Vì sao lò giỏi thiếu vắng nhân tài?

Hoa Bùi 25/04/2023 19:30

(Baonghean.vn) - Nhìn vào thành tích của các giải đấu trẻ từ U17, U19, U21 hàng năm, đội hình U23 Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games 30, 31 và 32, có thể thấy bản đồ bóng đá trẻ Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng tích cực,

Có thể thấy hiện nay, nhiều lò đào tạo trẻ chất lượng cao xuất hiện, đồng thời, những lò đào tạo truyền thống dần tụt bước, không theo kịp bước đi chung hiện nay.

Trước hết, sự xuất hiện của các lò đào tạo trẻ của Hà Nội FC, PVF, Viettel gần đây đã cho ra lò nhiều tài năng xuất sắc của bóng đá Việt, đóng góp bộ khung cho đội hình của U23 Việt Nam và Đội tuyển Việt Nam để hướng tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn ở phía trước. Câu chuyện lứa U19 của Hoàng Anh Gia Lai với những tên tuổi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… dù góp công lớn vào chiến tích Thường Châu và đi hết triều đại Park Hang-seo nhưng gần như “đụng trần” khi Đội tuyển Việt Nam thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup và không giữ nổi ngôi vua ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp gần đây, đòi hỏi bóng đá Việt phải tìm một lối đi mới, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn là vì lẽ đó.

HLV Lê Kỳ Phương trong buổi huấn luyện đội U11. Ảnh tư liệu

Người ta vừa thống kê qua 3 kỳ SEA Games 30, 31 và 32 này, dàn trẻ của Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn xuất hiện lác đác vài cái tên như Việt Hưng, Thanh Sơn ở SEA Games 30 và Quốc Việt ở SEA Games 32. Tương tự, 2 kỳ SEA Games 30 và 31, lò đào tạo trẻ nức tiếng Sông Lam Nghệ An không có một cái tên nào được gọi. Nhưng đáng nói là SEA Games 32 này, trong số 24 cầu thủ đi Campuchia, có 3 cái tên từ lò Sông Lam Nghệ An là Xuân Tiến, Văn Cường và Văn Bình. Đó là những ngôi sao lứa 2003, từng vô địch U17 Quốc gia năm 2020, chưa kể đàn em Văn Bình trưởng thành vượt bậc, vốn đang thi đấu cho U19 Sông Lam Nghệ An.

Cũng từ lâu, danh sách các đội tuyển đã gần như vắng bóng các tên tuổi từ các lò truyền thống như Nam Định, Đồng Tháp, Khánh Hòa… Nguồn lực đào tạo trẻ thiếu, không áp dụng công nghệ hiện đại, thiếu đội ngũ huấn luyện viên được nâng tầm thường xuyên… là những nguyên nhân cơ bản khiến cho các lò đào tạo mang tính địa phương, phong trào không thể bắt kịp xu thế phát triển mới lâu nay. Rất mừng là các lò Hà Nội FC, PVF, Viettel hay Học viện NutiFood…đang dần chiếm lĩnh vị thế, bên cạnh việc cố gắng giữ cho bằng được chất lượng cao của lò Sông Lam Nghệ An như từng biết.

Mới đây, câu chuyện của Câu lạc bộ Quảng Nam đứng trước nguy cơ giải thể, hay trước đó là tiếng chuông vang lên từ Bình Định, thậm chí chuyện ngân sách tỉnh liên quan đến đào tạo trẻ ở Sông Lam Nghệ An đang là những bài toán không dễ dàng cho nhiệm vụ đào tạo trẻ của bóng đá Việt. Nếu đào tạo trẻ, các tuyến trẻ trực thuộc các câu lạc bộ, là bộ phận không thể tách rời của câu lạc bộ thì yêu cầu xã hội hóa bóng đá sẽ không cho phép “ăn” nguồn ngân sách? Còn nếu đào tạo trẻ như là hoạt động của phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở, ở địa phương lại là câu chuyện khác, không thể có chuyện câu lạc bộ vừa sử dụng ngân sách để đào tạo trẻ lại vừa hoạt động chuyên nghiệp theo mô hình xã hội hóa? Biết đó, nhưng lâu nay không “giải” được nên mới có chuyện hết năm, hết tháng mà học viên không được lĩnh trợ cấp, lĩnh thưởng, dẫn đến ì xèo nọ kia rất đáng buồn?

Khi bóng đá chuyên nghiệp lên ngôi, những địa phương vốn có nền bóng đá bao cấp phát triển trước đó đều gặp khó khăn và nhanh chóng tan rã như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương trụ lại đều rất khổ sở như Nam Định, Nghệ An, tụt hạng dần như Đồng Tháp, Khánh Hòa… Hiện tại, sau một quãng dài mất sức chiến đấu, Hà Nội đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết với 3 đội bóng V-League hùng mạnh gồm Hà Nội FC, Viettel và Công an Hà Nội, với bộ khung của hầu hết các đội tuyển quốc gia, trong khi cầu thủ từ Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An chỉ còn lại vài cái tên không phải là xuất sắc nhất như đã nói ở đầu bài.

Ở đây, không có cơ chế riêng cho một ai cả mà vẫn là cơ chế phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Vậy tại sao có nơi làm tốt, sản sinh ra liên tiếp những nhân tài bóng đá như Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Hậu, Hoàng Đức, Văn Khang, Văn Trường, Văn Tùng… còn những nơi khác chỉ có thể có được những cầu thủ “thường thường bậc trung”, “đem cả thời thanh xuân để trụ hạng”, bóng đá chỉ là “chơi cho vui” mà thôi? Chơi cho vui thì làm sao đủ chuẩn để có mặt ở các cuộc đấu quốc tế, dù chỉ như SEA Games nhỉ?

Để rồi, sẽ đến lúc bóng đá không đi ra ngoài quy luật “nước chảy chỗ trũng”, từ đào tạo trẻ đến nhân tài bóng đá sẽ được quy tụ về những nơi tốt nhất để rèn luyện, trưởng thành và cống hiến. Những mầm non bóng đá sẽ được các lò đào tạo trứ danh để mắt đến từ lúc còn thơ bé, sẽ được đào tạo ở môi trường cạnh tranh nhất có thể và sẽ có cơ hội cao nhất để phát triển tài năng, mà không bị bó buộc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tất nhiên, sau những Văn Khang, Văn Trường hay Văn Bình mà chúng ta vừa chứng kiến họ được thi đấu “vượt cấp” nói trên sẽ là cơ hội của rất nhiều tài năng khác đang âm thầm lớn dậy ở đây đó, để được gọi tên, được chọn chính thức trong thành phần các đội tuyển thi đấu quốc gia và quốc tế. Khi và chỉ khi đó, bóng đá Việt mới tạo được sự cạnh tranh và phát triển, mới có hy vọng tiệm cận và ngang ngửa với các nền bóng đá phát triển nhất ở khu vực và châu lục trong một ngày không xa./.

Mới nhất
x
Vì sao lò giỏi thiếu vắng nhân tài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO