'Vi phạm pháp luật dân sự'!
(Baonghean) - Trong Quyết định số 955/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 04/2018/DS-ST của TAND huyện Quỳ Châu, Viện KSND tỉnh khẳng định, Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Quỳ Châu đã vi phạm pháp luật dân sự.
Cán bộ và nhân dân ở xã Châu Hội đều khẳng định thửa đất có tranh chấp được bố chồng chị Hoàng Thị Thủy khai hoang. Ảnh: Nhật Lân |
Vụ việc tranh chấp đất đai ở bản Lâm Hội, xã Châu Hội giữa nguyên đơn Hoàng Thị Thủy và bị đơn Phạm Văn Hải được Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu đưa ra xét xử, có quyết định tại Bản án số 04/2018/DS-ST ngày 19/4/2018.
Xung quanh việc xét xử tranh chấp đất đai ở bản Lâm Hội, xã Châu Hội của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, Báo Nghệ An điện tử ngày 3/5/2018 đã phản ánh tại bài viết: “Đã đảm bảo khách quan khi xét xử tranh chấp đất ở xã Châu Hội (Quỳ Châu)?”. Ngay sau đó, Viện KSND tỉnh có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án này.
Đề nghị hủy bản án
Ngày 17/5/2018, Viện KSND tỉnh ban hành Quyết định số 955/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 04/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu. Tại đây, Viện KSND tỉnh khẳng định, Bản án dân sự sơ thẩm số 04 của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu đã vi phạm pháp luật dân sự.
Thứ nhất, không xây dựng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; thứ hai, giải quyết vụ án chưa có cơ sở; thứ ba, vi phạm trong việc giải quyết chi phí định giá; thứ tư, vi phạm quy định pháp luật về án phí. Trong đó, đáng quan tâm nhất là những nội dung phân tích của Viện KSND tỉnh để đi đến kết luận Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu giải quyết vụ án chưa có cơ sở.
Theo Viện KSND tỉnh phân tích: Nguyên đơn Hoàng Thị Thủy khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết hai nội dung gồm: Buộc anh Phạm Văn Hải phải tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm gồm 1 ngôi nhà 3 gian xây dựng trên đất lấn chiếm; buộc anh Phạm Văn Hải trả lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm.
Bị đơn Phạm Văn Hải thừa nhận diện tích đất tranh chấp không thuộc quyền sử dụng của mình, đồng thời công nhận có một ngôi nhà gỗ xây dựng trên diện tích đất này. Như vậy, hai nội dung khởi kiện của nguyên đơn Hoàng Thị Thủy có liên quan với nhau, việc xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai là cơ sở để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Thủy đã trình bày nguồn gốc thửa đất là do bố chồng, ông Phạm Viết Thuận khai hoang từ năm 1967. Lời khai phù hợp với nhiều người làm chứng.
Trong khi đó, bị đơn Phạm Văn Hải khai thửa đất là của ông Phan Quốc Thiện đang giao vợ chồng bị đơn quản lý. Ông Phan Quốc Thiện trình bày thửa đất đang tranh chấp do ông khai hoang trong thời gian sinh sống ở Quỳ Châu. Khi Nhà nước có chủ trương kê đăng ký QSD đất, do ông đã chuyển về sinh sống tại TX. Hoàng Mai nên vợ chồng bị đơn Phạm Văn Hải trực tiếp kê khai.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu chứng minh thửa đất có tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Phan Quốc Thiện. Hồ sơ kê khai cấp giấy chứng nhận QSD đất đứng tên ông Phan Quốc Thiện nhưng là bản phô tô, không có công chứng, chứng thực, cũng không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Tại biên bản xác minh ngày 6/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu tại UBND xã Châu Hội chỉ xác nhận ông Thiện là người kê khai đăng ký QSD đất, không xác nhận nguồn gốc đất do ông Thiện khai hoang. Quá trình giải quyết vụ án, tòa án không yêu cầu các đương sự và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp hồ sơ quản lý thửa đất có tranh chấp qua các thời kỳ như bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê, hồ sơ kỹ thuật… Do đó, chưa có cơ sở xác định diện tích đất tranh chấp thuộc về ai.
Thửa đất có tranh chấp ở bản Lâm Hội có vị trí sát QL48. Ảnh: Nhật Lân |
Bởi Bản án dân sự sơ thẩm số 04 “đã vi phạm pháp luật dân sự”, và bởi “những vi phạm này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được”, tại Quyết định số 955/QĐKNPT-VKS-DS Viện KSND tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu giải quyết lại theo thủ tục chung.
Những băn khoănNguồn gốc hình thành thửa đất đang có tranh chấp, có sự “thống nhất” từ các bên liên quan là do “khai hoang”. Vậy nên, khi thực hiện điều tra, xác minh làm rõ việc xét xử tranh chấp đất đai tại bản Lâm Hội, xã Châu Hội, điều PV Báo Nghệ An quan tâm tìm hiểu là phải tiếp cận các hồ sơ tài liệu đất đai ở cơ sở; nắm bắt đầy đủ thông tin của những cán bộ có trách nhiệm và các hộ dân sinh sống trên địa bàn cùng thời kỳ.
Tại bài viết “Đã đảm bảo khách quan khi xét xử tranh chấp đất ở xã Châu Hội (Quỳ Châu)?” trên Báo Nghệ An điện tử ra ngày 3/5/2018, đã thông tin đầy đủ về các hồ sơ tài liệu liên quan thửa đất, các ý kiến của những người có trách nhiệm ở địa phương cơ sở, cùng những người biết việc là các hộ dân ở bản Lâm Hội. Tất cả những thông tin này đều cho thấy Bản án số 04 của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu chưa đảm bảo tính khách quan.
Ông Lương Đệ - Viện trưởng Viện KSND huyện Quỳ Châu khi được hỏi đã trao đổi với PV Báo Nghệ An rằng: “Tòa có quyền tuyên xử, nguyên đơn Hoàng Thị Thủy có quyền kháng cáo, còn Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị…”. Chúng tôi hiểu rằng, vụ việc tranh chấp đất đai ở bản Lâm Hội, xã Châu Hội không dừng lại ở phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu mà sẽ được xét xử lại ở những phiên tòa cấp cao hơn.
Ban cán sự xóm Lâm Hội nói về lịch sử hình thành của thửa đất có tranh chấp. Ảnh: Nhật Lân |
Nhưng điều đáng nói ở đây là từ việc tuyên xử của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, đã dẫn đến những bức xúc của không ít cán bộ, nhân dân xã Châu Hội; đã có một số người phản ứng khá tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương cơ sở.
Thiết nghĩ, Tòa án là cơ quan thi hành pháp luật. Mỗi cán bộ của cơ quan Tòa án đều phải nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Tức là phải tôn thờ lẽ công bằng, công lý, không thiên lệch.
Với Bản án số 04 ngày 19/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, như Viện KSND tỉnh đã chỉ ra là “đã vi phạm pháp luật dân sự”, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét về năng lực, trình độ chuyên môn và cái tâm của những người “cầm cân nảy mực” trong vụ việc này?.