Vị giáo dân 40 năm làm trọn việc đạo, việc đời
(Baonghean.vn) - Ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Nguyễn Trung Đức ở xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu vẫn hăng say với việc nước, việc Giáo hội. 40 năm qua ông đã làm tròn vai Trưởng ban Công tác Mặt trận với nhiều thành tích.
Năm 2022, ông Nguyễn Trung Đức vinh dự là đại diện của tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị Biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc; là một trong ít cá nhân tiêu biểu dự cuộc gặp mặt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
P.V: 40 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, một quãng thời gian rất dài với nhiều kỷ niệm. Chuyện vui nhiều, nhưng chắc hẳn là cũng không ít những khó khăn, vất vả phải không ạ?
Ông Nguyễn Trung Đức: Tôi bắt đầu làm Trưởng ban Mặt trận từ năm 1982 và cuộc sống ở quê tôi lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là động viên bà con sản xuất giỏi, cùng nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, công việc ngày đó, so với ngày nay vẫn chưa vất vả bằng bởi Mặt trận là cầu nối của các đoàn thể, trong đó có cả Ban hành giáo. Tôi làm công tác Mặt trận, đối tượng hướng tới thường là hộ nghèo, hộ khó khăn. Vì vậy, ở cương vị này tôi nghĩ có thể kêu gọi các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ và giúp đỡ những người yếu thế. Đây cũng là công việc đặc thù và thực chất lại làm “không công”. Do đó, tôi hoàn toàn thoải mái khi đến với công việc này, mình làm vì uy tín, vì còn được nhân dân tín nhiệm.
Ông Nguyễn Trung Đức là người có 40 năm giữ vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận tại xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà |
P.V: Ông đã chia sẻ, công tác Mặt trận “như làm dâu trăm họ”. Tuy nhiên, tôi được biết, dù ông làm Trưởng ban Mặt trận ở một xóm rất đông dân cư, gần 400 hộ, trong đó, 2/3 là đồng bào giáo dân, nhưng đây lại là thôn đi đầu trong nhiều hoạt động ở địa phương. Ông hãy chia sẻ những kết quả mà mình đã đạt được trong những năm qua?
Ông Nguyễn Trung Đức: Trong những năm qua, tôi cùng với cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận của xóm đã động viên bà con xây dựng cơ sở hạ tầng trong xã và trong toàn xứ đạo với nhiều công trình có giá trị, như kênh mương phục vụ cho cánh đồng 200 triệu đồng/ha, xây dựng đường bê tông nông thôn.
Bà con cũng đã đóng góp gần 2 tỷ đồng, với hơn 6.200 ngày công để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Bên cạnh đó, bà con còn tích cực ủng hộ tu sửa lại nhà văn hóa của thôn, sân bóng đá, bóng chuyền với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; tự nguyện đóng góp xây dựng nhà thờ phục vụ cho việc sinh hoạt tôn giáo. Năm 2021, thôn 2 nói chung và Giáo xứ Bến Đén nói riêng đã xây dựng thành công mô hình Giáo xứ văn minh xanh - sạch - đẹp và là mô hình điểm đầu tiên của huyện Diễn Châu.
P.V: Những kết quả mà ông và Ban Cán sự thôn 2 cùng nhân dân nỗ lực đạt được nghe qua tưởng như là những con số khô khan, nhưng thực chất đằng sau đó, hẳn đã phải nỗ lực rất nhiều và chắc chắn công tác dân vận không đơn giản, ví dụ, việc vận động hơn 40 hộ dân hiến hơn 200m2 đất, cổng nhà, bờ tường bao, cây xanh và cây ăn quả…
Ông Nguyễn Trung Đức: Đó là thời điểm năm 2015, để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn chúng tôi được huyện cấp 400 tấn xi măng để mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Ông Nguyễn Trung Đức - thứ 2 từ phải sang tại cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet |
Lúc bấy giờ, đường ở thôn chúng tôi nơi rộng nhất chỉ có 1,5m, nên khi có chủ trương mở rộng đường lên 3m, Ban Cán sự xóm họp bàn và đều e ngại, khẳng định là không thể làm được. Tuy nhiên, tôi cương quyết là làm được. Quá trình vận động kéo dài hơn 1 tháng trời, đến nỗi vợ tôi cũng gắt vì sợ chồng không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tôi bảo, mình làm cho xóm, cho dân, vất vả mấy cũng cố gắng.
Trong quá trình triển khai, chúng tôi họp tổ tự quản nhiều lần và chọn những tổ mạnh nhất để triển khai đầu tiên. Đến đâu tôi cũng nói với bà con về vấn đề điện, đường, trường, trạm là rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển của thôn, xóm. Trong khi đó, nơi chúng tôi ở là giáo xứ, vào những ngày lễ trọng, người dân khắp nơi đến đông, nhu cầu lưu thông qua lại rất lớn, nhất là phương tiện ô tô. Tôi cũng bảo bà con, giờ đất ở thôn ta rẻ, nhưng nếu đường được mở rộng thì đất đai sẽ lên, sẽ có giá… Bà con nghe vậy, rất phấn khởi.
Một số trường hợp đặc biệt thì tôi đến tận nhà, không vận động được chồng thì tôi chuyển sang vận động vợ. Nếu cả vợ, cả chồng khó thì tôi lại chuyển sang nói chuyện với con, theo hình thức “đánh lẻ”.
Có gia đình, dời cổng mất cả trăm triệu đồng, hai ông bà ở nhà băn khoăn, tâm tư lắm, tôi đến tận nhà động viên phải mở cổng, sau này con đi nước ngoài về, có xe ô tô, đi đường chật dễ bị hỏng xe. Gia đình khác thì ở vị trí nút thắt cổ chai, cả chồng, cả vợ đều cương quyết nhất định không giải phóng. Trường hợp này thì tôi phải gặp riêng hai người con gái để “đánh" vào tâm lý đến tuổi dựng vợ, gả chồng và nhắc nhở “nếu bố mẹ khó quá” thì ít người ngại đến…
Sau khi hoàn thành mở rộng đường, xã Diễn Kỷ được công nhận xã nông thôn mới. Hôm tổ chức lễ đón nhận, tôi được UBND tỉnh khen thưởng, được báo cáo thành tích quả thực tôi vui lắm. Bà con bây giờ nhắc lại cứ bảo tôi mẹo lắm, không ai trách mà còn bảo là nên đặt tên đường là đường ông Nguyễn Trung Đức!
P.V: Những người làm việc xóm, việc làng vẫn được nói là “những người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Đúng là có rất nhiều công việc không tên nhưng lại đòi hỏi sự lăn lộn, đứng mũi chịu sào phải không ạ?
Ông Nguyễn Trung Đức: Chuyện chỉ mới năm ngoái đây thôi, không phải xa xôi gì. Khi đó, dịch Covid-19 đang “căng” lắm, thôn chúng tôi lại được xếp vào mức độ 16+ vì có 2 bệnh nhân F0 và hơn 200 người thuộc diện F1, nội bất xuất ngoại bất nhập. Lúc đó, để vận động những trường hợp F0, F1 đi cách ly, không ai chịu vì lo “gà, lợn không ai chăm, trâu, bò không ai nuôi” rồi người dân lại bảo “không biết lấy gì ăn”.
Lúc đó, câu hỏi nào của bà con tôi cũng đứng ra nhận tôi lo, tôi nuôi. Trường hợp gia đình có F0, có lúc ngay cả người thân cũng không dám đến, điện thoại không dám nghe. Lúc đó, tôi đích thân đến cắt cỏ cho bò, chặt chuối cho lợn và giúp gia đình chăm 100 con gà, dọn vệ sinh chuồng trại…
Năm 2022, ông Nguyễn Trung Đức được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận. Ảnh: Mỹ Hà |
Hay như đợt vận động người dân trong thôn đi cai nghiện ma túy, vận động người dân giao nộp vũ khí tự chế, tôi cũng đến từng gia đình để trò chuyện, khuyên bảo và từ đó người dân tự nhận thức, tự thực hiện.
P.V: Ngoài vai trò của Trưởng ban Mặt trận xóm, ông còn là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Đén, xã Diễn Kỷ. Việc đảm nhiệm “hai vai” đã bổ trợ ông như thế nào trong quá trình công tác?
Ông Nguyễn Trung Đức: Mô hình Trưởng ban Công tác Mặt trận trong vùng đồng bào theo đạo Công giáo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ sẽ giúp cho công việc có hiệu quả hơn. Bản thân tôi lãnh “hai vai” nên khéo léo biết kết hợp hài hòa giữa cộng đồng lương và giáo, tạo nên mối đoàn kết, có trách nhiệm chung trong thôn. Bên xã hội và Giáo hội phải kết hợp hài hòa các hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.
Ông Nguyễn Trung Đức (thứ 3, từ trái sang, hàng sau cùng) được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Mặt trận tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội. Ảnh: Internet |
Khi thực hiện các nội dung chương trình hành động của Mặt trận, đặc biệt, trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, các hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư, cần sự giúp đỡ và ủng hộ của Linh mục quản xứ, sự nhiệt tình hưởng ứng của bà con giáo dân, người cán bộ Mặt trận cần biết vận dụng các tình huống để phong trào đạt kết quả cao nhất.
P.V: Một người giáo dân tốt cũng là một người công dân tốt. Với ông, chắc hẳn cũng đã sống và cống hiến vì chân lý này?
Ông Nguyễn Trung Đức: Một người giáo dân tốt cũng là một người công dân tốt. Với tôi, điều này rất đúng. Là một giáo dân, mình phải kính Chúa, yêu thương mọi người, là một con chiên ngoan đạo. Là một công dân, mình phải chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thành các quy định địa phương đã đề ra. Nhân vô thập toàn, khó ai có thể hoàn thiện được. Nhưng bản thân tôi cố gắng được 7, được 8 và thước đo chính là được lòng dân, được nhân dân tin tưởng.
Ông Nguyễn Trung Đức nhiều năm liên tục được nhận Bằng khen, Giấy khen các cấp vì có nhiều thành tích trong công tác Mặt trận. Ảnh: Mỹ Hà |
P.V: Ông đã ngoài 70 tuổi, đã bao giờ ông thấy mệt mỏi và muốn dừng lại công việc ở thôn, ở xóm để dành thời gian cho gia đình? Để làm tốt vai trò của một người Trưởng ban Mặt trận, theo ông, yếu tố gì là quan trọng nhất?
Ông Nguyễn Trung Đức: Để làm một người Trưởng ban Mặt trận tốt, tôi nghĩ trước tiên phải từ gia đình, “tề gia trị quốc”. Gia đình là hạt nhân của xã hội, là tế bào của xã hội. Nếu gia đình mình mẫu mực, gương mẫu thì nói dân sẽ nghe.
Thứ nữa, mình phải là người gương mẫu, biết lắng nghe, nóng tính quá có thể lớn tiếng, nhưng sau đó phải biết nhìn lại và biết xin lỗi.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, ông Nguyễn Trung Đức đã triển khai được nhiều công tác nổi bật ở thôn xóm. Ảnh: Mỹ Hà |
Ở tuổi này, nhiều khi con cái và gia đình cũng muốn tôi nghỉ vì thấy mình đã cống hiến nhiều năm, đã thấy chùn mỏi. Tuy nhiên, nếu dân còn tín nhiệm, tôi vẫn làm, vì tôi lo nếu không có người cáng đáng thì sẽ ảnh hưởng đến phong trào chung, mất đoàn kết. Nếu làng trên, xóm dưới mà không đoàn kết thì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động, đến đời sống văn hóa - xã hội. Ngược lại, nếu tất cả cùng đoàn kết, đồng sức, đồng lòng thì tự tôi cũng thấy khỏe trong người.
P.V: Cảm ơn ông đã tham gia trò chuyện!