Việt Nam sẽ là quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới
Trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định: trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất trên thế giới”.
Bộ Y tế Việt Nam long trọng tổ chức “Lễ công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới” vào chiều tối 22/6 tại Hà Nội.
Việt Nam tự sản xuất được 10/12 loại vaccine
Như vậy, sau 14 năm chuẩn bị, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 39 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vacine trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế theo đánh giá và công nhận của Tổ chức Y tế thế giới |
Tại buổi lễ công nhận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta rất tự hào, nếu các bạn nhìn thấy, phần lớn những chỉ tiêu đánh giá của các tổ chức thế giới về các mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam thường đứng từ 70-90 trong các nước, việc Việt Nam là 1 trong số 39 quốc gia được công nhận đạt tiêu chuẩn NRA hết sức có ý nghĩa. Nó không chỉ thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cả hệ thống quản lý của ngành Y tế mà còn là công sức của rất nhiều nhà khoa học, những kết quả đã được thể hiện qua việc chúng ta tự sản xuất được 10/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đó là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy”.
Việc được WHO đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế là thành tựu đáng tự hào của Bộ Y tế Việt Nam. Để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã chuẩn bị một thời gian dài rất kỹ lưỡng, và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vaccine để đạt tiêu chuẩn quan trọng này. Để đảm bảo các sản phẩm vaccine có chất lượng và an toàn, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nội dung theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vaccine của WHO.
Các tiêu chí trong bộ công cụ nhằm hướng dẫn các quốc gia tự đánh giá về việc thực hiện các chức năng quản lý để hướng tới mục tiêu cao nhất là vaccine sản xuất ra đảm bảo an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn thống nhất của quốc tế.
Mở ra cánh cửa xuất khẩu vaccine “Made in Việt Nam”
Vaccine là vũ khí hữu hiệu bảo vệ con người trước các dịch bệnh nguy hiểm. Trung bình mỗi năm thế giới có khoảng 3 triệu người được cứu sống nhờ được tiêm chủng. Vaccine là loại dược phẩm đặc biệt góp phần rất lớn vào việc đẩy lùi bệnh tật và giảm tỷ lệ tử vong cho con người, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng triển khai hoàn thiện hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhằm ngăn ngừa những bệnh dịch nguy hiểm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế từ đại điện WHO.
Với việc đạt chứng nhận NRA, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp vaccine. Thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa mà chủ yếu là khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, nay các nhà sản xuất vaccine trong nước có cơ hội nâng cao năng lực, sản xuất vaccine để xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới, đặc biệt cho các chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cần nguồn vaccine giá thành phải chăng và đảm bảo chất lượng, độ an toàn. Đồng thời, với thành tựu này, các nước cũng sẽ quan tâm hơn đến đầu tư sản xuất vaccine tại Việt Nam. Bởi vì, một trong các điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vaccine là không chỉ nhà máy đạt chuẩn, mà hệ thống quản lý quốc gia về vaccine cũng phải đạt theo tiêu chuẩn của WHO.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Đây được coi là bước tiến quan trọng của Bộ Y tế Việt Nam, mở ra cánh cửa xuất khẩu vaccine “Made in Việt Nam” ra thế giới, góp phần cung cấp vaccine phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và thế giới”.
Ông Lahouari Belgharbi, Trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định: “Đến thời điểm này, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận NRA đạt theo tiêu chuẩn của WHO, chuẩn mực quốc tế. Với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vaccine, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất trên thế giới”.
Theo ông Lahouari Belgharbi, sau khi NRA đạt chuẩn của WHO, vaccine sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu. Tới đây, WHO sẽ mời chuyên gia Việt Nam tham gia đoàn đánh giá năng lực của hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của một số quốc gia như: Nga, Australia.
Việt Nam có hy vọng phát triển ngành công nghiệp vaccine
Với việc đạt NRA, Việt Nam là một trong số 39 quốc gia sản xuất vaccine có đủ điều kiện xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vaccine với trang thiết bị, dây chuyền và công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất của WHO. Việc sử dụng vaccine sản xuất ở Việt Nam trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã và đang tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng do không phải nhập khẩu vaccine. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam đã xây dựng đủ, cung cấp nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được 1 số loại vaccine như: viêm não Nhật Bản, sởi, viêm gan A, viêm gan B và tả…
Nói về cơ hội mới của ngành sản xuất vaccine của Việt Nam, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong bản báo cáo của đoàn đánh giá WHO đã nhận định, Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn. WHO xếp Việt Nam vào 1 trong 25 quốc gia sản xuất vaccine chiếm 90% doanh số của toàn cầu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Được coi là ngành công nghiệp có giá trị thặng dư cao, công nghiệp sản xuất vaccine đem lại doanh thu lớn cho các quốc gia phát triển mạnh ngành này. Theo một báo cáo của tác giả Alison (đăng trên tạp chí của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế - PV), 10 năm trước (2002), thị trường vaccine toàn cầu đạt 5,7 tỷ USD/1 năm, đến năm 2012 đã tăng lên 27 tỷ USD, dự kiến tốc độ tăng trung bình đến năm 2015 là 10,3%, trong đó doanh số một số loại vaccine đứng trong top 10 là vaccine PENTACT – HIB của Công ty Sanofi với doanh số 1,3 tỷ USD/năm; Pediarix (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt) của công ty GSK là trên 1 tỷ USD/năm; vaccine ngừa viêm gan A, viêm gan B của GSK là 1 tỉ USD…
Theo VOV.VN