Việt Nam có trở thành thị ­trường tiêu thụ ôtô ngoại?

15/04/2014 11:16

Công nghiệp ôtô VN liệu có giẫm theo “vết xe đổ” của Philippines vài năm trước, khi thị trường không đủ lớn, chính sách thiếu nhất quán và hay thay đổi, khiến các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước rút khỏi thị trường, nhường chỗ cho xe nhập khẩu nguyên chiếc, khi thuế suất còn 0%.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm chiến lược phát triển ngành cơ khí VN vừa diễn ra, vấn đề chọn lối đi nào cho ngành công nghiệp mũi nhọn này đã được doanh nghiệp và nhà quản lý cùng “mổ xẻ”.

Bảo hộ cao, không thành

So với các nước phát triển, công nghiệp ôtô chiếm một tỉ trọng đáng kể trong giá trị sản xuất công nghiệp, từ đó đóng góp lớn vào GDP thì ở VN, theo Tổng cục Thống kê, tính đến 2012, ngành công nghiệp ôtô mới đóng góp khoảng 2,8% giá trị sản xuất CN. Toàn bộ thị trường VN chịu sự chi phối của 19 nhà sản xuất là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), nhưng cũng chỉ chia nhau một thị trường với khoảng 100.000 xe/năm, gồm nhiều chủng loại xe khác nhau. Quy mô thị trường quá bé, với quá nhiều thương hiệu xe dẫn đến sản lượng thấp, không đủ quy mô để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Trong khi đó, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô lại thiếu nhất quán, đầy mâu thuẫn. Vừa muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô, nhưng mâu thuẫn với điều kiện đường sá không đảm bảo, không thể phát triển với tốc độ thiếu kiểm soát. Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích sản xuất, tiêu dùng ôtô, trong khi Bộ GTVT chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn.

Đâu sẽ là dòng xe chiến lược cứu cánh thị trường ôtô VN? (Ảnh: Giang Huy)
Đâu sẽ là dòng xe chiến lược cứu cánh thị trường ôtô VN? (Ảnh: Giang Huy)

Để phát triển ngành CN ôtô, từ gần 20 năm trước, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ khuyến khích các liên doanh sản xuất ôtô trong nước đầu tư nội địa hoá (NĐH) sản phẩm. Kỳ vọng đến năm 2010, CN ôtô đạt tỉ lệ NĐH từ 40-60%, làm chủ được công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước từ 60-80%, hướng tới XK ôtô và phụ tùng, trong đó đặt mục tiêu NĐH động cơ và hộp số (2 khâu quyết định công nghệ sản xuất ôtô) tối thiểu đạt 50%.

Tuy nhiên, phần lớn các chỉ tiêu đều không đạt được (hiện xe con và xe chuyên dụng, tỉ lệ NĐH không vượt quá 25%). Điều đáng nói là chủ trương bảo hộ cho các DN ôtô trong nước với việc đánh thuế NK cao đối với các loại ôtô nhập khẩu (hiện thuế NK dòng xe này từ 15-60%), nhưng các liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô đều không thực hiện, hoặc không đạt tỉ lệ NĐH như cam kết.

Trong khi đó, hiện không có chế tài buộc các DN này phải thực hiện tỉ lệ nội địa hoá. Kết quả là giá xe của VN cao hơn nhiều so với giá xe của các nước trong khu vực (do các DN trong nước đẩy giá lên ngang bằng với giá xe nhập khẩu (có thuế cao). Chẳng hạn, so với loại xe tương tự tại Thái Lan hay Indonesia, ôtô sản xuất tại VN có giá cao hơn từ 50-300 triệu USD (tương đương từ 2.400 đến 12.000 USD/xe, tuỳ loại). Điều này cho thấy, càng tăng bảo hộ thì chất lượng và đặc biệt là giá ôtô sản xuất trong nước càng đắt đến mức phi lý(?!).

Có trở thành thị trường ôtô ngoại?

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), đến năm 2018 sẽ là năm bản lề của công nghiệp ôtô VN khi thuế NK ôtô nguyên chiếc từ ASEAN vào VN được giảm về 0%. Như vậy, VN chỉ còn chưa đầy 5 năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của CN ôtô trong nước. Nếu không tận dụng được cơ hội ngắn ngủi này, VN sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines vài năm về trước, khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút khỏi thị trường chuyển sang nhập khẩu. Điều này càng hiện hữu khi nhu cầu tiêu dùng ôtô bùng nổ với dự báo trong vòng 5 năm tới, thị trường VN sẽ là nơi tiêu thụ ôtô nhập khẩu với thuế suất 0%, gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng.

Ngay từ bây giờ, theo các chuyên gia Bộ Công Thương, ngành ôtô muốn phát triển đã là quá chậm, nhưng muộn còn hơn không. Trước hết, ngành này phải phát triển cho được các dòng xe chiến lược, hay được xem là có lợi thế cạnh tranh, có khả năng dẫn dắt thị trường trong nước.

Ông Trần Bá Dương - TGĐ Cty CP Tập đoàn ôtô Trường Hải - khẳng định: Tiềm năng thị trường VN và ASEAN còn rất lớn với dự báo việc phổ cập ôtô vào khoảng năm 2020. Khi đó, dòng xe con sẽ chiếm ưu thế và dần thay thế xe gắn máy với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm từ 15-20% vào năm 2018. “Hiện VN đã khá thành công ở dòng xe thương mại (xe tải nhỏ, xe buýt) với tỉ lệ NĐH của Trường Hải đã đạt 35-40%, một số mẫu xe đạt 50%... Nếu VN có sự chuẩn bị tốt về chiến lược, cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư, lựa chọn đúng đối tác và dự án có lợi thế cạnh tranh, VN vẫn có cơ hội là “mắt xích” quan trọng của các hãng sản xuất ôtô tại ASEAN.

Hiện xe 5 chỗ và xe tải là 2 phân khúc chủ đạo của CN ôtô VN, theo ông Dương trước hết cần hình thành các khu công nghiệp ôtô tập trung, sản xuất sản lượng lớn, có khả năng XK, gia tăng hàm lượng công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ liên kết giữa DN VN với đối tác nước ngoài có tiềm lực.

Theo dantri.com

Mới nhất

x
Việt Nam có trở thành thị ­trường tiêu thụ ôtô ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO