Vì quyền lợi nhân dân, đất nước mà bỏ lá phiếu tín nhiệm
Trong buổi gặp gỡ tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/12 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đa số các cử tri vui mừng vì Quốc hội đã thống nhất quyết định sắp tới sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thật bất ngờ khi Chủ tịch nước nói rằng: Cái mừng đó cũng chỉ mới đáng mừng một nửa thôi! Vì sao thế nhỉ? Có điều gì mà cái mừng của các cử tri chưa thật trọn vẹn?
(Baonghean) - Trong buổi gặp gỡ tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/12 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đa số các cử tri vui mừng vì Quốc hội đã thống nhất quyết định sắp tới sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thật bất ngờ khi Chủ tịch nước nói rằng: Cái mừng đó cũng chỉ mới đáng mừng một nửa thôi! Vì sao thế nhỉ? Có điều gì mà cái mừng của các cử tri chưa thật trọn vẹn?
Bất ngờ hơn nữa khi Chủ tịch nước giải thích rằng, cái mừng chưa toàn vẹn, còn phải chờ diễn biến tiếp đã! Bởi vì "Coi chừng bỏ phiếu là đi chạy, đi vận động. Sẽ có tình trạng chạy phiếu, tức là vận động phiếu! Mà vận động ở đây là vận động nháy nháy! Móc ngoặc với nhau, được anh được tôi. Đó là chuyện không lành mạnh. Phải bỏ phiếu trung thực, ông tốt thì nhiều phiếu, ông xấu thì phiếu ít hoặc không phiếu. Vận động được kiểu đó thì hay quá!".
Kỳ họp Quốc hội đầu năm 2013 bắt đầu việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong tình hình thực tế xã hội đang có nhiều biểu hiện tiêu cực, không chỉ cử tri mà Chủ tịch nước cũng phải dự kiến các diễn biến sắp và sẽ xẩy ra để xem chừng, để lo xa! Làm sao để cuộc bỏ phiếu thật sự dân chủ, khách quan, trung thực? Làm sao để các đại biểu Quốc hội hoàn toàn độc lập tự chủ trong quyết định với lá phiếu của mình? Làm sao để các đại biểu Quốc hội bỏ lá phiếu với tư cách duy nhất là phản ánh tiếng nói, phản ánh nguyện vọng của nhân dân? Làm sao để chính bản thân các đại biểu tự mình gương mẫu thoát khỏi tư duy về quyền lợi nhỏ hẹp bản thân và sự ràng buộc tư duy lợi ích nhóm để cầm lá phiếu trung thực?Trước hết, chúng ta phải tin vào ý thức trách nhiệm và sự sáng suốt của các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội dù ở cương vị nào, giữ chức vụ gì trong xã hội thì cũng chỉ đến hội trường Quốc hội với cùng một tư cách là đại diện cho quyền lợi của các cử tri. Mong rằng không ai, không tổ chức nào có quyền chỉ đạo hay vận động các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu theo ý muốn của họ. Đại biểu Quốc hội chỉ có một quyền duy nhất khi bỏ phiếu là quyền phản ánh đúng đắn nguyện vọng của cử tri.
Vì vậy, muốn bỏ lá phiếu chính xác, các đại biểu Quốc hội phải tìm hiểu nguyện vọng của cử tri và bỏ lá phiếu trung thành với nguyện vọng của họ. Cuối cùng, vấn đề là ở chỗ, vì quyền lợi nhân dân, đất nước mà bỏ lá phiếu tín nhiệm lựa chọn cán bộ cho tốt. Ngoài ra, mọi động cơ cá nhân cần phải được giám sát, ngăn chặn và loại bỏ. Làm được vậy thì cử tri yên tâm, Chủ tịch nước cũng không phải lo lắng nhiều! Chúng ta tin tưởng vào tư cách các vị đại biểu, vào cách làm thông minh, khoa học của việc lấy phiếu để mọi việc diễn ra tốt đẹp!
Thạch Quỳ (TP. Vinh)