Vì thế hệ tương lai

12/12/2011 19:02

Theo Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp cấp tiểu học, THCS huyện Yên Thành từ năm 2009 đến 2015, năm học 2010 -2011 sẽ sáp nhập Trường THCS Thị trấn và Trường THCS Hoa Thành thành Trường THCS Phan Đăng Lưu đặt tại thị trấn. Thực hiện lộ trình sáp nhập trên, đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

(Baonghean) - Theo Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp cấp tiểu học, THCS huyện Yên Thành từ năm 2009 đến 2015, năm học 2010 -2011 sẽ sáp nhập Trường THCS Thị trấn và Trường THCS Hoa Thành thành Trường THCS Phan Đăng Lưu đặt tại thị trấn. Thực hiện lộ trình sáp nhập trên, đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Bài 1: Ngôi trường có bề dày truyền thống

Trường THCS Hoa Thành là ngôi trường cấp 2 đầu tiên của huyện Yên Thành được xây dựng từ năm 1947 trên mảnh đất hiếu học Tràng Thành xưa - Hoa Thành nay.

Tràng Thành xưa có nhiều vị đậu đại khoa, cử nhân, tú tài. Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội còn khắc ghi 2 vị đậu thám hoa Phan Duy Thực, Phan Tất Thông... Hiếu học, học giỏi là vậy, nhưng trước Cách mạng tháng 8/1945, cả huyện Yên Thành hơn 6 vạn dân chỉ có 1 trường tiểu học toàn cấp đặt ở huyện lỵ Yên Thành. Con em Yên Thành nói chung, Tràng Thành nói riêng muốn học lên cao phải vào Vinh theo học. Năm học 1947 -1948, Trường trung học bán công Lê Doãn Nhã ra đời ngay trên chính mảnh đất Tràng Thành lấy đình Bảo Lâm, nhà Thánh - Đền Cả làm lớp học, ông Phan Lô cựu đốc học làm hiệu trưởng. Năm 1950, thực hiện chương trình giáo dục mới, hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm, Trường bán công Lê Doãn Nhã trở thành Trường PT cấp 2 Yên Thành. Sau đó, nhiều trường cấp 2 liên xã được thành lập, Trường cấp 2 Yên Thành chuyển thành Trường cấp 2 Hoa Thành nhưng luôn giữ vững là trường trung tâm chất lượng, có đội ngũ giáo viên mạnh, đầy đủ các bộ môn, có uy tín và chất lượng trong vùng.

Năm 1961, trường mở rộng thêm hệ thống cấp 3 thành Trường cấp 2 - 3 Yên Thành. Ngoài số lớp cấp 2 có thêm 3 lớp cấp 3 - đây chính là những lớp cấp 3 đầu tiên của huyện Yên Thành. Đến niên khoá 1962-1963, Trường cấp 2-3 Yên Thành được tách ra thành Trường cấp 3 Yên Thành nay là Trường THPT Phan Đăng Lưu. Còn Trường cấp 2 Yên Thành trở thành Trường PT cấp 2 Hoa Thành, rồi Trường THCS Hoa Thành cho đến nay.



Trường THCS Phan Đăng Lưu đang được xây mới.

Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ Trường bán công Lê Doãn Nhã cho đến THCS Hoa Thành đều đóng trên đất Tràng Thành - Hoa Thành. Trường cấp 2 Hoa Thành không chỉ thu hút con em trong huyện theo học mà các huyện phụ cận như Diễn Châu, Quỳnh Lưu cũng có phụ huynh gửi con học tại trường. Nhiều học trò ở xa phải ở lại trọ học trong nhà dân. Thời đó, bà con nông dân Hoa Thành đã góp phần cưu mang bao thế hệ con em Yên Thành về đây trọ học.

Để ghi nhận thành tích của Trường THCS Hoa Thành, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đặc biệt, hiện Trường THCS Hoa Thành vẫn còn tồn tại 4 phòng học 2 tầng được xây dựng từ những năm cuối thập niên 70 theo lối kiến trúc Pháp. Anh Phan Thế Hải, cựu học sinh của Trường THCS Hoa Thành tự hào: "Được học trong những lớp học to đẹp, lợp ngói Tây, có cửa Pano, cửa chớp hai lớp, có kính xây dựng theo lối kiến trúc Pháp thật oách." Còn đối với người dân Hoa Thành thì ngôi trường trở thành biểu tượng cho truyền thống khoa bảng của mảnh đất này.

Ông Phan Đăng Chuẩn, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hoa Thành cho biết: "Là người con Hoa Thành, chúng tôi tự hào về ngôi trường có bề dày truyền thống này. Đây là trường cấp 2 đầu tiên của huyện Yên Thành, là tiền thân của Trường THPT Phan Đăng Lưu ngày nay. Bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ mái trường này. Những người già như chúng tôi, Trường THCS Hoa Thành đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu..."

Song với quy mô 7 lớp học với 194 học sinh, bình quân chưa đầy 28 em/lớp như hiện nay, Trường THCS Hoa Thành gặp rất nhiều khó khăn: giáo viên phải dạy chéo môn, tổ chuyên môn chỉ là tổ ghép; không khí học tập rời rạc; cơ sở vật chất không được đầu tư. Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường THCS Hoa Thành đang đứng trước nhiều khó khăn bởi số lượng học sinh giảm mạnh. Theo quy định, biên chế giáo viên dựa vào số lớp, nên hiện trường có 15 giáo viên dạy học ở 12 bộ môn cơ bản, trong đó giáo viên các bộ môn Văn, Toán tối thiểu có 3 người, còn một số bộ môn như: Giáo dục công dân; Kỹ thuật... không có giáo viên chuyên trách mà phải bố trí dạy chéo môn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy, đó là chưa kể đến chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém. Ngoài ra, nguồn thu của trường phụ thuộc vào tiền thu học phí và huy động từ sự ủng hộ của phụ huynh; học sinh ít, số học sinh thuộc gia đình nghèo và cận nghèo chiếm gần 50% nên việc đóng góp không được bao nhiêu. Theo tính toán, nguồn thu từ tiền học phí của trường năm nay ước đạt khoảng 15 triệu đồng (sau khi đã nộp ngân sách 40%), cộng với ngân sách trên cấp thì trường có khoảng 30 triệu đồng để trang trải cho mọi hoạt động: điện nước, trang thiết bị dạy học, chi thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi... Tính ra, mỗi tháng nhà trường chỉ được phép chi tiêu trong khoảng 2,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, học sinh ít, giáo viên ít nên không tạo được môi trường hoạt động sôi động, không tạo được cơ hội cho giáo viên, học sinh thi đua dạy và học...". Và thực tế, năm học 2008-2009, trường có 1 học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi huyện đạt 27,4%; học sinh giỏi giỏi toàn diện đạt 8% và học sinh tiên tiến đạt 35% thì đến năm học 2010-2011, trường không có học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi huyện giảm xuống còn 8,8%, học sinh giỏi toàn diện còn 7,8%. Từ những con số đó để thấy, quy mô trường lớp quá nhỏ đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của trường.


Duy Nam - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Vì thế hệ tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO