Viettel và chiến lược "Bình dân hóa" công nghệ thông tin

05/06/2012 15:42

(Baonghean) - Tiếp theo thành công của mục tiêu "bình dân hóa dịch vụ viễn thông", trong những năm qua, Viettel đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu "bình dân hóa công nghệ thông tin", đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách của đời sống.

Với lợi nhuận gần 1 tỷ USD trong năm 2011, Viettel xếp thứ 80 về doanh thu, nhưng đứng vị trí thứ 30 về lợi nhuận trên thị trường viễn thông toàn cầu. Tại Việt Nam, Viettel là doanh nghiệp có lợi nhuận đứng thứ 2 trong toàn bộ gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Với thế mạnh sở hữu các Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam và lợi thế về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) rộng khắp, Viettel đã xác định mũi nhọn tiếp theo của mình là đưa ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống.

Tại Nghệ An, tính đến nay, Viettel Nghệ An đã sở hữu hơn 1.972 trạm BTS cả 2G và 3G (trong đó BTS 2G là 1238 trạm, BTS 3G là 734 trạm); có 451/480 xã có cáp quang; 430 xã có trạm 3G phát sóng; trồng mới được trên 16.451 cột các loại. Đó là nền tảng để Viettel Nghệ An cung cấp các hạ tầng kết nối cho các đơn vị, làm cơ sở cho việc ứng dụng CNTT thông suốt và an toàn. Hiện nay, Viettel Nghệ An có 20 điểm cầu truyền hình kết nối đến tận trung tâm huyện phục vụ công tác giao ban, hội họp, đào tạo nghiệp vụ cho CBCNV. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Tập đoàn, Viettel Nghệ An đã triển khai và hỗ trợ cung cấp đường Internet băng rộng cho thư viện công cộng trên địa bàn.

Với 734 trạm 3G, phủ sóng hơn 87% dân số (chiếm 90,2% thị phần dịch vụ 3G); 1.724 thuê bao ADSL, 1028 thuê bao PSTN, 342 thuê bao FTTH, 6 thuê bao Leasline, Viettel Nghệ An đã khẳng định là nhà cung cấp số 1 dịch vụ Internet không dây trên địa bàn.

Không chỉ phát triển kinh doanh đóng góp cho Ngân sách nhà nước, Viettel đã trực tiếp tham gia, triển khai nhiều chương trình hoạt động xã hội thiết thực. Với phương châm "coi giáo dục là đối tượng phục vụ lớn" và "luôn dành những gì tốt nhất cho Giáo dục", Viettel Nghệ An hỗ trợ ngành giáo dục xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, kết nối băng thông rộng phục vụ cho công tác giảng dạy của trường học và nghiên cứu khoa học cũng như công tác quản lý, điều hành trong ngành Giáo dục. Tính đến hết năm 2011, Viettel đã triển khai cung cấp đường truyền Internet miễn phí cho 1.448 trường học trên toàn tỉnh.



Triển khai triển khai hệ thống quản lý trường học SMAS của Viettel
(Nguồn Internet)

Nhằm đẩy mạnh khai thác hiệu quả Chương trình Kết nối mạng giáo dục, Viettel mở rộng triển khai diện rộng Hệ thống phần mềm Quản lý trường học (SMAS) trên phạm vi toàn quốc, Viettel đã triển khai miễn phí tới các cơ quan quản lý giáo dục, trường học, cơ sở giáo dục. Phần mềm SMAS hiện có 139 tính năng phục vụ cho công tác quản lý giảng dạy, quản lý hồ sơ, quản lý các kỳ thi và điều hành của Sở GD&ĐT được thuận lợi; hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; giúp phụ huynh nắm được các thông tin về học tập (điểm thi, điểm danh) của con em mình. Phần mềm tích hợp một số công cụ SMS, web,... làm kênh thông báo, liên lạc giữa Sở, Phòng GD&ĐT, phụ huynh, học sinh, qua đó tạo được cây cầu nối thông tin thông suốt từ cấp quản lý đến nhà trường và gia đình.

Là phần mềm trực tuyến xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, toàn bộ hệ thống SMAS chạy trên máy chủ và đường truyền của Viettel có độ an toàn và bảo mật cao. Các đơn vị triển khai chỉ cần có máy tính thông thường với đường truyền Internet Viettel (đã được Viettel hoàn thành kết nối từ tháng 12/2010), không phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị.Theo ước tính, số tiền tiết kiệm từ việc sử dụng phần mềm này lên tới hàng trăm tỷ đồng so với tổng chi phí để mỗi trường triển khai riêng một máy chủ hạng trung bình (chưa có phần mềm). Hiện nay, Viettel Nghệ An đang gấp rút tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn để ứng dụng phần mềm này, đến đầu năm học 2012 - 2013 đã có 60% trường học trên địa bàn Nghệ An đăng ký sử dụng.

Song song với việc đào tạo và hướng dẫn sử dụng, trong năm 2012, Viettel tiếp tục bổ sung tính năng cho SMAS, hoàn thiện phần mềm này có thể đáp ứng được cho cả những cơ sở giáo dục đặc thù như trường chuyên, trường quốc tế,... trở thành một công cụ hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy. Trong năm 2013, Viettel sẽ tiếp tục xây dựng ứng dụng trực tuyến trên Internet gồm: thư viện điện tử, giáo án - bài giảng điện tử, sách điện tử (e-book),...

Khác với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT là chỉ cung cấp phần mềm chung cho tất cả các khách hàng, Viettel đã nghiên cứu các yêu cầu của từng khách hàng để sản xuất các phầm mềm quản lý nhân sự, quản lý tiền lương, quản lý bán hàng và sau bán hàng, quản lý điều hành hệ thống mạng với nhiều tính năng hiện đại, có thể điều chỉnh phù hợp với từng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường quản lý khách hàng, Viettel đã xây dựng phần mềm cho phép nhận dạng các thông tin trên ảnh của chứng minh thư được quét vào hệ thống từ một máy quét ảnh thông thường và đưa vào ứng dụng trong quản lý hồ sơ điện tử. Đây cũng là một giải pháp quan trọng trong việc quản lý thông tin thuê bao trả trước hiện nay đang nóng trong dư luận. Hiện nay, với việc ứng dụng phần mềm quản lý hệ thống trong toàn ngành một cách toàn diện, đầy đủ và thống nhất, Viettel đã đạt được mục tiêu ứng dụng 100% CNTT trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Viettel đã và đang triển khai nhiều dự án ứng dụng CNTT và các dự án tích hợp giữa CNTT và viễn thông như phần mềm bán hàng trực tuyến, hệ thống thông tin giám sát hồ chứa phục vụ phòng chống lụt bão... Đối với phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến, giải pháp của Viettel là cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh từ hạ tầng, đường truyền, máy chủ,... cho đến ứng dụng, các tiện ích, thông qua nhiều giao diện khác nhau (Web, Thiết bị di động, máy tính bảng) và tích hợp với các dịch vụ viễn thông thông qua việc sử dụng các công nghệ GPS, AGPS, LBS để hỗ trợ quản lý theo dõi giám sát các hoạt động tác nghiệp của các kênh giám sát, phân phối của công ty. Một trong những tính năng vượt trội của hệ thống phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến là hỗ trợ cảnh báo khi nhân viên bán hàng không đáp ứng được yêu cầu về lộ trình bán hàng. Các hình ảnh trưng bày của cửa hàng cũng sẽ được nhân viên bán hàng gửi về hệ thống một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất, để ngồi ở "đại bản doanh" công ty, người quản lý vẫn có thể theo dõi được hoạt động của nhân viên bán hàng ngoài thị trường...

Với những kết quả khả quan ban đầu trong ứng dụng CNTT, Viettel đang chứng minh tính đúng đắn trong việc xác định chiến lược phát triển của mình: "Bình dân hóa" công nghệ thông tin.


Lan Oanh

Mới nhất
x
Viettel và chiến lược "Bình dân hóa" công nghệ thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO