Vẹn nguyên ý chí nơi con đường huyền thoại

15/07/2013 18:41

(Baonghean) - Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, từ lâu đã trở thành sợi chỉ đỏ, huyết mạch quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc … Đến với đường Hồ Chí Minh xưa và nay vẫn thấy nơi đây thăm thẳm một màu xanh của ý chí, khát vọng, của lớp lớp TNXP tràn đầy sức sống mới.

Khát vọng hòa bình


Mỗi độ tháng 7 – mùa tri ân lại về, lớp trẻ chúng tôi vẫn thường rong ruổi thực hiện một hành trình nước non ngàn dặm; từ núi Ngũ Lĩnh đến núi rừng Việt Bắc cho đến Quảng Trị, Sơn Mỹ, 18 thôn vườn trầu và cả Côn Đảo giữa trùng dương. Đi giữa miền tưởng nhớ, trên chuyến xe hành hương, chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Thái, năm nay 66 tuổi, một nữ cựu TNXP tỉnh Nghệ An và theo bà đi suốt quãng đường Hồ Chí Minh trên đất Nghệ; cũng như nghe bà kể về lịch sử của đường Trường Sơn còn có tên gọi khác là đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Đường Trường Sơn vốn đã tồn tại từ hàng thế kỷ dưới hình thức các con đường mòn sơ khai dành cho việc giao thông buôn bán trong vùng. Từ trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đoàn cán bộ, bộ đội từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc thường đi qua nơi đây. Sau ngày “Đồng khởi” ở miền Nam, yêu cầu đặt ra hậu phương lớn phải đưa cán bộ, bộ đội và vũ khí về cho miền Nam đánh kẻ thù. Bác Hồ và Trung ương Đảng ra lệnh mở đường Trường Sơn để phục vụ nhiệm vụ chiến lược.

Bà Thái cho hay: Trong cuộc kháng chiến đó, đường Trường Sơn ở Nghệ An chính là một huyết mạch chi viện quan trọng. Nơi đây là một trong những trọng điểm đánh phá đầu tiên, cũng là nơi sau cùng ngừng tiếng súng đánh trả máy bay Mỹ. Và tại đây, cùng với lực lượng quân đội, công nhân giao thông, nhân dân địa phương, 4,3 vạn TNXP Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Những con người với quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch đánh, ta sửa, ta đi” đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc, làm rạng danh quê hương, đất nước.

Đường Trường Sơn bị cày xới trăm nghìn lần, cây cối chết rụi hết cả nhưng nơi đây vẫn rạng ngời màu xanh của ý chí, khát vọng hòa bình, màu xanh của sức trẻ đôi mươi – tối làm cọc tiêu sống dẫn đường, ngày ngày giữa mưa bom vẫn kiên cường bảo vệ xe, rảnh chút nào lại lao vào học tập, rộn vang tiếng hát… Dọc theo đoạn đường Hồ Chí Minh từ Nghĩa Đàn về Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, giọng bà Thái lúc như đau thương, như căm giận, như xen lẫn tự hào giới thiệu về những địa danh từng là túi bom đạn như dốc Bò Lăn, dốc Lụi, phà Sen, khe Thần, Truông Trầm, cầu Rào Gang... Cùng với đó là chuyện “quán nước quân nhân” ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), hay chuyện 10 cô gái Làng Sen huyện Nghĩa Đàn vượt quãng đường 50 km bằng chân trần, đến chuyện các liệt sỹ Truông Bồn hòa mình vào đất trên con đường 15A...

Hỏi chuyện, mới biết bà Thái đang thực hiện hành trình thăm các đồng đội xưa. Giọng bà thoảng thốt buồn khi kể chuyện vừa gặp các đồng đội nơi “Bến không chồng” ở xã Quảng Thắng, Thành phố Thanh Hóa. Trên đất Nghệ An cũng còn biết bao phận đời như thế. Các cô TNXP nhiều năm liền bám trụ trên con đường trọng điểm, đã đem hết nhiệt tình, sức khỏe phục vụ con đường hay bị đất đá vuì lấp; chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của vùng gió Lào, mưa phùn gió bấc, ăn uống kham khổ... Nên tuổi xuân nhanh trôi… Chúng tôi đã biết: Có ai đó, có lúc nào đó đã vô ơn, vô cảm trước sự hy sinh, mất mát và cả sự hẫng hụt, trống vắng của một thế hệ TNXP nhưng nhân dân và Tổ quốc mãi mãi không bao giờ quên những mất mát, hy sinh của các cô chú TNXP.

Sắc màu cuộc sống mới

Đôi mắt bà Nguyễn Thị Thái đã lấp lánh vui hơn khi thấy những màu xanh tươi mới trên đường Hồ Chí Minh hiện đại. Nhiều người kể lại, năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng mong đợi, đường Trường Sơn sẽ được mở rộng và kéo dài. Hơn 20 năm sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hoá. Ông cho rằng, đường Trường Sơn sẽ hỗ trợ cho đường 1A năm nào cũng bị lũ lụt gây ngăn trở, đường Trường Sơn sẽ mở ra hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây của Tổ quốc.

Và năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và hoàn thành con đường với tổng chiều dài 3.183 km đi qua 28 tỉnh, thành phố. Đường hiên ngang, rộng rãi và tuyệt đẹp; hai bên xanh mơn mởn những rừng cao su “vàng trắng” bạt ngàn, vườn chè, rừng keo lai, rừng mía, cà phê, dưa hấu, vườn cây ăn quả, đồi cỏ phục vụ chăn nuôi; là những Thị tứ Nghĩa Bình, Thị trấn Lạt, Hạnh Lâm, là nhà máy sữa TH, công ty cao su, Nhà máy chè mọc lên ngày càng xum tụ, trù phú. Màu xanh hiền hòa phủ khắp 134 km, 29 xã vùng trung du miền núi tỉnh Nghệ An.



Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ).

Nụ cười sung sướng chỉ trở lại khi bà Thái gặp những đồng đội cũ. Theo chân người Cựu TNXP này, từ Km số 0 - Thị trấn Lạt (Tân Kỳ) xuôi vào phía Nam đường như một dải lụa mềm mại uốn theo những đồi, những núi. Thỉnh thoảng ào đến vài chuyến xe tải chở keo rồi vụt qua tầm mắt.

Từ km số 14 đường Hồ Chí Minh khoảng 2 km, ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Quế - đồng đội bà Thái ở trên một khu đồi. Nụ cười hồn hậu và cái bắt tay rất chặt… Vợ ông Quế đã mất cách đây 13 năm. 13 năm nay, biết bao khó nhọc đã đến với người đàn ông giữa hun hút gió núi, mưa ngàn với 3 đứa con. Có những thời điểm ông phải cắt bớt đất bán để nuôi con ăn học.

Nhưng rồi người cựu TNXP C331, Đội 71, Tổng đội TNXP Cù Chính Lan đã nghĩ chẳng lẽ cuộc sống cứ mãi chịu cảnh nghèo đói. Từ 3 ha vườn đồi của gia đình, ông bắt tay vào cải tạo đất trồng 2 ha keo và 1 ha chanh. Mùa thu hoạch đầu tiên, cây chanh cho thu nhập 15 triệu đồng. Và trong khi đợi keo đến tuổi, ông đào ao nuôi cá, nuôi gà vịt. Hiệu quả đến khi ông quyết tâm mua, nuôi 15 con lợn rừng, từ 127 triệu đầu tư ban đầu đến nay đàn lợn cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.



Ông Trần Văn Quế (Nghĩa Hành – Tân Kỳ) bên những cây cao su mới trồng.

Đầu năm 2011, ông Quế bắt đầu thu hoạch keo lần thứ 2 và mang về thêm 70 triệu đồng. Không để đất nghỉ, năm 2012, ông lại tiếp tục cải tạo đất đồi, vẫn là 3 ha nhưng lần này ông trồng 1.500 gốc cao su. Ông Quế phấn khởi nói với đồng đội, với chúng tôi: “So với cây keo thì cây cao su cho hiệu quả cao hơn. 5 năm sẽ có thể cạo mủ cho thu hoạch. “Tôi tính, mình chịu khó đầu tư bây giờ nhưng 5 năm nữa mỗi ngày ít nhất tôi sẽ có 3 triệu đồng…”.

Bà Trần Thị Tam – Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Tân Kỳ cho biết: Sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là điều thường thấy ở những cựu TNXP trở về từ chiến trường. Trong số 1.211 hội viên cựu TNXP của toàn huyện thì có rất nhiều tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính nơi khởi nguồn của tuyến đường lịch sử Hồ Chí Minh. Bà Tam đã liệt kê một loạt: Chị Trần Thị Lưu, Trần Thị Mai ở Nghĩa Hoàn chăn nuôi, làm ngói thu nhập trên 120 triệu đồng; anh Bùi Hoàng Ngân ở xã Hương Sơn với mô hình vườn đồi thu nhập gần 200 triệu đồng; anh Lê Tiến Vinh từ vườn rừng, chăn nuôi đem lại 150 triệu đồng…

Ở vùng đất Sướn xã Thanh Đức (Thanh Chương), chúng tôi đã gặp rất nhiều TNXP thuộc 3 thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ và TNXP thời kỳ đổi mới xây dựng CNXH. Trong đó, để lại nhiều ấn tượng hơn cả là vợ chồng bà Lê Thị Châu, ông Nguyễn Võ Tòng. Sinh ra ở huyện Nam Đàn, theo tiếng gọi phong trào thi đua, đội “công binh thép” Nam Đông năm xưa, bà Lê Thị Châu trở thành cô TNXP ở C309, P27 - Tổng đội TNXP Nghệ An trên tuyến lửa đường Hồ Chí Minh khu vực huyện Thanh Chương này.

Đất nước thống nhất, bà Châu vào làm công nhân Xí nghiệp chè Hạnh Lâm. Cuộc sống lúc đầu khó khăn lắm…Rồi đất nước đổi mới, vợ chồng bà đứng ra nhận khoán 20 ha rừng của xí nghiệp. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài, lấy nhỏ nuôi lớn, đầu tiên ông bà lợi dụng điều kiện khe suối đào ao nuôi cá, nguồn nước này cũng đồng thời dùng để trồng cây lương thực ngắn ngày và tưới cho cây trồng dài ngày.

Bên cạnh đó nuôi lợn, gà, vịt và khi đã ổn định hơn mới chăn thả trâu, bò. Hai vợ chồng tranh thủ đất trồng thêm cam. Cùng trên diện tích 10 ha đất trồng chè, ông bà đã trồng gần 2.000 gốc cam, trong đó có 100 gốc cam bù. Năm 2012, cây cam đã đem lại cho gia đình bà Lê Thị Châu 420 triệu đồng, chè cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Chưa kể trong chuồng luôn có trên 20 con lợn rừng, trong đó có 7 lợn nái cùng nhiều gà, vịt, cá. Tổng thu nhập năm 2012 của gia đình là trên 600 triệu đồng, chưa kể 10 ha keo chuẩn bị xuất bán. Ông bà đã có trên 1 tỷ đồng gửi ngân hàng, ngoài ra còn giúp đỡ, hỗ trợ vốn cho 10 gia đình để sản xuất phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Đạm – Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Thanh Chương đã nói với chúng tôi rằng: Tinh thần xung phong vượt khó vẫn còn nguyên vẹn trong những người phá núi, mở đường, tải đạn năm nào. Huyện Thanh Chương có 1961 hội viên cựu TNXP thì chỉ còn 3% hộ nghèo theo chuẩn mới. Cuộc sống, kinh tế của các anh, chị em đã sung túc rất nhiều so với trước. Cũng là nhờ có đường Hồ Chí Minh…

Theo ông Đạm: Chỉ mới mấy năm đưa vào sử dụng thôi, đường mòn Hồ Chí Minh đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt một miền quê xứ Nghệ; không những thế còn thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa. Con đường lại càng thêm phát huy khi nay mai thôi khi con đường bên kia Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm o­n nước bạn Lào hoàn thành…

Suốt chặng đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Nghệ An vẫn nghe như vẳng vẳng tiếng hát: “Lối ấy có ánh trăng soi đường, có tiếng suối trong ban mai, tiếng giã gạo trong sông mây… Lối ấy mồ hôi anh đã rơi, mở con đường ấm no lên bản em. Đưa núi rừng tiến kịp cùng miền xuôi. Đường của Đảng xóa nghèo nàn tăm tối…”.


Đào Tuấn - Thiền Thanh

Mới nhất
x
Vẹn nguyên ý chí nơi con đường huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO