng xác định, phải thật nhuần nhuyễn mới đi “ứng thi” ở bên ngoài. Thế nên, những năm trước dù bạn bè, đồng nghiệp xung quanh tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác nhưng Sơn vẫn do dự, mãi đến giữa năm 2012 vừa rồi Sơn mới tham dự cuộc thi Tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc Việt (cuộc thi 5 năm mới tổ chức một lần). Sơn đã đoạt giải Nhất toàn quốc một cách thuyết phục.
Vượt qua vòng đấu trong nước, Sơn còn vượt qua hàng chục nhà tạo mẫu tóc khác ở châu Á để trở thành một trong hai đại diện của châu lục tham dự vòng chung kết ở Pháp. Đến với cuộc thi, Sơn xác định tham gia để được học hỏi. Mơ ước giành chiến thắng càng trở nên xa vời khi ngay ngày đầu tiên đến Pari Sơn đã gặp sự cố về người mẫu, về trang phục “Các nước khác đi, nhà tạo mẫu được chọn người mẫu từ nhà, có một ê kíp đi theo để hỗ trợ về trang điểm, trang phục, còn Việt Nam hỗ trợ chính chỉ có một người làm Maketting, chủ yếu là để phiên dịch”.
Nghĩ vậy, nhưng khi lên sân khấu Sơn quên đi mình là nhà tạo mẫu tóc đến từ một đất nước chưa có tên tuổi trong làng thời trang tóc thế giới, quên đi mình chỉ là một anh thợ cắt tóc tỉnh lẻ với một cửa hàng rộng chưa đến 30 mét vuông, dồn hết sức lực vào bài thi. Lấy ý tưởng từ thiên nhiên bền vững, sự hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống; mẫu tóc của Sơn mang hơi hướng cổ điển của những năm 1960 với kỹ thuật cắt, tạo khối và kỹ thuật nhuộm màu lớp dưới. Bài dự thi đơn giản nhưng tinh tế, sáng tạo đã làm hài lòng những nhà tạo mẫu tóc thế giới, đem Sơn lên bục vinh quang với giải Nhất cho danh hiệu “Màu nhuộm xuất sắc nhất” – “Best In Color”.
Nhớ lại khoảnh khắc đăng quang ở nhà hát cổ kính Les Folies Bergère, Sơn bảo xúc động nhất là khi những người bạn Việt Nam tay cầm lá cờ đỏ sao vàng hát vang bài quốc ca của đất nước. Rồi Sơn nghĩ về bố mẹ, anh chị ở quê, tới vợ và cậu con trai kháu khỉnh. Chiến thắng này, thêm một lần nữa củng cố cho anh niềm tin về con đường lựa chọn của mình, dù chỉ là nghề cắt tóc. Chia tay anh, đêm đã về khuya, anh chia sẻ: Mình “thất học” nhưng cậu em trai lại học rất giỏi, đã bảo vệ xong thạc sỹ, có gia đình và công việc ổn định rồi. Vẹn cả đôi đường.