Viêm não ở trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp

13/08/2012 19:52

Theo báo cáo của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Nghệ An) cho biết: từ đầu năm tới nay đã có 35  trẻ bị viêm não nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, co giật.  Hầu hết bệnh nhi đều ở các vùng miền núi, điều kiện gia đình khó khăn và chưa được tiêm phòng.

(Baonghean.vn) - Theo báo cáo của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Nghệ An) cho biết: từ đầu năm tới nay đã có 35 trẻ bị viêm não nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, co giật. Hầu hết bệnh nhi đều ở các vùng miền núi, điều kiện gia đình khó khăn và chưa được tiêm phòng.

Mới 8 tháng tuổi, cháu Nguyễn Sĩ Nhân, xã Lạng Sơn, Anh Sơn đã phải nằm viện hơn một tuần vì viêm não. Nếu gia đình đưa cháu đến bệnh viện chậm một chút nữa thôi, thì không biết hậu quả như thế nào.

Chị Nguyễn Thị Tám (SN1981) mẹ cháu Nhân kể lại: “Cách đây khoảng hơn một tuần, gia đình thấy cháu bỏ ăn, hay khóc và sốt cao, tưởng chỉ bị cảm cúm thông thường, ai ngờ cháu lên cơn co giật, tôi hốt hoảng đưa con đến trạm y tế xã, các bác sĩ vội chuyển ngay lên tuyến huyện, sau khi nằm ở bệnh viên Đa khoa Anh Sơn một ngày, tình trạng bệnh của cháu vẫn không giảm bớt, các bác sĩ ở đó đã đưa con tôi đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh”.



Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Nghệ An

Khi được đưa tới Bệnh viện nhi Nghệ An, cháu Nhân sốt cao, da xanh tái, co giật liên tục, rất may nhờ được cấp cứu kịp thời, nên cháu đã qua cơn nguy hiểm. Sau 3 ngày liên tục chuyền, tiêm thuốc, cháu Nhân đã hạ sốt. Đến giờ, tình trạng của Nhân đã ổn định, tỉnh táo và chơi với mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi và điều trị.

Cũng bị viêm não, cháu Lương Văn Luật (12 tuổi) xã Châu Thành, Quỳ Hợp nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, sốt, đau đầu, cứng gáy, co giật, nôn và hôn mê. Trước đó cháu chỉ bị sốt nhẹ, nhưng 4 ngày liên tục không hề thuyên giảm mà càng sốt cao hơn, rồi co giật, gia đình mới đưa cháu tới trạm y tế xã rồi chuyển lên bệnh viện huyện Quỳ Hợp. Nằm tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Hợp, tình trạng cháu vẫn sốt cao, dẫn tới hôn mê không tỉnh. Thấy tình trạng cháu quá nặng, bệnh viện huyện đã lập tức cho chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh.

Sau khi nhập viện, cháu đã nhanh chóng được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành tiêm thuốc, đồng thời hướng dẫn cho gia đình cần có phương pháp chăm sóc để có kết quả tốt. Sau 2 ngày tích cực cấp cứu cháu đã tỉnh lại. Đến ngày 9/8 Luật đã có thể đi lại, nói chuyện với bố mẹ.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Nghệ An đang có 3 trường hợp điều trị viêm não. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn- Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi) cho biết: “Từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận 35 cháu bị viêm não, tuy số lượng chỉ cao hơn năm ngoái một chút, nhưng tình trạng bệnh nặng hơn, nguy hiểm hơn và phức tạp hơn. Hiện đã có 2 trường hợp tử vong. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều là người ở vùng miền núi, vùng sâu xa điều kiện kinh tế khó khăn như: Kỳ Sơn, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương, Quỳnh Châu, Quỳ Hợp… và chưa được tiêm phòng viêm não Nhật Bản.”

Bệnh não Nhật Bản là bệnh viêm màng não cấp tính. Phần lớn bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 1-15, thời gian ủ bệnh từ 5 -15 ngày. Khoảng thời gian từ 1 đến 6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Tiếp đó trẻ đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu co giật, thậm chí trẻ có những rối loạn ý thức, hôn mê, giọng nói khàn, lè nhè, khó nói… Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng có thể để lại di chứng như: động kinh, la hét, giảm khả năng vận động…

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, đây là căn bệnh nhiễm trùng thần kinh, lan truyền từ súc vật như lợn, chim mang virus lây sang người thông qua các loại côn trùng tiếp xúc với trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi. Thời gian này có nhiều bệnh nhân vùng núi, nông thôn mắc bệnh, vì vậy, nguy cơ rất cao có thể bị lây nhiễm từ lợn, bệnh viện đang điều tra xem đây có phải là một nguyên nhân hay không.

Theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sơn, (Chủ nhiệm khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Nghệ An): tất cả các trẻ cần phải được tiêm phòng đầy đủ, đó là biện pháp tối ưu nhất để phòng tránh bệnh. Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt cao, dai dẳng, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế đủ khả năng và điều kiện chữa trị bệnh, tránh tình trạng quá muộn gây nguy hiểm và dễ để lại nhiều biến chứng”.


Hồ Lài - Mai Quỳnh

Mới nhất
x
Viêm não ở trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO