Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

30/05/2014 09:50

(Baonghean) - Lúc này ngư dân tại Việt Nam đang nhận được nhiều sự ủng hộ, khích lệ để tiếp tục bám biển, không chịu khuất phục trước sự đe dọa, gây hấn của Trung Quốc thì đồng thời, tại nước ngoài, các nỗ lực tố cáo hành động sai trái, bác bỏ luận điệu thiếu căn cứ của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam ngày càng mở rộng. Mới đây nhất, vào sáng 29/5, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường đã trả lời phỏng vấn trực tiếp trong một chương trình truyền hình có nhiều khán giả của kênh truyền hình CNN của Mỹ. Thông tin mà Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đưa ra tại buổi phỏng vấn này đã thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ. Trên trang web của CNN, nhiều độc giả đã gửi phản hồi ủng hộ Việt Nam, nêu lên sự phi lý của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động sai trái tại Biển Đông.

Tàu DNa-90152 cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc vây ép trước khi bị đâm chìm. Ảnh: Internet
Tàu DNa-90152 cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc vây ép trước khi bị đâm chìm. Ảnh: Internet

Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền

Tại buổi phỏng vấn, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phản ứng lại một cách hòa bình nhưng cương quyết.

Bác bỏ phát biểu của Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã được tiến hành hàng thập kỷ nay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài đã tham gia vào các dự án này; nếu các dự án này trong khu vực tranh chấp thì chắc chắn các doanh nghiệp nước ngoài đã không tham gia như vậy. Trong khi đó, năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành mời thầu quốc tế các lô dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.

Trong buổi phỏng vấn, phóng viên Amanpour đã bày tỏ lo ngại về vụ việc giàn khoan Trung Quốc và gần đây là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Bà Amanpour cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhỏ hơn, từ Nhật Bản, Phillipines cho đến Việt Nam, và thái độ này của Trung Quốc được thể hiện trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 khi ông này nói rằng Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ những ý kiến như vậy là không thể biện minh được vì trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng, không có chuyện nước lớn, nước nhỏ.

Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Ông khẳng định người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không nước nào nên đánh giá thấp quyết tâm này. 100% người dân Việt Nam, dù ở Việt Nam, Mỹ hay bất kỳ nước nào đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập và tự do.

Trước đó, vào ngày 28/5, Đại sứ Việt Nam tại Inđônêxia Nguyễn Xuân Thủy cũng đã có bài viết đăng trên tờ Bưu điện Gia - các - ta, 1 tờ báo có nhiều độc giả nhất tại Inđônêxia. Trong bài báo này, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy đã nhắc lại các chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số độc giả đã để lại lời nhắn cảm ơn Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy đã làm rõ các luận điểm, đồng thời phản đối tham vọng của Trung Quốc với cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Tổng thống Obama: bất ổn tại Biển Đông nếu không được giải quyết sẽ đe dọa đến các đồng minh của Mỹ

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại mới của Mỹ tại Học viện Quân sự Oét Poanh (West Point) hôm 28/5, Tổng thống Obama cảnh báo những bất ổn trên thế giới, trong đó có Biển Đông nếu không được giải quyết có thể đe doạ các đồng minh của Mỹ và cuối cùng có thể khiến Mỹ sẽ phải động quân. Ông Obama còn khẳng định “Mỹ ủng hộ các nước ASEAN trong quá trình thương thảo xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông, và đang hành động để giải quyết tranh chấp này thông qua luật pháp quốc tế”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama còn kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc, cho rằng sự thông qua của cơ quan lập pháp Mỹ sẽ giúp chính quyền Mỹ thuận lợi hơn trong việc kêu gọi Trung Quốc hành xử theo Công ước này. Tổng thống Obama nói: “Chúng ta không thể cố gắng giải quyết các vấn đề tại Biển Đông khi chúng ta không thể đảm bảo rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển sẽ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, bất chấp việc các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của chúng ta đã khẳng định nhiều lần rằng hiệp ước đó thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Đó không phải là sự lãnh đạo mà là sự thoái lui. Đó không phải là sức mạnh mà là sự yếu đuối”.

Không chỉ Tổng thống Obama, Hạ nghị sỹ Forbes cũng rất quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc liên tục leo thang trong tranh chấp biển với Việt Nam, đánh chìm một tàu cá Việt Nam. Hạ nghị sỹ Forbes nhấn mạnh, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, từ Nhật Bản, Philippines cho tới Việt Nam đều đang trông đợi một tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Mỹ trong việc giữ nguyên hiện trạng khu vực, nơi tự do hàng hải được tôn trọng, tranh chấp được kiểm soát một cách hoà bình và cán cân quân sự tiếp tục nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh.

Việt Nam cân nhắc chiến lược mới đối phó với Trung Quốc

Hôm 28/5, tờ Diplomat của Nhật Bản đã đăng bài viết bình luận về chiến lược của Việt Nam đối phó với Trung Quốc, trong đó có nhắc đến khả năng Việt Nam đang tính toán áp dụng chiến lược mới. Bài báo này vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, đồng thời dùng tàu gây hấn đối với các tàu của Việt Nam. Bài báo nhận định, những hành động này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng trong khu vực thông qua việc ép buộc tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư của Việt Nam phải ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để thực hiện âm mưu này, Trung Quốc đã dùng chiến lược “dĩ dật đãi lao” với Việt Nam, sử dụng tàu to gấp đôi đến gấp 4 lần tàu của Việt Nam, để đâm tàu Việt Nam là nhằm gây ra những thiệt hại đáng kể, phá hoại các thiết bị liên lạc, antenna để buộc tàu Việt Nam phải quay về cảng sửa chữa.

Trước âm mưu này của Trung Quốc, Việt Nam đang kiên trì theo đuổi biện pháp hòa bình, duy trì sự có mặt tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, yêu cầu thiết lập một đường dây nóng, kiên trì đối thoại với Trung Quốc, thuyết phục cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thiếu thiện chí và không hợp tác với Việt Nam.

Cụ thể, theo bài báo này, trong chiến lược mới, Việt Nam sẽ cân nhắc những hành động pháp lý phản đối Trung Quốc bao gồm việc chủ động kiện Trung Quốc hoặc ủng hộ vụ kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài quốc tế của Philippines. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ nâng cấp quan hệ với hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines. Mọi động thái của Việt Nam trong chiến lược mới này sẽ rất minh bạch để giảm thiểu mọi toan tính sai lầm của Trung Quốc.

Quỳnh - Khánh - Nga

Mới nhất
x
Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO