Vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng từ việc neo giá cước

27/02/2016 08:08

(Baonghean) - Liên tiếp mấy ngày gần đây dư luận bức xúc về giá cước vận tải bởi xăng dầu xuống giá mà giá cước vẫn neo giữ.

Ảnh
Xe buýt hoạt động trên địa bàn Nghệ An

Trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2016, giá xăng trong nước liên tiếp giảm 4 lần, tổng cộng 2.278 đồng/lít (tức 16%), khiến các doanh nghiệp vận tải, hãng taxi có cơ hội vàng nhận lợi nhuận bổ sung vì giá cước vẫn được đa số doanh nghiệp kiên trì neo giữ (hoặc giảm nhỏ giọt 1-3%). Việc chậm giảm giá cước vận tải được biện hộ với đủ mọi lý do cả về tài chính và kỹ thuật, như chi phí về thời gian và tài chính làm các thủ tục dừng xe, đăng ký giá cước mới và triển khai in lại giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định… Điều cần nhấn mạnh rằng, các lý do được nêu ra trên đây không hề được nêu ra khi các đơn vị vận tải xin đăng ký lại giá mới để tăng giá mỗi khi giá xăng dầu tăng, dù chỉ vài phần trăm…

Hệ lụy của việc chậm giảm giá cước không chỉ trực tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn khiến tác động tích cực từ giảm giá xăng dầu không tới được người dân và không giúp giảm chi phí vận tải trong chi phí sản xuất và áp lực lạm phát trong các hoạt động kinh tế-xã hội, không tạo xung lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế, không giúp bù lại tác động mặt trái của giảm giá xăng dầu đến việc thu hẹp sản xuất, thu nhập xuất khẩu của ngành công nghiệp khai thác dầu thô quốc gia.

Giá cước vận tải là thước đo tinh thần trách nhiệm và chất lượng dịch vụ đối với xã hội trong văn hoá doanh nghiệp và hiệp hội vận tải; cũng là thước đo mức độ hoàn thiện và năng lực, hiệu lực, hiệu quả cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước pháp quyền …

Quản lý và kiểm soát giá cước vận tải không thể chỉ bằng khuyến nghị và trông đợi vào sự tự giác của doanh nghiệp, mà cần gia tăng cả bàn tay thị trường và bàn tay nhà nước, theo đó: Cần tăng cường áp lực giảm giá từ thị trường nhờ cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh thực sự giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, cũng như tăng thông tin và cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn các dịch vụ với giả cả tương xứng với chất lượng mong muốn trong ngành vận tải; Đặc biệt, cần bổ sung vào quy định quản lý giá cước vận tải trong Thông tư 152 hiện hành yêu cầu mang tính nguyên tắc về kê khai lại đăng ký giá cước mới gắn với khung thang biến động gióa xăng dầu, tạo cơ sở pháp lý và áp lực hành chính buộc các đơn vị vận tải phải đăng ký lại giá cước mới trong khuôn khổ giá xăng dầu và thời gian triển khai nhất định. Đồng thời, các cơ quan quản lý chức năng, cần nâng cao trách nhiệm trong rà soát, giảm thủ tục và chi phí kê khai giá cước, điều chỉnh đồng hồ taximet; chủ động kịp thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát, cập nhật, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu mới trên thị trường; tăng cường điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm khắc về tài chính và hành chính, tạọ răn đe và thu hồi các lợi nhuận cơ hội mà doanh nghiệp thu được không chính đáng từ hành vi cố tình trì hoãn giảm giá cước vận tải, các hiện tượng thông đồng, liên kết giá và lũng đoạn thị trường, bảo kê hoặc cố tình gây nhũng nhiễu trong kinh doanh và quản lý vì lợi ích nhóm, vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Được biết tuần tới một số hãng xe có thông báo giảm giá cước, người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục theo dõi.

TS. Nguyễn Minh Phong

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng từ việc neo giá cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO