Với Bác Hồ, đạo đức không phải để nói suông
Trên thế giới xưa nay, hầu hết các danh nhân có tầm vóc thật sự lớn thường để lại phần tinh hoa tư tưởng của mình thông qua những lời nói, những trước tác, những câu chuyện kể lắm khi giản dị nhưng hết sức hàm súc, chứa đựng nhiều chân lý, và có sức thuyết phục nhiều thời đại. Bác Hồ của chúng ta là một người như vậy.
Cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh (1), do nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên biên soạn, xuất bản từ lần đầu đã được bạn đọc - nhất là tuổi trẻ - hoan nghênh. Gồm 50 bài viết, chủ yếu dưới hình thức những chuyện kể sinh động, dựa vào các sách báo đã xuất bản, cũng như qua tiếp xúc với cá nhân một số nhân vật có thật ngoài cuộc đời, soạn giả Tạ Hữu Yên đã có những thành công riêng của ông, cho một đề tài đã trở nên quá quen thuộc!
Hình ảnh thân thương và kỳ lạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lên dần qua từng câu chuyện kể có thật, trong thời chống Pháp và chống Mỹ, vô cùng gian khổ và hào hùng, trên đất nước Việt Nam... Tháng 12-1946, ông cả Khiêm, anh ruột Bác Hồ, ra Hà Nội thăm em bấy giờ đã là một vị Chủ tịch nước (Một cuộc gặp xúc động). Tháng 2-1961, Bác cùng một số đồng chí thăm lại Pắc Bó, Người xúc động trước "đại bản doanh cách mạng" của những ngày đầu dựng nước. Nơi đây, tháng 2-1941, Bác từng viết những câu thơ đầy hào sảng: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang" (Theo Bác về Pắc Bó). Qua những năm tháng kháng chiến thời còn hoạt động bí mật, những ai có dịp gần Bác đều thấy rõ, Bác chăm lo đến từng con người. Trong điều kiện có thể, Bác lo từng viên thuốc, thìa cháo, miếng cơm, tấm bánh. Cái đức lớn của ông Cụ là biết quên mình để chăm sóc đến mọi người (Ấm áp tình người). Tháng 3-1948, Bác có thư gửi Trung đội du kích Kim Thành (thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), thì ở Hải Dương nổi lên tấm gương Mạc Thị Bưởi bám đất, bám dân, kiên cường đánh giặc tại quê hương. Với bút danh G.B, Người viết bài thơ khá dài, thể lục bát, nhằm ca ngợi và cổ vũ "Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi" (Gương oanh liệt). Rồi, buổi thảo luận về đạo đức cũ và mới, nhằm giúp các chiến sĩ trẻ Trường Lục quân Việt Nam, thuở kháng chiến tại Việt Bắc, nhận thức ra những điều cơ bản, còn có ý nghĩa tới tận hôm nay: "Có hai thứ đạo đức - đạo đức cũ của phong kiến như người đi, đầu người xuống đất, chân chổng lên trời. Còn đạo đức mới là đạo đức Cách mạng, như người đứng vững hai chân trên mặt đất, đầu ngẩng lên bầu trời. Các chú coi, phong kiến xưa cũng nói cần - kiệm - liêm - chính, nhưng là để bắt nhân dân tuân theo, phụng sự quyền lợi cho chúng. Còn ngày nay, đề ra cần - kiệm - liêm - chính thì cán bộ phải gương mẫu, thực hiện cho dân noi theo. Để làm gì? Để làm cho ích nước, lợi dân... (Vẫn là tám chữ).
Đấy là những chuyện của thời kháng Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta được giải phóng, vừa xây dựng CNXH vừa cùng với miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ, Tạ Hữu Yên cũng đưa được vào cuốn sách của mình không ít câu chuyện về Bác Hồ đáng nhớ, đáng lưu truyền... Thủ đô Hà Nội, sau ngày sạch bóng giặc Tây, Bác đến thăm và chào mừng sự ra đời của Nhà máy dệt 8-3, một nhà máy lớn, đứa con đầu lòng về ngành dệt của Hà Nội. Hôm Bác đến, lãnh đạo Nhà máy định nhờ một đồng chí lãnh đạo cấp trên cắt băng khánh thành. Bác biết vậy, gợi ý nên chọn một công nhân trẻ. Thế là, nhà máy cử cô công nhân trẻ nhiều thành tích Đào Thị Thư lên cắt băng. Chi tiết này khiến những người "trong cuộc" phải giật mình! (Niềm vinh dự lớn). Rồi chuyện năm ấy, Bác về thăm quê lúa Thái Bình. Người đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò của phụ nữ. Ở đây còn phổ biến tệ nạn đánh vợ. Bác dặn, đại ý đàn ông phải quý trọng phụ nữ đã đành, bản thân người phụ nữ cũng phải tự mình phấn đấu để giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông! Vai trò của chi bộ Đảng cần phải "vào cuộc" (Bác về thăm Thái Bình). Đồng chí Vừ Mi Kẻ, dân tộc Mèo, từng là cán bộ cấp cao tỉnh Hà Tuyên, nhiều lần may mắn gặp Bác. Vị cán bộ dân tộc này nhớ nhất một câu hỏi của Người, mà ông thấy lúng túng không biết trả lời như thế nào cho phải: "Đất đã làm cho ngô khoai tươi tốt, nuôi sống các cô các chú. Thế, ăn ngô khoai xong, bây giờ các cô các chú lấy cái gì mà trả lại cho đất nào?!" (Nhớ mãi lời Bác dạy). Còn chưa quên mùa hè năm 1967, các trận địa phòng không ở Hà Nội đang ráo riết theo dõi bầu trời, thời tiết thì hết sức oi ả, khó chịu. Điều đó, không qua khỏi sự quan tâm của Bác Hồ! Biết rõ các cháu bộ đội trực chiến trên sân thượng nhà Hội trường Ba Đình đang đương đầu với cái nắng như đổ lửa, Bác liền chỉ thị chuyển số tiền trong sổ tiết kiệm của mình (toàn bộ chỉ là 25 ngàn đồng) sang cho Bộ Quốc phòng, để bộ đội phòng không Hà Nội có thêm nước giải khát (Với chiến sĩ canh trời). Ngày nay, chúng ta học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, phát động phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Thực ra, việc ấy, Bác đã bắt tay chỉ đạo các đồng chí có trách nhiệm từ rất lâu rồi. Năm 1952, cả nước ta đang dốc sức giành thắng lợi trên mặt trận súng đạn, thì cũng năm đó, tại một cuộc họp Hội đồng Chính phủ, biên bản cuộc họp ghi lời phát biểu của cụ Chủ tịch, nội dung: "Chúng ta đã bắt đầu tiến hành 3 chống - chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu. Năm 1953, phải cố gắng làm 3 chống triệt để. Cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào..." (Mãi mãi là tấm gương trong). Đấy là những ấn tượng sâu đậm của một bạn đọc là tôi, mà cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh đã để lại. Còn nữa, còn nhiều nữa những ấn tượng đẹp như thế, tuỳ vào cảm nhận và sự từng trải của mỗi bạn đọc hôm nay, nếu họ biết tự dọn lại lòng mình, để đến với Bác Hồ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có lần đã viết về Bác thật hay: "Mọi lời nói, mọi việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể, nói là làm, thường làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động. Hồ Chí Minh là người luôn luôn nhằm hiệu quả thiết thực, dám nghĩ dám làm những việc lớn lạ lùng, nhưng không viễn vông, không ảo tưởng, không nóng vội!" (2). Tôi nghĩ, đã và còn phải cần rất nhiều cuốn sách, công trình học thuật nữa, mới có thể nói được phần nào "tư tưởng hiện ra trong hành động", "dám nghĩ dám làm", "không ảo tưởng, không nóng vội" ở Bác. Cuốn sách Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh, là một trong những cuốn như thế. Tác phẩm thành công, nhờ tính chân thật của câu chuyện được chọn; nghệ thuật kể thoáng gọn, sáng rõ, làm toát lên con người, nhân cách, cá tính của lãnh tụ; thêm nữa, nội dung giáo dục xuyên thấm vào chuyện đời, chuyện đạo, vào sự kiện nên các bài học rút ra ở cuối mỗi tiểu luận cũng nhẹ nhàng, thấm thía, tránh xa cái "khẩu khí", "lên gân" dễ mắc phải ở khá nhiều đầu sách về Bác, xuất bản gần đây...
Có lẽ nhờ vậy, cuốn sách về Bác của nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên đã được Nhà xuất bản Thanh Niên in lại lần thứ tư, tính đến năm 2007!
----------------
(1) Tạ Hữu Yên: Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên, Hà Nội, tái bản lần thứ 4, 2007.
(2) Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998. tr168.
Kim Hùng