Vì sao sức cạnh tranh yếu?

25/06/2013 14:38

(Baonghean) - Do cạnh tranh gay gắt về vùng nguyên liệu, để bán được nhiều chè với giá cao hơn lại không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật hái, nhiều người dân trồng chè đã thu hoạch “quá tay” đối với cây chè. Sau mỗi lần hái đau như vậy, cây chè phát triển chậm lại, thậm chí có những cây chè, luống chè chết nếu gặp nắng nóng và hạn nặng.

Đầu tư phát triển ngành chè công nghiệp Nghệ An là một chủ trương đúng đắn của tỉnh nhiều năm qua được thể hiện tại Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVI đã đề ra.

Từ đó đến nay, với sự cố gắng của cả ngành NN & PTNN, Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An nói riêng và cùng với sự hợp tác mạnh mẽ của chính quyền các địa phương nên đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có vùng chè nguyên liệu gần 8.000 ha, bao gồm 40 xã, 10 đơn vị, xí nghiệp trồng chè thuộc các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông. Trong số diện tích chè nói trên có 6.000 ha chè kinh doanh và hàng năm đã thu hái được từ 45 đến 50 ngàn tấn chè búp tươi, chế biến được khoảng 10 ngàn tấn chè các loại, xuất khẩu ra thị trường quốc tế mỗi năm 6 – 7 ngàn tấn, thu về trên 7 triệu USD cho tỉnh.

Diện tích chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có như vậy chưa phải là nhiều so với tiềm năng. Nghệ An có những vùng đất trồng chè tốt lên đến hàng chục ha, trải dài từ Thanh Chương lên tận Kỳ Sơn. Đây là vùng đất feralit đỏ vàng phù hợp với cây chè chất lượng cao. Nhưng tồn tại lớn nhất hiện nay đối với cây chè công nghiệp ở Nghệ An không phải là diện tích nhiều hay ít mà là chất lượng chè chưa cao. Vì vậy hiệu quả kinh tế của chè Nghệ An còn thua so với nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu, Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Chất lượng chè quyết định bởi các yếu tố như: Giống chè, đất trồng, chế độ đầu tư thâm canh, kỹ thuật thu hái, công nghệ chế biến. Trong đó, giống chè, đất trồng chè, kỹ thuật thu hái và công nghệ chế biến đóng vai trò quyết định đến chất lượng chè tốt hay xấu.



Vùng nguyên liệu chè của Xí nghiệp chè Hùng Sơn - Anh Sơn
Ảnh: Châu Lan

Giống chè hiện tại đã và đang trồng phổ biến là giống chè LDP1, LDP2, chiếm trên 90% tổng diện tích vùng chè nguyên liệu của tỉnh. Đây là giống chè có nguồn gốc từ Ấn Độ có năng suất cao, chất lượng tốt, chịu hạn khá, rất phù hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, đồng thời là giống chè sản xuất ra mặt hàng xuất khẩu của Công ty Chè.

Giống chè LDP1 và LDP2 luôn luôn cho năng suất cao hơn các giống chè cũ ở Nghệ An từ 10 – 15%. Sau 2 năm trồng đã cho thu hoạch, sau 6 -7 năm trồng có thể cho năng suất chè lên đến 21 - 22 tấn búp tươi/ha.

Về đất trồng chè thì có thể nói vùng đất hiện nay đang trồng chè công nghiệp ở Nghệ An là đất đồi vệ kéo dài từ Thanh Chương lên đến tận Kỳ Sơn. Đất này thuộc loại đất feralit đỏ vàng giàu alumin, rất thích hợp cho cây chè phát triển cả về năng suất và chất lượng. Chè Gay nổi tiếng thơm, ngon có tiếng khắp mọi miền cũng nhờ được trồng trên loại đất này.

Về kỹ thuật thu hái theo quy trình của ngành chè qui định, muốn đảm bảo chất lượng chè thơm ngon thì chỉ được phép hái 1 tôm 2 lá (1 đọt chè kèm theo 2 lá kề cận nhau phía dưới đọt chè). Ngày xưa hái chè bằng tay. Còn ngày nay hái chè bằng máy vừa nhanh, vừa khỏe vừa giảm được nhiều công lao động trong khâu thu hái.

Theo anh Đinh Văn Hiệp - Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật nông nghiệp thuộc Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An thì năng suất hái chè bằng máy đạt từ 8.000 - 10.000kg chè búp tươi/1 ngày công, tăng gấp 16 - 20 lần so với hái thủ công bằng tay.

Cũng theo anh Đinh Văn Hiệp và giám đốc các xí nghiệp chè ở vùng Thanh Chương, Anh Sơn thì hái chè bằng máy là tốt, là một tiến bộ kỹ thuật cần được áp dụng rộng rãi trên tất cả vùng trồng chè nguyên liệu hiện nay ở tỉnh ta, nếu hái đúng quy trình kỹ thuật.

Về công nghệ chế biến chè hiện nay của ngành chè có thể nói là khá hiện đại kể từ khi đầu tư nhiều tỷ đồng vào việc mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới đáp ứng yêu cầu chè cao cấp xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đó là các loại chè đen CTC, bao gồm các chủng loại: BOP, BP1, BF1, PB. Chè đen Otherdox, bao gồm các chủng loại: OP, FBOP, PPS, BSP, DUST. Chè xanh có các chủng loại: GrateA, GrateB, GrateB2, Grate Broken và Grate Dust.

Tất cả những sản phẩm chè nói trên đã được Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An xuất đi các thị trường như: Anh, Đức, Nga, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Pakistan…

Bình quân mỗi năm xuất khẩu được trên 6.000 tấn chè các loại, thu về trên 7 triệu USD. Với khối lượng chè xuất khẩu như vậy lẽ ra phải thu về số tiền nhiều hơn từ 10 – 12% giá trị nói trên. Nhưng tất cả cũng chỉ vì chất lượng chè Nghệ An so với các công ty khác, chè cùng loại nhưng chất lượng của họ cao hơn thì được bạn hàng chấp nhận với giá cao hơn. Vấn đề là tại sao chè công nghiệp Nghệ An chất lượng lại kém? Như trên đã nói, chủ yếu do kỹ thuật thu hái không đảm bảo. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến kỹ thuật thu hái không đảm bảo theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành chè?

Sản phẩm của vùng nguyên liệu chè hiện nay đang bị chia năm, sẻ bảy, tranh giành nhau trong mua bán. Trên vùng nguyên liệu chè từ Thanh Chương đến Con Cuông có tới 63 cơ sở tư nhân mua và thu gom chế biến chè thủ công với công suất từ 5 - 10 tấn/ ngày, phần lớn tập trung nhiều ở huyện Thanh Chương chiếm 50/63 cơ sở. Sản phẩm chè do các cơ sở này chế biến ra ở dạng chè sơ chế để bán lại cho các nhà máy khác trong nước chế biến lại và bán lại cho một số tư thương để bán sang Trung Quốc.

Ngoài 63 cơ sở tư nhân ra, ở Thanh Chương còn có 3 công ty TNHH mua và chế biến chè với công suất khá lớn, đó là: Công ty TNHH Cường Thịnh đóng trên địa bàn xã Thanh Mai, Công ty TNHH Rồng Vàng đóng trên địa bàn xã Thanh Đức và Công ty TNHH Trường Thịnh đóng trên địa bàn xã Thanh Thịnh. Cả 3 công ty này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép hoạt động kinh doanh. Tất cả các công ty đều có trang bị máy chế biến chè xanh, chè CTC với công suất 12 tấn/ngày. Riêng huyện Anh Sơn có thêm một vùng chè mới phát triển gần 500 ha ở xã Hùng Sơn do Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An phối hợp UBND huyện Anh Sơn, UBND xã Hùng Sơn cùng đầu tư xây dựng vùng chè này.

Ngay trên mảnh đất này xuất hiện Xí nghiệp chế biến chè Đồng Lam do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép hoạt động kinh doanh và xí nghiệp này có máy chế biến chè công suất 12 – 18 tấn/ngày. Ngoài Xí nghiệp Đồng Lam ra còn có cơ sở chế biến chè tư nhân Nguyễn Trọng Hùng do UBND huyện Anh Sơn cấp giấy phép hoạt động.

Như vậy, vùng nguyên liệu chè công nghiệp hiện nay ở Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông đang có sự tranh giành nhau mua bán nguyên liệu chè để phục vụ cho các nhà máy chế biến chè của nhiều công ty và các sở chế biến chè thủ công của hơn 60 cá nhân thường xuyên hoạt động.

Không những thế, giá chè của các Công ty Trường Thịnh, Cường Thịnh, Rồng Vàng và hàng chục cơ sở chế biến chè tư nhân bao giờ cũng mua cao hơn từ 2 đến 3 giá so với giá thu mua của Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An. Để bán được nhiều chè với giá cao hơn lại không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật hái, nhiều người trồng chè đã thu hoạch “quá tay” bất chấp kỹ thuật hái, miễn là có nhiều chè để bán… dẫn đến chất lượng sản phẩm chè không cạnh tranh được, chỉ làm nguyên liệu thô cho các công ty khác chế biến lại.


Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Vì sao sức cạnh tranh yếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO