Việt Nam - Điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản
Nhật Bản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn 35,4 tỷ USD.
Ngày 25/4, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam với tên gọi “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” chính thức được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã có nền tảng quan hệ lâu đời và nhiều nét văn hóa tương đồng, trong lịch sử hiện đại, sau hơn 40 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thiết lập, mối quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, tài chính, thương mại giữa 2 nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt sau chuyến thăm cấp Nhà nước tại Nhật Bản gần đây, lãnh đạo hai nước thống nhất và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35,4 tỷ USD. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Nhật Bản năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD. Trong 20 năm qua, Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn cam kết lên đến hơn 21 tỷ USD, trong đó tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Hầu hết các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư Nhật Bản hiện cũng chiếm tỷ trọng rất lớn, 40% trong tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trên TTCK Việt Nam. Bộ trưởng cũng khẳng định các nhà đầu tư Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Nhật Bản.
Bộ trưởng cũng điểm qua về tình hình kinh tế Việt Nam, tình hình cải cách doanh nghiệp Nhà nước và quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Cũng theo Bộ trưởng, các vấn đề pháp lý, chính sách nhằm đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN đã và đang được hoàn chỉnh, Chính phủ đã chỉ đạo các DNNN xây dựng và triển khai đúng lộ trình cổ phần hóa. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015, Việt Nam lên kế hoạch cổ phần hóa 432 DN, trong đó có nhiều tập đoàn, DNNN lớn đang tìm nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa ngay trong năm nay.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững TTCK Việt Nam. Năm 2013, chỉ số VNIndex tăng 22% và là 1 trong những TTCK có mức phục hồi mạnh nhất thế giới Thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá là phát triển tốt nhất Châu Á năm 2013. Trong Quý I/2014, chỉ số VNIndex đã tăng 16%, đứng thứ 2 trên thế giới và thanh khoản tăng gần gấp 2 lần so với bình quân năm 2013.
Hoạt động tái cấu trúc TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên 4 trụ cột chính cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và hệ thống tổ chức thị trường. Trong quá trình tái cấu trúc TTCK, Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong thời gian tới Việt Nam đang nghiên cứu rà soát danh mục các ngành nghề, những lĩnh vực nào không thuộc lĩnh vực chuyên ngành có hạn chế thì mở rộng sự tham gia của bên nước ngoài theo cam kết WTO. Để thu hút dòng vốn ngoại, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các tập đoàn, tổng công bao gồm cả ngân hàng xuống không quá 65%. Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc nới rộng tỷ lệ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK.
Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản hướng đến 3 mục tiêu chính: thứ nhất, khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, minh bạch và cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, sự kiện là cơ hội để lắng nghe nhà đầu tư Nhật Bản và làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự tham gia Đoàn công tác của nhiều doanh nghiệp lớn sắp cổ phần hóa, sự kiện này nhằm kết nối các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản, với các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa, tăng vốn, tìm nhà đầu tư chiến lược.
Tại Hội thảo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng chia sẻ thông điệp Chính phủ Việt Nam luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công cuộc cải cách nền kinh, đặc biệt là cải cách khối DNNN và hệ thống ngân hàng, TTCK. Trước sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều cuộc tiếp xúc theo nhóm hoặc One-One giữa các DN sắp cổ phần hóa và nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản đã diễn ra trong không gian Hội thảo. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự hào hứng trước các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam và mong muốn biết nhiều thông tin hơn nữa về DN, về nền kinh tế để quyết định gia nhập thị trường này.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Hội nghị đã giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương đổi mới của Chính phủ Việt Nam. Hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan Chính phủ Việt Nam nắm bắt các kiến nghị từ các doanh nghiệp Nhật Bản để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể hiện sự cam kết đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Hội nghị thu hút gần 100 nhà đầu tư Nhật Bản tham dự, trong đó có đại diện nhiều tổ chức đầu tư uy tín lớn, như Tập đoàn SBI, Sumitomo, Daiwa, Misubishi, Mizuho, Normura, Resona, JP Morgan, Aizawa...
Hội nghị tập trung vào hai chủ đề chính là “Đối thoại chính sách: Cổ phần hóa DNNN và chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế” và “Thị trường chứng khoán Việt Nam - điểm đến cho các nhà đầu tư Nhật Bản”./.
Theo vov