Việc làm bình dị của một phó bí thư xã
(Baonghean) - Với nước da ngăm đen, bộ quần áo bình dị, lần đầu gặp, tôi cứ đinh ninh anh là một “lão nông” đích thực, ấy vậy mà tôi đã nhầm. Anh là Nguyễn Văn Lưu- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).
Anh Lưu thổ lộ: “Mình làm cán bộ xã, nhưng hết giờ hành chính lại là một lão nông thực thụ. Hiện tại mình đang nhận gần 2 ha đất cao cưỡng để cải tạo trồng lúa, cách đây không lâu, mình còn nhận thu gom rác thải tại khu dân cư”.
Anh Lưu xắn quần dẫn tôi ra đồng, đến với những đám ruộng của chính anh ra sức đầu tư mà có. Anh Lưu tâm sự: Đây là vùng đồng Trấm, trước đây thuộc đất cao cưỡng, một số người dân trong xã từng nhận để trồng lúa, nhưng sau một thời gian không hiệu quả đều trả lại cho xã do ruộng manh mún, không có nước tưới. Thấy đồng đất bị bỏ hoang lâu ngày, năm 2010, anh đề xuất nhận khoán với xã để cải tạo thành những đám ruộng cấy lúa. Được xã nhất trí, anh về bàn với vợ, nhưng vợ anh một mực phản đối, vì nhiều lẽ: Thứ nhất, 2 đứa con đang đi học, vợ mở hàng ăn ở TP Vinh, một mình anh không thể làm được. Thứ 2, vùng đất đó xưa nay chưa có ai sản xuất được lúa. Mặc dù vợ con không đồng tình, nhưng anh vẫn quyết tâm làm.
Trước hết, anh quy hoạch thành từng khu, thuê người đào đắp bờ vùng, bờ thửa, nạo vét mương, xây dựng một cái phai chắn nước để chủ động nước tưới. Toàn bộ 3,7 mẫu đất cao cưỡng, chỉ sau một thời gian đã được quy hoạch thành 7 đám ruộng phẳng phiu, cấy mỗi năm 2 vụ lúa thuận lợi, tính ra hết 30 triệu đồng tiền thuê nhân công đào đắp. Tiếp đó, anh đầu tư 80 triệu đồng mua máy cày, máy gặt, máy phun thuốc động cơ, để phục vụ sản xuất. Đến thời vụ, anh tự tay lái máy cày làm đất, thuê người cấy, toàn bộ công chăm sóc, tự anh đảm nhiệm. Một năm 2 vụ lúa, được chăm sóc hợp lý, đầy đủ nước tưới, nên vùng đồng Trấm vụ nào cũng có mùa vàng bội thu. Vụ đông xuân thường thu hoạch được 8 – 9 tấn lúa, vụ hè thu được chừng 5 tấn lúa. Mặc dù năng suất chưa cao như những vùng đất thuận lợi, nhưng với vùng đất cao cưỡng như vậy đã là một thành công. Theo tính toán, mỗi năm thu hoạch 13 tấn lúa, trừ mọi chi phí, từ thuê nhân công đến đầu tư phân bón, giống… hết 35 triệu đồng, tương đương 6 tấn lúa, số còn lại là lãi. Anh Lưu bộc bạch: “Mình làm là để cho bà con thấy tính hiệu quả từ sự đầu tư của con người “có sức người sỏi đá cũng thành cơm””.
Anh Lưu (ngoài cùng, phải sang) cùng bà con Hưng Châu ra quân thu gom rác thải trên địa bàn. |
Là một cán bộ địa phương không ngại khó khăn, vất vả, sẵn có phương tiện nông nghiệp trong nhà, đầu năm 2013, anh Lưu còn nhận một công việc nặng nhọc nữa là làm thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Hưng Châu là xã trung tâm các xã nằm phía đông nam huyện Hưng Nguyên, có 4 trường học và nhiều cơ quan đóng trên địa bàn và đặc biệt có chợ Mí - nơi giao lưu buôn bán trong vùng. Từ năm 2012 về trước, trên địa bàn xã Hưng Châu, người dân vứt rác thải khắp nơi, từ khu vực trung tâm, đến các tuyến đường du lịch sinh thái ven sông Lam, Tỉnh lộ 558, dọc đê 42, hay các bờ sông, bờ kênh, thậm chí là cả trên mặt sân vận động của xã.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và mỹ quan làng xóm, đầu năm 2013, Đảng ủy, chính quyền xã Hưng Châu triển khai xây dựng đề án thu gom rác thải. Bước đầu, việc triển khai thực hiện đề án gặp không ít khó khăn, đó là việc ý thức của nhân dân vẫn còn xem nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường, đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa có kinh nghiệm xây dựng và triển khai đề án. Để kiên quyết chỉ đạo, đồng thời từng bước làm cho người dân hiểu được tầm quan trọng của vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, anh Lưu tình nguyện đứng ra thành lập một tổ thu gom rác và làm điểm trong 3 tháng. Với phương pháp xã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Thành phố Vinh mỗi tháng về thu gom 2 lần, khi sắp đến ngày thu gom, anh dùng phương tiện tự chế của gia đình mình là máy cày đa chức năng làm đầu kéo để cùng với các thành viên trong tổ thu gom rác đến tận từng hộ dân về bãi trung chuyển của xã. Với cách làm này, rác thải tồn đọng ở các khu vực trước đây và rác thải hàng ngày trong nhân dân đã được thu gom về một đầu mối.
Anh Nguyễn Văn Lưu vui vẻ nói: “Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh là của toàn xã hội. Để nâng cao nhận thức cho bà con, với trách nhiệm là một người cán bộ, tôi đứng ra làm tổ trưởng tổ thu gom rác của xã trong 3 tháng đầu, ngoài ra còn sử dụng phương tiện của mình để vận chuyển rác ra bãi tập kết mà không lấy kinh phí của xã và của nhân dân. Vừa bằng hành động vừa kiên trì tuyên truyền để bà con thấy được tác dụng của việc thu gom rác thải, từ đó thay đổi nhận thức để cùng bảo vệ môi trường”.
Nhờ sự xông xáo, quyết tâm của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã mà phong trào thu gom rác thải trên địa bàn xã Hưng Châu được các tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực. Đi đầu trong phong trào này là Hội Phụ nữ xã, hội đã huy động chị em tham gia làm vệ sinh môi trường, thu gom rác tại các khu vực công cộng của xã, của các xóm về bãi trung chuyển. Đồng thời hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em hội viên và gia đình hàng ngày thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt để đến ngày quy định mới đưa ra trước ngõ để xe của tổ thu gom đến tận từng hộ chuyển về nơi tập kết. Từ tháng 3 đến tháng 6/2013, Hưng Châu đã vận chuyển được hơn 200m3 rác thải sinh hoạt trên địa bàn về bãi tập kết của tỉnh, trong đó trên 150m3 là rác tồn đọng từ nhiều năm nay. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm ở Hưng Châu phong quang sạch đẹp, người dân đã có ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường.
Với những việc làm sáng tạo, bằng cả lời nói và việc làm, tạo sự chuyển biến các phong trào ở địa phương, vừa qua Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Văn Lưu được Huyện ủy Hưng Nguyên tôn vinh là điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bài, ảnh: Xuân Hoàng