Vì sao người dân không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội?

Hoàng Dương 09/04/2018 06:30

Hiện nay, cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người dân muốn mua nhà ở xã hội đều không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Mặc dù quy định về lãi suất đã có nhưng thực tế nguồn tiền chưa có nên ngân hàng chưa thể cho vay.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.


Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Các đối tượng đáp ứng yêu cầu theo quy định được vay tối thiểu 15 năm, kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với mức lãi suất cho vay ưu đãi trong năm 2018 là 5%/năm (không thay đổi so với năm 2017).

Tuy nhiên thực tế, kể từ sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, doanh nghiệp và người dân chưa thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lý do là ngân hàng chưa có tiền giải ngân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Lê Việt (quê Thanh Hóa, đang làm việc tại Hà Nội) cho biết, anh đã phải vay tiền với lãi suất thương mại, khoảng 10%/năm để mua nhà ở xã hội vì không còn ngân hàng nào cho vay ưu đãi. Còn chị Thu Trang (quê Phú Thọ) cũng đang mòn mỏi chờ Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình cho vay ưu đãi.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kết thúc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kể từ ngày 31/12/2016. Từ đó đến nay, vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Chủ tịch HoREA cho biết: Vào giữa năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần vốn còn lại. Trong đó, cơ quan này đồng ý bổ sung 2.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

“Tuy nhiên đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội", ông Châu cho hay.

Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội nhưng các tổ chức tín dụng này vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chưa triển khai cho vay mua nhà ở xã hội.

Theo ông Châu, hiện nay, cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 do dự án chưa hoàn thành thì kể từ ngày 1/1/2017 trở đi đã không còn được tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Các đối tượng này lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.

Về phía chủ đầu tư thì có phần lạc quan hơn do họ có thể vay lãi suất vay thương mại và sau đó tính vào giá thành công trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do thiếu vốn nên chủ đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận.

HoREA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để phân bổ cho Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV triển khai thực hiện. Từ đó, có thể huy động thêm các nguồn vốn khác của các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội.

Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3 - 3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Theo Báo Tin tức
Copy Link
Mới nhất
x
Vì sao người dân không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO