Vinh - điểm đến hấp dẫn du khách

28/04/2015 13:03

(Baonghean) - Thành phố Vinh với nhiều di tích lịch sử và là trung tâm thương mại dịch vụ của vùng Bắc Trung bộ, thuận lợi để kết nối với đô thị biển Cửa Lò (khoảng 18 km) và các điểm du lịch của các huyện lân cận, tạo nên vùng du lịch trọng điểm.

Thành phố Vinh hôm nay.Ảnh: Nguyễn Phú Lộc
Thành phố Vinh hôm nay. Ảnh: Nguyễn Phú Lộc

Với lợi thế giao thông thuận tiện, có sân bay, ga tàu và hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp, Vinh trở thành điểm dừng chân trên hành trình, tour, tuyến du lịch của các công ty lữ hành, các đoàn khách quốc tế. Trên hành trình đó, các đoàn khách của Nga, Israel, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... đã đến với Thành phố Vinh, kết nối với quê hương Bác, với biển Cửa Lò. Cùng đó, hệ thống dịch vụ nhà hàng, thương mại, tiền tệ đa dạng đã thu hút nhiều du khách. Gia đình chị Đặng Thị Hải, cán bộ Ngân hàng VPB ở Hà Nội thường đến Vinh vào những dịp nghỉ lễ, thưởng thức những món ăn đặc sản ở đây, sau đó mới xuống Cửa Lò tắm biển. Ở Vinh chị cũng có điều kiện đi thăm thêm đền Ông Hoàng Mười, đền thờ Vua Quang Trung, ngắm núi Quyết và dòng Lam giang hài hòa...

Những năm gần đây, Vinh là điểm đến thường xuyên của các đoàn đại biểu, các vị khách quý, các đại sứ quán, các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Nghệ An. Nhiều nhà đầu tư có nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm, Nam Đàn, Hoàng Mai... song đều đặt văn phòng đại diện ở Vinh. Từ Vinh thật thuận tiện để về thăm Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng thăm Mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Người, tham quan quê ngoại, quê nội của Bác và ngược lên đền Vua Mai...

Quảng trường Hồ Chí Minh vào ban đêm.
Quảng trường Hồ Chí Minh vào ban đêm.

Vinh còn mang trong mình những khu di tích lịch sử, văn hóa với Quảng trường Hồ Chí Minh có Tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam. Vào ngày 5 Tết Nguyên đán, hàng trăm du khách từ Hà Nội, Bình Định đến Vinh, lên núi Dũng Quyết, tưởng nhớ vị Vua áo vải Quang Trung. Đền thờ của Ngài tọa lạc uy nghi trên núi Dũng Quyết với những chứng tích lịch sử hào hùng... Nơi đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh non xanh nước biếc của xứ Nghệ. Thành Vinh còn có các địa danh du lịch lịch sử tâm linh như Thành cổ Vinh, đền Ông, chùa Diệc cổ...

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Trong giai đoạn 2012 - 2015, thành phố bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hoá gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, hoàn thành việc đầu tư, tôn tạo đền Hồng Sơn, xây dựng Tượng đài Ngã ba Bến Thủy, Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân, Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai... Ngoài các điểm du lịch của thành phố, các công ty lữ hành du lịch cũng đã kết nối với một số tuyến, cụm du lịch thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước như: cụm Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn, cụm du lịch tâm linh Đông Nam thành phố - Bắc Hà Tĩnh, tuyến Vinh - Lào - Đông Bắc Thái Lan, tuyến Vinh - Đà Lạt... Thành phố cũng tham gia công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các nước Lào, Thái Lan và các thành phố lớn. Đặc biệt, sự kiện Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã thu hút du khách cả trong nước và quốc tế tới Vinh và các vùng, miền, góp phần lan tỏa tiềm năng, giá trị du lịch của thành phố.

Để phấn đấu đến năm 2020 Vinh là trung tâm vùng về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang xây dựng Thành phố Vinh gắn với Thị xã Cửa Lò trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ với chức năng là đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ. Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, Trung tâm hội chợ triển lãm khu vực, tổng kho trung chuyển và phân phối hàng hóa khu vực, các siêu thị, trung tâm mua sắm... Chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp ở các chợ, xây dựng chợ Vinh và chợ Ga Vinh thành trung tâm bán buôn, bán lẻ của khu vực.

Hiện Thành phố Vinh có 160 khách sạn, nhà nghỉ, chiếm 25% tổng số khách sạn, nhà nghỉ của cả tỉnh, trong đó có khách sạn đạt 5 sao, 4 sao, số lượng khách sạn 3 - 4 sao chiếm 67%. Báo cáo của thành phố năm 2014 cho thấy: hoạt động dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển đa dạng. Giá trị hàng hoá bán lẻ trên thị trường năm 2014 đạt 12.133 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 14.500 tỷ đồng/KH 14.800 tỷ đồng (tăng bình quân hàng năm 22,38%). Lượng khách du lịch đến Thành phố Vinh ước đạt trên 1.500 ngàn lượt người, chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Nghệ An. Trong đó bao gồm cả khách nội tỉnh, trong nước và quốc tế. Tỷ trọng thương mại, du lịch đã chiếm trên 65% tổng giá trị GDP thành phố.

Phấn đấu phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn, hướng tới trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng Bắc Trung bộ, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để mở rộng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch. Từng bước nâng cao chất lượng du lịch, xây dựng văn hóa trong kinh doanh, đảm bảo sự kết nối hiệu quả giữa Vinh với các điểm tham quan, nghỉ dưỡng của các địa phương trong nước và quốc tế... Tiềm năng du lịch của Thành phố Vinh được chú trọng phát triển theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, văn hóa, tâm linh, tham quan, hội thảo, tạo điểm đến hấp dẫn trong hành trình của du khách.

Châu Lan

Mới nhất

x
Vinh - điểm đến hấp dẫn du khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO