"Vết thương lòng, mẹ còn nặng mang..."

14/08/2014 15:27

(Baonghean) - Chúng tôi tìm về thăm cụ bà Nguyễn Thị Thúc, mẹ của 2 liệt sỹ Hoàng Kim Loan và Hoàng Văn Khánh, ngụ tại xóm 5, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) vào một buổi chiều muộn. Trong căn nhà, 2 người đàn bà, một lắt lay như lá khô trước gió, một hằn in nét tảo tần nương tựa vào nhau để nhớ, thương và mong mỏi...

(Baonghean) - Chúng tôi tìm về thăm cụ bà Nguyễn Thị Thúc, mẹ của 2 liệt sỹ Hoàng Kim Loan và Hoàng Văn Khánh, ngụ tại xóm 5, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) vào một buổi chiều muộn. Trong căn nhà, 2 người đàn bà, một lắt lay như lá khô trước gió, một hằn in nét tảo tần nương tựa vào nhau để nhớ, thương và mong mỏi...

Cạn nước mắt vì con

Cụ bà Nguyễn Thị Thúc năm nay đã bước sang tuổi 94. Biết có khách vào thăm, cụ gượng dậy, liêu xiêu ngồi tựa bên thành giường, đôi mắt mờ đục nhìn ra xa thẳm... Chị Hoàng Thị Nguyệt, người con gái út của cụ Thúc cho biết, mấy năm gần đây cụ yếu lắm, ngày ăn được thìa cơm, có ngày chẳng được thìa nào, chỉ toàn uống sữa cầm hơi thôi.

Cụ Nguyễn Thị Thúc và con gái Hoàng Thị Nguyệt.
Cụ Nguyễn Thị Thúc và con gái Hoàng Thị Nguyệt.

Chị Nguyệt kể lại, những năm chiến tranh ác liệt, bố chị là ông Hoàng Văn Què, người tận đâu trong Hà Tĩnh phiêu bạt về đây làm thuê cuốc mướn, rồi gây dựng gia đình với mẹ của chị là cụ Nguyễn Thị Thúc. Có với nhau những 5 mặt con, gồm 2 anh con trai và 3 cô con gái nhưng khổ một nỗi đến cả cụ Thúc cũng không biết được chính xác nơi “chôn nhau cắt rốn” của chồng mình. Sau khi bố mất, chị Nguyệt đem câu chuyện gốc tích đến hỏi người cô ruột đã cùng lưu lạc với bố mình, thì ngay cả bà ấy cũng không nhớ nổi quê mình là đâu, trên đất Hà Tĩnh dọc dài?!

Trong trí nhớ của chị, ký ức về bố, về các anh là một... khoảng trắng! Chị kể, tháng 12 năm 1967, anh cả Hoàng Kim Loan lúc ấy mới tròn 19 tuổi, đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Đó là đơn vị C5 - D2 - E246, thuộc mặt trận B5, đóng quân tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày 5/3/1969, địch tấn công cứ điểm, anh cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt và đã trút hơi thở cuối cùng. Ngày nhận được giấy báo tử của anh, mẹ Thúc ngất lên ngất xuống vì quá đau đớn...

Nỗi đau vẫn đang còn rỉ máu thì 3 năm sau, anh trai thứ Hoàng Văn Khánh lại năn nỉ đòi mẹ cho đi bộ đội. Anh Khánh lúc đó mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi nhập ngũ, lại gầy gò, ốm yếu nên mẹ Thúc khuyên con chờ thêm vài năm nữa, vậy mà anh cứ nằng nặc đòi đi cho bằng được. Ngày 1/7/1972, anh gia nhập đơn vị C4 - D7 - KH, tức Đại đội 4 hỏa lực, thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 8, Quân khu Trị - Thiên. Ngày tiễn con ra đi, mẹ Thúc dõi theo con mà lòng âu lo.

Cũng vẫn là với niềm tin ấy, mẹ Thúc ngày ngày mòn mỏi chờ tin con. Nhưng người con trai cuối cùng của mẹ cũng lại một đi không trở về, như người anh trai của mình. Ngày 16/2/1973, Hoàng Văn Khánh đã mãi mãi nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị. Thêm một lần nữa, mẹ Thúc cầm trên tay giấy báo tử của con, lòng tê dại như rụng rơi từng khúc ruột. Ông Hoàng Văn Què lúc này đang lâm bệnh nặng, nhận được hung tin vì quá đau xót nên cũng đã qua đời không lâu sau đó. Mẹ Thúc không còn nước mắt để khóc thương cho những đứa con.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau, hơn 40 năm có lẻ, như nỗi đau vẫn như còn đó. Mỗi buổi chiều buông, mẹ Thúc lại chống gậy mò mẫm ra tận đầu ngõ, ngóng về cuối đường xa, những mong các con của mẹ sẽ về...

Người con gái hiếu thảo

Ngày 2 anh trai hy sinh, chị Hoàng Thị Nguyệt, người con gái út của mẹ Thúc, vẫn còn trẻ dại. Khi 2 chị gái của Nguyệt cất bước theo chồng, cũng là lúc nhiều chàng trai làng trên xóm dưới để ý đến cô Nguyệt, người nổi tiếng hiền dịu, nết na. Cũng như bao cô gái đang tuổi mười chín, đôi mươi, Nguyệt cũng khát khao hạnh phúc cho riêng mình, nhưng chợt nghĩ: “Các chị xuất giá rồi, mình cũng rứa thì mẹ biết dựa vô ai được!”. Thế là chị đành gác chuyện riêng tư, tất tả lam lũ, cuốc bẫm cày sâu, thay 2 người anh đã hy sinh phụng dưỡng mẹ già.

Tuổi xuân của chị cứ qua như thế, mãi đến năm chị Nguyệt 40 tuổi. Ngôi nhà nhỏ bên triền núi vẫn cô quạnh một bà mẹ tóc bạc da mồi, một cô con gái luống tuổi, sớm hôm lủi thủi. Thương chị hiu quạnh, đơn chiếc, bà con lối xóm khuyên chị nên kiếm lấy một đứa con những mong cậy nhờ khi tuổi già đến. Và cô con gái của chị Nguyệt là Hoàng Thị Ngân, đã chào đời vào năm 2002, mà không một lần được nhìn thấy mặt bố.

Gánh nặng gia đình càng đè oằn đôi vai chị. Ngoài ba sào ruộng khoán, chị còn nhận thêm của người ta 7 sào nữa, một mình quần quật làm một mẫu ruộng. Mùa vừa xong thì đi buôn chuối, làm bánh chạy chợ, rồi lên rừng kiếm củi... Vậy mà, cái đói cái nghèo vẫn cứ bám riết. Chị bảo, dạo ấy con còn nhỏ, có lần vừa tan trường về nhà nó hỏi: “Nhà nghèo rớt mồng tơi là răng, mà mấy đứa bạn cứ chọc con mãi?”. Giải thích cho con hiểu, lòng chị quặn thắt vì đau. Từ đó, chị thường dặn mẹ, dặn con: “Ai hỏi, đừng nói ta ăn cháo, nói rằng ta ăn cá ăn thịt”. Nhưng bà cụ Thúc tính vốn thật thà đã bảo: “Ló chưa đến mùa đã hết!”.

Nơi tá túc của mẹ con chị Nguyệt cùng cụ Thúc hiện giờ là ngôi nhà ba gian vẫn còn mới, khang trang, đàng hoàng. Ai cũng bảo chị là người có nghị lực. Chị cười buồn: “Nhà đi vay đó!”. Chị kể: “Hồi trước, khi chưa làm cái nhà ni, mẹ con, bà cháu ở trong cái nhà bẹp, mùa mưa bão thì cực không hết. Năm 2008, có một nhà hảo tâm về thông qua xã hỗ trợ cho gia đình 20 triệu đồng, vậy là tui làm liều. Người thì cho vay cát, người thì cho vay xi măng, người thì giúp công... 6 năm rồi, vay của người ta hơn 100 triệu bạc, mà tui vẫn chưa trả được. Nợ chầy nợ chạc ngợp cả đầu, nhất là dịp năm hết, tết đến gặp ai cũng hỏi nợ. Tui thì mẹ già, con nhỏ làm không ra. Nhiều khi, tui nghĩ biết rứa chẳng làm nhà”.

Em Hoàng Thị Ngân, tuy còn nhỏ nhưng đã sớm biết phụ giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc bà ngoại. Ngày ngày, lúc 5 giờ sáng, em đã cùng mẹ đi bán bánh gạo khắp làng. Tan học về, ăn cơm vừa xong lại lên rừng lấy củi với mẹ. Hiện giờ, Ngân đang chuẩn bị lên lớp 8. Vì hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn, chị Nguyệt tính chỉ cho em học xong lớp 9, rồi nghỉ học, đi làm thuê. “Biết là nó thông minh, học giỏi, bắt nó phải nghỉ học tui cũng đau lòng lắm. Nhưng biết làm răng được dừ”, chị Nguyệt than thở.

Chị Nguyệt nhớ lại, cách đây 4 năm, không lâu sau khi chị làm nhà xong, cụ Thúc sầu con nên không ăn, không ngủ được, suốt ngày ôm lấy bộ quân phục và chiếc mũ cối của 2 anh, hết ngắm nghía rồi lại òa lên khóc: “Con tui mô rồi? Con tui mô rồi? Loan ơi, Khánh ơi... Hai đứa bây ở mô, răng không về với mẹ?”. Thương mẹ héo mòn, chị chạy ngược chạy xuôi vay được 20 triệu đồng, bàn với hai người chị gái lên đường tìm phần mộ của hai anh về cho mẹ. Suốt nhiều ngày tìm kiếm tại Huế và Quảng Trị, tiền đã cạn túi mà mọi thông tin về các anh đều bặt vô âm tín. “Mẹ già như chuối chín cây, tui chỉ mong mình bạo mạnh để còn đi tìm các anh về cho mẹ”, mắt chị Nguyệt đỏ hoe.

Có thể nói, tài sản lớn nhất của người phụ nữ chính là những đứa con. Vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, họ đã hy sinh những đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra và nuôi dưỡng. Mất mát ấy, theo họ suốt cả cuộc đời! Với lòng biết ơn sâu sắc, người viết bài này cầu mong mẹ Thúc có được sức khỏe, và sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hòe

Mới nhất

x
"Vết thương lòng, mẹ còn nặng mang..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO