Vi vu sáo diều…

15/10/2014 15:16

(Baonghean) - "Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng" - với mỗi người, con diều gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với ký ức quê hương, là “sợi dây” gắn kết với đất trời, thiên nhiên. Niềm đam mê sáo diều, thú chơi sáo diều ấy đã tạo nên vẻ đẹp bình dị mà thanh cao của những vùng quê…

Nghệ nhân diều sáo

Mỗi chiều đến, tại xóm 5, xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, trên triền đê, lũ trẻ con chân trần lại chạy theo cánh diều chao liệng trên khoảng trời trong xanh và những tiếng cười giòn tan trong gió. Những cánh diều sáo căng gió ấy được làm từ đôi tay khéo léo của các cụ trong CLB Diều Lạc Sơn.

Đã mấy chục năm làm diều sáo, từng công đoạn như đã ngấm vào người nghệ nhân Đinh Xuân Quảng, CLB Diều Lạc Sơn. Vừa mân mê từng dàn sáo được khắc gọt tỉ mỉ, cụ vừa giảng giải: "Làm diều thì dễ, nhưng để làm diều sáo thì phải học hỏi và dành thời gian, tâm huyết với nó. Diều sáo gồm nhiều ống sáo kết hợp lại. Có rất nhiều tên gọi riêng cho từng ống sáo. Ví dụ trong dàn sáo 5 ống thì 2 ống nhỏ nhất thường được gọi là sáo chim, sáo con... tiếng kêu nhẹ, đôi khi rít lên như tiếng còi. 2 ống vừa vừa gọi là sáo đẩu, sáo mẹ... âm thanh vừa trầm vừa bổng, rất mượt mà như lời ca, tiếng hát. Ống sáo to nhất tên là sáo cồng hay sáo cha ... âm thanh rền vang như tiếng cồng. Khi bay lên bầu trời, thanh âm của các loại sáo kết hợp lại với nhau tạo nên một âm hưởng vô cùng da diết”. Chỉ vào bộ sưu tập của mình, cụ Quảng chia sẻ: “Dù giống nhau về số cây sáo, cùng một cây tre và cùng một bàn tay làm ra, nhưng mỗi bộ lại có một âm thanh riêng biệt. Cũng giống như chim, dù cho chúng cùng một loài, nhưng lại có tiếng hót khác nhau".

Cụ Đinh Xuân Quảng làm diều sáo.
Cụ Đinh Xuân Quảng làm diều sáo.

... Ngược thời gian, thì cánh diều đã gắn bó từ tuổi thơ đến khi trưởng thành với chàng trai Đinh Xuân Quảng. Năm 1960, theo tiếng gọi đất nước, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 531, 473 tại chiến trường miền Nam. Ra quân, trở về quê, Đinh Xuân Quảng được tín nhiệm bầu vào cấp ủy xóm, từng giữ chức vụ Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Lạc Sơn, Hội trưởng Hội Người cao tuổi, Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh xã...

Cùng với công tác xã hội, niềm đam mê sáo diều vẫn theo cụ từ tuổi bé thơ đến khi xế chiều. Để hoàn thiện kỹ thuật làm diều sáo, cụ Quảng đã nhờ con, cháu mỗi khi có dịp đến các làng diều nổi tiếng như Đại Trà (Kiến Thụy, Hải Phòng), Bá Dương (Hà Nội)... thì mua diều về cho cụ. Về nhà, cụ tỉ mỉ tháo diều ra để xem công đoạn và học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó, diều sáo cụ làm ngày càng được cải tiến và nổi tiếng trong vùng. Với niềm đam mê diều sáo và mong nuốm truyền dạy cho con cháu, cụ đã đề nghị những người bạn đồng niên thành lập CLB Diều Lạc Sơn. Đến nay, CLB có 8 thành viên chính và nhiều thành viên có đam mê thả diều gia nhập.

Nói về niềm đam mê từ bé, cụ Quảng nhớ lại: Ở quê tôi, sau mỗi độ thu hoạch lúa là đến mùa thả diều của trẻ con trong xóm. Những cánh đồng sau mùa gặt là nơi thả diều lý tưởng. Chúng tôi mê thả diều đến tối mịt, đợi đến khi bố mẹ ra gọi thì mới chịu về. Rặng tre, bờ ruộng thường là nơi chúng tôi tụ tập để làm diều. Tre thì có sẵn, chỉ việc lựa cành dẻo, vót rồi đem phơi nắng. Giấy dán cũng không phải mua mà tận dụng những tấm bìa cũ. Ngày đó, không có keo để dán phải lấy cơm ngâm vào nước cho nhão ra rồi quét thành hồ dán. Làm diều phải tỉ mỉ là vậy, nhưng thả diều còn đòi hỏi cả “nghệ thuật”. Có những con diều trông rất to, rất đẹp, nhưng lại bay không cao bằng những con diều bé. Vì vậy, muốn diều bay cao, người thả phải “chạy mồi” một quãng. Khi diều bay lên không trung, phải nới dây từ từ, cho đến khi diều ở lưng chừng mới cố định dây lại. Hồi đó, chúng tôi thường hay tụ tập với nhau để thi thả diều. Con diều nào bay cao nhất, chủ nhân của nó sẽ được tôn làm “thủ lĩnh”. Cụ cho biết: Tiếng sáo là những khúc nhạc và cũng để dự báo thời tiết. Bởi tiếng sáo thay đổi theo mùa, nhiệt độ và các loại gió. Căn cứ vào tiếng sáo, người nghe có thể biết được thời tiết trong thời gian tới sẽ như thế nào, nghề nông cũng vì thế mà thuận lợi hơn.

Giữ lại giai điệu đồng quê

Ở Lạc Sơn, nhiều người chơi diều, nhưng chỉ có các cụ Đinh Xuân Quảng, cụ Đinh Tân Phát, cụ Lê Trí Ti, cụ Hoàng Văn Hoa có thể làm được diều sáo. Sáo có đủ 9 loại sáo theo bộ là: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dí và dị. Người chơi diều phải biết nghe tiếng sáo kêu như thế nào, tuỳ theo âm sắc. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần, để làm được chiếc sáo diều như ý, người làm diều phải bỏ nhiều thời gian và công sức. Để nghe được tiếng sáo chuẩn, người chơi diều ngoài sự am hiểu về âm luật, cần phải có đôi tai thính và tâm hồn “thanh tịnh” để cảm nhận tiếng sáo. Nghe tiếng sáo diều không chỉ bằng tai, mà bằng cả trái tim và sự đam mê.

Ông Trần Doãn Tám - công chức văn hóa xã Lạc Sơn, cho biết: CLB diều sáo của cụ Trần Xuân Quảng hoạt động tích cực, thúc đẩy văn hóa tinh thần, góp phần gìn giữ gìn nét đẹp truyền thống quê hương. Trong Lễ hội sông nước Cửa Lò năm 2007, những chiếc diều căng gió của CLB diều sáo của cụ Quảng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Hàng năm, CLB Diều sáo Lạc Sơn đại diện cho huyện tham gia giao lưu thả diều với các địa phương trên địa bàn tỉnh. Có “thâm niên” nhiều năm chơi diều, cụ Quảng luôn trăn trở làm thế nào để đưa sáo diều được lưu truyền cho con cháu đời sau. Tuy nhiên, do làm diều sáo lắm công phu và mất nhiều thời gian, con em của làng đi làm ăn xa, lứa trẻ nhỏ bận đi học nên không có điều kiện và mặn mà với việc làm diều sáo.

Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và niềm đam mê mà trò chơi diều sáo ở Lạc Sơn không bị mai một, tuy nhiên, để bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống là điều đáng phải lo ngại. Bây giờ, trẻ con, dù ở nông thôn hay thành thị cũng không phải vất vả làm diều như chúng tôi ngày xưa, vì ở chợ người ta bán diều đã được làm sẵn. Những con diều này đẹp, to hơn, nhiều màu sắc và cũng đa dạng hơn về hình dáng. Không gian thả diều cũng không còn được rộng rãi, thoáng đãng như trước, bởi những cánh đồng giờ đã biến thành khu dân cư đông đúc...

Phạm Ngân

Mới nhất

x
Vi vu sáo diều…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO