Với tôi, cuộc đời thật có hậu

08/11/2014 14:08

(Baongehan) - Giờ đây, với bố mẹ chồng, tôi đã là con dâu thực sự, con trai chúng tôi đã có ông bà nội. Để có được hạnh phúc trọn vẹn này, bản thân tôi phải trải qua một quãng cắt thời gian nhẫn nhịn và chịu đựng điều tiếng. Có lẽ, tình yêu, lòng vị tha đã cho tôi sức mạnh để vượt qua tất cả và tạo dựng cho mình mái ấm gia đình đúng nghĩa...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quê anh ở một huyện miền núi. Tôi quê ở Đô Lương, vùng đất được biết đến bởi câu nói truyền đời: “Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương”. Chúng tôi làm công nhân ở một khu công nghiệp của Thành phố Vinh. Cuộc sống khó khăn, vất vả đã đưa chúng tôi đến gần nhau, cùng sẻ chia ngọt bùi. Tình cảm lớn dần theo năm tháng, 2 đứa quyết định gắn bó với nhau, xin phép 2 bên gia đình tổ chức đám cưới. Với gia đình tôi không vấp phải vấn đề gì, cả bố mẹ, anh chị em và họ hàng gần xa đều lấy làm mừng, mọi người vui vẻ đón tiếp anh. Nhưng khi về quê anh, tôi bị mọi người nhìn với ánh mắt ghẻ lạnh, nếu không muốn nói là khinh thường. Tôi bắt đầu thấy buồn và tủi thân.

Đọc được tâm trạng của tôi, anh ra sức động viên, an ủi và hứa sẽ thuyết phục bố mẹ dần. Suốt mấy ngày ở chơi nhà anh, tôi không được nhận một lời hỏi thăm, một nụ cười thân thiện hay một cử chỉ quan tâm. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đôi lúc tôi nghĩ đến chuyện chia tay. Nhưng anh vẫn ân cần chăm sóc và luôn ở bên cạnh động viên tôi cùng anh bước tiếp trên chặng đường phía trước. Sau lần ấy, có thêm mấy lần tôi theo anh về nhà, nhưng tôi càng cố gần gũi, thân thiện thì cách cư xử và thái độ của mọi người trong nhà anh vẫn không thay đổi. Thậm tệ hơn, tôi còn bị xua đuổi thẳng thừng với lý do: “Nhà cô nghèo rớt mồng tơi, đừng bám vào nhà này nữa”. Tôi chán nản và buồn bã vô cùng. Nhưng đã trót yêu anh, tôi đành dấn bước theo lời mách bảo của trái tim…

Trở lại khu công nghiệp, chúng tôi tiếp tục gắn bó và sẻ chia tình cảm. Rồi một ngày, tôi thấy trong người khang khác, đi khám bác sỹ bảo đã mang bầu. Lúc này, tôi thực sự đã rơi vào tình huống khó xử. Bởi bên nhà anh chắc chắn phản đối cuộc hôn nhân, trong khi chúng tôi đều là công nhân, lương ba cọc ba đồng, khó đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nhất là khi con trẻ chào đời. Suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định sắp đến ngày sinh sẽ về nương nhờ bố mẹ đẻ, còn anh vẫn ở lại làm việc kiếm tiền nuôi con. Biết bố mẹ rất buồn phiền vì lời ra tiếng vào, nhưng không còn cách nào khác tôi đành mang tiếng bất hiếu với bố mẹ...

Tôi sinh một bé trai khỏe mạnh và kháu khỉnh. Những ngày nghỉ anh đều bắt xe về thăm con. Anh ngày một gầy đi trông thấy, vì làm việc lao lực, vì áp lực kiếm tiền. Nhìn anh gầy sọm, mắt trũng sâu, lòng tôi đau như dao cắt, đêm đêm những dòng nước mắt lăn dài trên má. Công ty gặp khó khăn, hàng sản xuất ra tồn đọng, không có nguồn thu nên phải nợ lương công nhân. Anh quyết định sang Lào làm ăn. Anh làm công nhân xây dựng cho một chủ thầu người Trung Quốc, thu nhập cũng tạm ổn, đều đặn gửi tiền về nuôi con. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tôi nhận được tin anh bị tai nạn lao động, rơi từ giàn giáo xuống đất và bất tỉnh.

Bác sỹ kết luận, cột sống bị chấn thương nặng, tủy sống bị rò. Theo nguyện vọng, chủ thầu đã chuyển anh về điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội). Tôi ôm theo con ra chăm sóc anh. Nhìn anh nằm bất động, vẻ mặt bơ phờ, toàn thân băng bó, tôi nức nở khóc. Khóe mắt anh cũng rịn ra những giọt nước mắt. Em trai của anh ra chăm sóc anh và hết sức ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy tôi mang theo một đứa bé giống anh y đúc. Từ khi tôi mang bầu, sinh nở cho đến lúc ấy, chúng tôi không hề cho gia đình anh hay biết. Thông tin ấy nhanh chóng được truyền về quê, lần lượt bố mẹ anh ra chăm sóc. Cuộc gặp gỡ lần này khác xa với trước, bố mẹ anh ân cần hỏi han và chia sẻ, cùng gánh vác việc chăm nom anh. Nỗi đau thân xác của anh cùng sự hồn nhiên, đáng yêu của đứa trẻ đã đưa bố mẹ anh và tôi ngày càng xích lại gần nhau. Ông bà đã nhận tôi là con dâu và con trai chúng tôi là cháu nội.

Qua mấy tháng điều trị, tính mạng chồng tôi không còn nguy hiểm, nhưng anh không thể đứng dậy, từ nay đến hết cuộc đời phải gắn bó với chiếc xe lăn. Bố mẹ và anh chị em của anh thuyết phục tôi đưa con về ở cùng gia đình. Lúc ấy tôi không còn nhớ đến thái độ lạnh lùng và những lời lẽ xúc phạm trước kia, chỉ luôn thương và nghĩ đến anh. Tôi cũng không muốn con trai mình phải xa bố nên đồng ý về nhà anh. Bữa cơm đón dâu và mừng anh ra viện gộp làm một, bố mẹ tôi cũng lên tham dự. Không mâm cao cỗ đầy, chỉ đơn sơ mấy món, trong bữa ăn không ai nhắc chuyện ngày xưa. Ngôi nhà nhỏ của bố mẹ anh giờ đã có 3 thế hệ cùng sinh sống.

Toàn bộ chi phí điều trị cho anh do chủ thầu chi trả, ngoài ra còn được đền bù hơn 100 triệu đồng. Số tiền ấy tôi làm vốn, tìm kế sinh nhai. Tôi quyết định buôn bán nông sản, tùy theo mùa vụ, đến từng nhà trong xóm thu mua ngô, đậu, lạc gom lại, rồi tìm đầu mối để nhập. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ làm việc đồng áng, thu hoạch mùa màng cùng bố mẹ chồng, gần như không mấy khi ngơi công việc. Cuộc sống chưa đủ đầy nhưng cũng đã tạm ổn. Bố mẹ chồng thường nói với hàng xóm rằng: “Con gái Đô Lương có khác, đảm đang, tháo vát và giỏi dang không ai bằng!”.

Chuyện tình trắc trở của chúng tôi cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết, cho dù có những chuyện không như mong muốn. Điều quan trọng là được sống bên nhau. Tôi tin ở bản thân mình, tin ở sức mạnh của tình yêu giúp chúng tôi vượt qua mọi nghịch cảnh!

Tường Anh

(Ghi theo lời chị Lê Thị T, xã T- huyện Anh Sơn)

Mới nhất
x
Với tôi, cuộc đời thật có hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO