Vì sao Nhật Bản "mạnh tay" chi tiêu quốc phòng khi kinh tế suy thoái?

15/01/2015 07:16

(Baonghean) - Không nằm ngoài dự kiến, chính phủ Nhật Bản vừa thông qua ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2015 lớn nhất từ trước đến nay với quy mô 42 tỷ USD. Như vậy, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa mới sẽ chiếm khoảng 5% ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh, kinh tế của Đất nước Mặt trời mọc rơi vào suy thoái với những chỉ số đáng lo ngại trong những tháng cuối năm 2014, việc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe “mạnh tay” chi cho quốc phòng được cho là một tính toán đầy chiến lược.

Với ngân sách 4.980 tỷ yên, tương đương 42 tỷ đô la Mỹ, ngân sách dành cho quốc phòng của Nhật Bản tài khóa 2015 sẽ tăng 2% so với tài khóa năm ngoái, là năm thứ ba tăng liên tiếp và là năm cao kỷ lục của nước này. Ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2015 dành sự ưu tiên cho hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Theo đó, ngân sách quốc phòng sẽ dành một phần lớn hơn cho hoạt động nhằm bảo vệ các đảo nhỏ, đẩy mạnh mua sắm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, xây dựng căn cứ quân sự và di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ tại Futenma.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng năm thứ 3 liên tiếp và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh AFP
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng năm thứ 3 liên tiếp và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh AFP

Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng đã được Chính phủ Nhật Bản “hé lộ” từ giữa năm ngoái. Tuy vậy, việc ngân sách quốc phòng được thông qua với con số cao nhất từ trước đến nay, giữa lúc nền kinh tế của đất nước Mặt Trời mọc đang ở ngưỡng suy thoái, mức nợ công của quốc gia này cũng cao nhất so với các nước công nghiệp phát triển khiến người ta không khỏi bất ngờ. Các số liệu được công bố hồi tháng 12/2014 cho thấy, GDP của Nhật Bản đã suy giảm 2 quý liên tiếp. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến Hạ viện Nhật Bản phải tổ chức cuộc bầu cử sớm.

Vì thế, lý giải về sự gia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đang đặt ưu tiên đặc biệt cho cải cách chính sách an ninh trong nước. Thực tế, mặc dù mấy năm gần đây, Thủ tướng Abe đã “mạnh tay” chi tiêu cho quốc phòng nhưng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hiện chỉ bằng khoảng 1/3 của Trung Quốc. Theo kế hoạch trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ chi thêm 24.700 tỷ yên (tức hơn 230 tỷ đô la Mỹ) cho mục đích quân sự. Cơ sở để thực hiện điều này là việc chính phủ của Thủ tướng Abe phải giải quyết những khó khăn về kinh tế, để có thể tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên mà không làm ảnh hưởng đến những chi tiêu phúc lợi cũng như thúc đẩy kinh tế chung. Hiện, Tokyo đang “tự tin” với những triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, khi dự đoán mức tăng trưởng có thể là 1,5%, đồng thời có thể giải quyết những khó khăn khác của nền kinh tế.

Có thể nói, kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đảo ngược xu hướng giảm của ngân sách quốc phòng Nhật Bản trong suốt 11 năm trước. Trong bối cảnh, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc quân sự và kinh tế của khu vực và tiến hành những động thái tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, chính phủ Nhật Bản cho rằng tăng ngân sách quốc phòng là điều cần thiết để “bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ Nhật Bản” cũng như vị thế của quốc gia này ở tầm khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, việc gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm và ở mức cao nhất như hiện nay được cho là một bước đi nhằm hiện thực hóa những thay đổi chiến lược về an ninh và quân sự của Tokyo dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Năm ngoái, nội các của Thủ tướng Abe đã thay đổi diễn giải hiến pháp hòa bình vốn được duy trì suốt gần 7 thập kỷ của Nhật Bản. Sự thay đổi này cho phép quân đội Nhật Bản được bảo vệ các nước đồng minh. Ngoài ra, dự kiến ngay trong tuần này, chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thông qua hiến chương mới về việc cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho nước ngoài. Nhật Bản bắt đầu cung cấp ODA cho các nước đang phát triển cách đây khoảng 60 năm và chưa bao giờ viện trợ cho mục đích quân sự.

Tuy nhiên, hiến chương mới sẽ dỡ bỏ lệnh cấm này với điều kiện ODA chỉ được dùng cho các hoạt động phi tác chiến như cứu trợ thiên tai và phát triển cơ sở hạ tầng. Giới phân tích cho rằng, những bước chuyển quan trọng về chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản đều hướng tới việc đưa Nhật Bản trở thành “nước lớn về quân sự”. Nhật Bản muốn chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”, từ “phòng thủ lãnh thổ” đến “can dự bên ngoài” từ phát triển công nghiệp quốc phòng đến xuất khẩu vũ khí… Để hiện thực những tham vọng trong chính sách an ninh quốc phòng, rõ ràng, việc tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là điều không quá khó hiểu. Điều này phù hợp với những tính toán chiến lược của Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh trong nước và tăng cường vị thế trong khu vực và quốc tế.

Thanh Huyền

Vì sao Nhật Bản "mạnh tay" chi tiêu quốc phòng khi kinh tế suy thoái?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO