Vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt tới 70 triệu đồng

12/04/2012 15:18

(Baonghean) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 19/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 16/3 và có hiệu lực từ ngày 1/5/2012. Nghị định quy định các nội dung chính sau:

+ Phạm vi điều chỉnh: Nghị đinh này áp dụng đối với hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không phải là tội phạm và theo quy định phải bị xử lý hành chính. Các hành vi vi phạm hành chính khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ để xử phạt trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.


- Hình thức và mức xử phạt: Mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhận vi phạm phải chịu 1 trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo, phạt tiền (mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tối thiểu là 500 ngàn đồng và mức phạt tối đa là 70 triệu đồng). Ngoài hình thức xử phạt chính, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi.


- Hành vi vi phạm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị xử phạt gồm: Vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dụng; quảng cáo lừa dối người tiêu dùng; không cung cấp hoặc cung cấp không đúng thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng (cảnh báo khả năng, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo hành...); vi phạm của bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung; giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung với người tiêu dùng có điều khoản không có hiệu lực; vi phạm về hợp đồng giao kết từ xa; vi phạm về hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục, bảo hành hàng hóa và vi phạm về trách nhiệm đối với hàng hóa có khuyết tật...


- Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt là: Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh; Chủ tịch UBND các cấp; lực lượng quản lý thị trường từ kiểm soát viên thị trường thi hành công vụ cho đến Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường; các lực lượng khác có: Cơ quan công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Cơ quan thuế, Thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác có quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản (theo mẫu) kịp thời và gửi ngay cho tổ chức, cá nhận vi phạm 1 bản; Nếu biên bản do người không có thẩm quyền xử phạt lập hoặc vụ việc vượt quá thẩm quyền thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, người lập biên bản phải gửi biên bản gốc và toàn bộ tài liệu, hồ sơ có liên quan đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.


Phương Hà

Vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt tới 70 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO