Vẹn một lời thề

25/04/2015 15:03

(Baonghean) - Người lính công binh ấy ra đi khi bà mới 20 tuổi. Kỷ vật là chiếc nhẫn hình trái tim và một chiếc lược làm từ vỏ máy bay, cùng lời hẹn ước: “Nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó, anh phải lên đường, em ở nhà hãy chờ đợi anh. Hòa bình lập lại, anh sẽ trở về”… Và bà đã đinh ninh giữ trọn lời thề ấy suốt 47 năm, mà người con trai ấy vẫn bặt vô âm tín...

“Đợi anh về, em nhé”

Tuổi trẻ chẳng còn lại gì ngoài kỷ niệm, 1 bức thư, và 2 tín vật đã mất sau bao nhiêu năm tháng. “Bà vẫn

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai
yêu ông, ông là mối tình đầu của bà, và cũng là mối tình cuối của bà”, bà khóc, trong gian tập thể nhỏ bé, nghèo nàn giữa lòng TP. Vinh…

Gian tập thể nhỏ bé tại phường Trường Thi, TP. Vinh, nền xi măng lạnh lẽo, chẳng có lấy một bộ bàn ghế, gian nhà được chia nửa, một để giường, phía ngoài đặt chiếc giường ngủ, bên ngoài bà làm gian thờ. Bao nhiêu năm qua, dường như ngôi nhà này chỉ có mình bà đi về trong quạnh quẽ, không mở cửa đón bất kỳ người lạ nào viếng thăm. Bà chỉ lên bức hình đen trắng mờ trên bàn thờ, rồi bảo: “Ông ấy đấy!”.

Nhắc đến tên người yêu, bà lại khóc. Thời gian, giông bão cuộc đời, tóc đã bạc, bàn tay chai sạn và gương mặt u sầu chất chứa, tưởng chừng như nước mắt đã cạn khô, mà đến hôm nay vẫn chảy dài, nức nở. Bao nỗi tủi thân, cô đơn, nhớ nhung như chưa hề nguôi ngoai sau gần nửa thế kỷ đợi chờ…

Rồi bà kể, ngày ấy, cô gái Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1947) mới mười tám, đôi mươi. Tuổi đẹp như trăng rằm, tràn đầy sức sống và lý tưởng. Gia đình Mai ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ nuôi bộ đội trong nhà. Những người lính trẻ trung, tinh nghịch… về đây đã khuấy động làng quê yên bình, trở nên vui vẻ hơn, rộn ràng hơn. Các anh thương yêu cô gái nhỏ đất Nghệ như em út trong nhà. Trong số đó, có anh lính công binh Phạm Khắc Vũ (SN 1945), quê ở Kim Bảng, Hà Nam, đẹp trai, trắng trẻo, đã sớm có tình cảm đặc biệt với Mai, chăm lo cho cô từ những điều nhỏ nhặt nhất như xách hộ xô nước tưới rau, chẻ củi, hay đóng lại cánh cửa đã hư bản lề.

Tình yêu nảy nở, mặc khó khăn gian khổ, mặc chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Anh tỉ mẩn làm chiếc nhẫn khắc trái tim lên trên, và một chiếc lược có hình 2 con chim bồ câu quấn quýt để tặng người yêu. “Trước sự chứng kiến của đồng đội, của thủ trưởng đơn vị, và gia đình họ hàng tôi, anh trao cho tôi với lời lẽ: “Anh yêu em! Có đơn vị biết, có gia đình chứng giám, anh không có gì cả, chỉ biết tặng cho em những vật kỷ niệm này”, bà xúc động nhớ lại. Cô gái hạnh phúc đón nhận món quà giản dị nhưng thiêng liêng từ người yêu. Ngày hôm đó, lời đính ước như tạc vào lòng dạ, vững bền mãi mãi không bao giờ đổi thay.

Cuộc chiến vẫn ở giai đoạn ác liệt nhất, những đoàn quân cứ đến rồi đi. Năm 1967, sau gần 1 năm đóng quân, hoàn thành nhiệm vụ ở cầu Mượu, Hưng Nguyên, đơn vị Phạm Khắc Vũ lại được lệnh lên đường vào Nam. Mai lặng lẽ khâu lại quần áo cho người yêu, những chỗ sứt khuy, sổ gấu… và khâu thêm cho ông cái túi để đựng thư từ, giấy tờ, như muốn gửi gắm hơi ấm, tình yêu của mình vào từng đường kim, sợi chỉ. Rồi cẩn thận gói ghém lại cho anh ra chiến trường. Ông ra đi, còn bà ở lại nơi quê nhà, sống với niềm tin tưởng và lời hẹn ước: “Em đừng buồn, vì nhiệm vụ Tổ quốc, vì chiến tranh, anh phải xa em. Làm tròn nhiệm vụ rồi, anh về với em, mình cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình”.

Bà đâu ngờ, đó là lần cuối cùng bà còn được nhìn thấy ông, để sau đó, nỗi đợi chờ vời vợi kéo dài suốt gần nửa thế kỷ!

Một lòng chờ đợi

Năm 1969, Nguyễn Thị Thanh Mai ra Hà Nội theo học lớp Trung cấp giao thông, rồi học tiếp lớp nâng cao chất lượng tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Suốt gần 5 năm đi học, cô gái trẻ tham gia sôi nổi vào các hoạt động đoàn thể của trường lớp, tập trung học tập thật tốt. “Thời đó, tôi có nhiều người theo đuổi lắm, không hề yêu ai, vì đã yêu và hứa sẽ chờ đợi anh”, đôi mắt xa xôi, bà nhớ lại. Thời đi học đầy kỷ niệm, bạn bè sống tập thể cùng nhau, nhưng bà giữ kín chuyện riêng tư của mình, trân trọng tình yêu với ông như điều thiêng liêng nhất, im lặng và khéo léo từ chối những lời tỏ tình của bao nhiêu chàng trai theo đuổi.

Năm 1975, sau thời gian học và thực tập, Mai trở về Nghệ An làm cán bộ kỹ thuật giao thông. Lúc ấy, chiến tranh đã kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, bà phấp phỏng bấm đốt ngón tay chờ ngày người yêu quay lại. Thế nhưng, đợi mãi, đợi mãi, ông vẫn không về… Tình yêu, tưởng như chưa bao giờ mong manh đến thế. Từ ngày ra đi, ông chỉ gửi cho bà duy nhất 1 lá thư, rồi sau đó bặt tăm. Chẳng có lời nhắn gửi nào nữa. Quê người yêu cách trở, bà cũng chưa một lần đặt chân đến. Bà đã thầm hiểu, chiến tranh khốc liệt và ông không bao giờ trở về nữa. Chẳng có thể đợi chờ và hy vọng nhưng bà vẫn không nguôi thương nhớ về ông, hình bóng ông vẫn đậm sâu trong ký ức. Cái ký ức đẹp đẽ có nụ cười hiền lành, có cái nắm tay rất ấm, và lời hứa hẹn đinh ninh.

Đời người con gái có thì, gia đình, họ hàng nóng ruột giục Mai đi lấy chồng, rồi bao nhiêu lời thị phi đàm tiếu, Mai chỉ biết âm thầm chịu đựng... Người con gái trở nên cứng cỏi, mạnh mẽ trong nỗi buồn đau. Bà lao vào công việc, và các hoạt động đoàn thể, tham gia dân quân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Bà nuôi các em khôn lớn, dựng vợ, gả chồng cho từng đứa một. Rồi khi cuộc sống gia đình các em khó khăn, bà lại dành những đồng lương ít ỏi của mình cho các cháu.

Chỉ có trái tim như nguội lạnh trước mọi lời đề nghị kết duyên vợ chồng của những người đàn ông khác, hóa đá vọng phu. Năm 1992, bà quyết định xuống TP. Vinh, sống trong gian tập thể bé nhỏ tại phường Trường Thi. Vò võ một mình, sống với ký ức, kỷ niệm. Mộng ước tình yêu, lời hứa hẹn về quê ông ra mắt họ hàng xa vời vợi… Bao nhiêu đêm nằm ôm gối khóc trong căn phòng vắng, bao nhiêu khát khao, mong nhớ chỉ biết chôn chặt vào lòng. Có lần, nỗi yêu thương chờ đợi bỗng hóa thành giận dữ, trong một phút, bà lấy tấm ảnh duy nhất của ông vẫn để nơi đầu giường xé nát vụn, rồi nhặt lại từng mảnh giấy, òa khóc nức nở…

“Có lúc, tôi nghĩ đến chuyện lấy một ai đó làm chồng, để nương tựa vào nhau mà sống lúc tuổi già, khỏi cô quạnh, đơn độc, chứ không còn có tình yêu nữa đâu. Nhưng rồi, những lúc như thế, tôi lại thấy gương mặt ông hiện lên, đang nhìn tôi cười, thế là thôi”. Trong giấc mơ hằng đêm chập chờn, bà vẫn thấy ông về, đứng trước cửa nhà, khi thì mặc bộ quân phục, khi thì mặc bộ đồ màu nâu cỏ úa lấm lem bùn đất, đôi chân đi dép cao su, nụ cười tươi rói, gương mặt đẹp trai, thân thuộc. “Bức thư và 2 kỷ vật của ông đã mất vì thời gian, chiến tranh loạn lạc, rời xa nhà đi học, đi làm. Tuổi trẻ của tôi giờ chẳng còn gì nữa ngoài nỗi nhớ, kỷ niệm…, nhưng tôi vẫn yêu ông và không bao giờ hối tiếc vì điều đó”, bà Mai nghẹn ngào.

Bà đi tìm ông. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc mà không thấy ông trở về như lời hẹn, bà âm thầm đi hỏi thăm khắp nơi tin tức về ông. Bà đi tìm lại những đồng đội cũ từng ở trong nhà mình ngày xưa, người quê Thanh Hóa, người Hà Tĩnh… nhưng không có bất kỳ manh mối nào. “Tôi cứ nghĩ ông đã hy sinh đâu đó trong chiến trường Quảng Trị. Mãi đến năm 2008, một lần tình cờ, hỏi thăm ở Nghĩa trang liệt sỹ Nam Đàn, hóa ra ông nằm ở đây. Trên bia ghi rõ tên Phạm Khắc Vũ, mất năm 1969. Vậy mà bao nhiêu năm trước đó tôi không hề biết. Ông được đưa từ xã Nam Lĩnh về, bức thư đầu tiên, và cũng là duy nhất tôi nhận được sau ngày ông ra đi, ông nói đang dừng tại Nam Lĩnh (Nam Đàn)”.

Tìm thấy ông, bà không biết nên mừng, hay tủi. Rồi sau đó, bà tìm đường ra Hà Nam, quê của ông, mong được thắp lên bàn thờ bố mẹ, và bàn thờ của người yêu nén nhang. Chỉ với một cái tên, và ký ức năm xưa ông kể về quê hương Kim Bảng (Hà Nam), bà lại lặn lội một mình tìm kiếm. “Tôi vẫn còn nhớ anh kể đường về nhà anh đi qua trường bưu điện, là đến Kim Bảng (Hà Nam). Như có người dẫn lối, thôi thúc, tôi gửi thư ra Sở LĐ-TB&XH Hà Nam, phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bảng, cuối cùng cũng tìm về được đúng nhà của anh năm xưa”, bà kể.

Lần đầu tiên bước chân vào nhà người yêu, bà “cảm giác thân thuộc như nhà mình, không có gì rụt rè, e ngại, hay bỡ ngỡ chi cả”. Chỉ có điều ngoài quê, cha mẹ đã mất, anh trai, chị gái của ông cũng mất, còn 1 chị lấy chồng xa… Bà ngậm ngùi: “Anh em họ hàng ngoài kia bảo, ở đây chỉ có mộ chí thôi, hài cốt của anh vẫn ở Nghệ An, chưa đưa về ngoài này, mà cũng không có ai lo việc đó cả”. Nghĩ đến đó, bà chỉ biết khóc thương ông. Trở về, bà sửa sang lại bia mộ cho ông ở Nghĩa trang liệt sỹ Nam Đàn, rồi lập bàn thờ hương khói. Điều mong mỏi duy nhất của bà, là xin được hưởng chế độ hương hỏa của ông, để an ủi bà những năm tháng còn lại của cuộc đời. “Ông là người yêu của bà, mà cũng coi như là chồng. Ngày ông ra đi bà mới 20 tuổi, bây giờ gần 70 tuổi và chẳng có ai để mà nương tựa” - bà nghẹn ngào.

Tay run run cắm nén nhang lên bàn thờ của người yêu, bà khấn: “Anh ơi, em đã quy linh anh về chùa Cần Linh, ở đó có một gian thờ cúng liệt sỹ. Hằng năm, em sẽ làm giỗ cho anh, rồi đến lúc em chết đi, thì em cũng sẽ cùng đoàn tụ với anh”. Khói hương quấn vòng, như nặng lòng vương vấn. Chúng tôi ra về, nhìn lại căn nhà tập thể nhỏ bé mà không khỏi day dứt về phận người phụ nữ sau chiến tranh, nhưng cũng cảm phục vô cùng đức hy sinh, niềm tin bền bỉ của người phụ nữ Việt Nam, âm thầm, lặng lẽ, giản dị mà cao đẹp vô cùng!

Hồ Lài

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Vẹn một lời thề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO