Việc của mỗi nhà

01/03/2015 08:29

(Baonghean) - Mới Tết xong mà dư luận khắp nơi bàn tán xôn xao về chuyện dạo này dân ta “máu cà cưởng” lên cao quá. Hễ động một tí là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau bất kể giao thừa, Tết nhất. Nhẹ thì đi viện, nặng thì lên... đài hóa thân hoàn vũ!

Bàn tán chán rồi quay sang hỏi nhau nguyên nhân do đâu. Và như bất cứ chuyện chẳng hay ho nào, cũng cần phải có một nguyên nhân nào đó. Nhất là cái loại nguyên nhân không làm tổn hại đến cá nhân hay tổ chức nào cả. Và thế là, người ta đồng thanh đổ lỗi cho tại nghỉ Tết dài quá “nhàn cư vi bất thiện”, bia, rượu nhiều quá nên khí huyết nhộn nhạo dễ bị kích động mới sinh ra thế. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng không phải là tất cả. Đơn cử như chuyện xảy ra ở huyện nọ trưa mồng 2 Tết. Sau một cú va chạm xe máy khi đi đường, cả hai bên phải nhập viện. Trước khi được cáng đi, một bên còn kịp gọi điện cho đám thanh niên là con cháu mình ở cùng xã tới hòng đánh người đâm xe. Trong cơn hùng hổ, mất hết lý trí, nhóm người này đã hành hung nhầm người đi đường. Đã thế, khi công an địa phương có mặt can ngăn nhưng đang hăng máu, các đối tượng trên còn đánh cả công an rồi lên xe máy tẩu thoát...

Dĩ nhiên, hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác chắc chắn sẽ bị nghiêm trị. Điều đáng kinh hãi ở đây là chỉ vì một va chạm ngoài ý muốn và cả hai bên trước đó không hề quen biết, không hề có thù oán gì với nhau mà người ta sẵn sàng huy động cả họ ra để choảng nhau cho bõ tức. Vì sao lại thế? Rõ ràng đây không phải là do bia, rượu mà là do thiếu hiểu biết dẫn đến coi thường luật pháp. Mà cũng có thể là do cái thói “gà cậy gần chuồng” nên hễ có chuyện gì xảy ra trên đất mình là hùng hùng, hổ hổ xua cả nhà ra sấn sổ lấy thịt đè người thỏa máu yêng hùng, xả sự hung hãn. Nghe nói, cặp vợ chồng bị tai nạn gọi đám con cháu đến hành hung đã đứng tuổi. Thế nghĩa là không thể đổ lỗi cho tuổi trẻ nông nổi, bồng bột nên hành động thiếu suy nghĩ mà cái chính là người lớn không gương mẫu, thiếu ý thức.

Từ đây mới thấy, bạo lực bùng phát không chỉ là do môi trường xã hội mà còn do môi trường gia đình, dòng tộc. Vì thế, để khắc chế bạo lực cần phải lấy gia đình làm nền tảng, làm gốc rễ cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ cần phải xây dựng môi trường sống, bầu không khí tâm lý tích cực, lành mạnh. Sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với những người chung quanh và biết thương yêu, đùm bọc, quý trọng nhau. Dĩ hòa vi quý, lấy hòa hiếu làm đầu. Đây là việc phải làm của mỗi nhà, trong mỗi nhà, không được phó mặc cho xã hội. Có thế, mới làm thay đổi được tình hình.

Tri Kỷ

Việc của mỗi nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO