Vốn vay ưu đãi đồng hành với sinh viên nghèo

28/11/2012 18:20

(Baonghean) - Ba chị em chị Vi Thị Kim Liên, trú tại khối 11, Thị trấn Quỳ Hợp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ.Ngày em...

(Baonghean) - Ba chị em chị Vi Thị Kim Liên, trú tại khối 11, Thị trấn Quỳ Hợp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ.Ngày em của Liên thi đậu vào khoa âm nhạc Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, chị lo lắng tưởng không thể tiếp tục nuôi nổi em học xong cao đẳng, thì may mắn có chủ trương của Đảng, Nhà nước cho học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để trang trải cho học tập. Thực hiện chủ trương này, chị đã mạnh dạn làm thủ tục vay số tiền 800 nghìn đồng/tháng. Số tiền tuy nhỏ nhưng đã giúp chị trang trải cho em ăn học. Sau 3 năm, em chị tốt nghiệp loại khá, được nhận làm việc tại Trường Tiểu học xã Châu Lộc. Cố gắng tiết kiệm, sau vài năm chị đã hoàn trả số nợ 8 triệu đồng cho ngân hàng theo đúng cam kết.

Lo cho em học, có việc làm ổn định xong, chị quyết tâm thực hiện ước mơ của mình và thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Chị tiếp tục làm đơn và được xét vay vốn ưu đãi với số tiền 21,3 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đi học. Số tiền trên phải chi phí cho việc học: Mua đàn 14 triệu đồng, tài liệu, học thêm, ăn ở (riêng tiền ở mỗi tháng 300 nghìn đồng, chiếm gần hết số tiền được vay). Nhưng chị cố tằn tiện, 3 năm học xong ra trường, hiện chị là giáo viên công tác tại Trường THCS xã Châu Cường. Hai chị em có việc làm ổn định, đang gom góp, tiết kiệm lương hàng tháng để nuôi em út ăn học và trả nợ dần cho ngân hàng. Chị xúc động nói: “Nếu không có chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước không biết chị em côi cút như chúng tôi giờ sẽ ra sao? Mong rằng chính sách này tiếp tục đồng hành cùng sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.



Tổ tín dụng về tận xã nghèo Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn để giải ngân nguồn vốn

Ông Bùi Xuân Giáp ở thôn 7, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương là thương binh. Vợ chồng ông nuôi 6 người con, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế hết sức khó khăn. Tuy vậy, cả 5 con đều học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học. Gia đình chật vật bươn chải lo cho các con ăn học, nhiều lúc túng thiếu phải đi vay nợ nóng. Đúng thời điểm khó khăn, gia đình nhận được tin Nhà nước có chính sách cho HSSV nghèo vay vốn để đi học. Gia đình đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ 8, thôn 7 bình xét và được Ngân hàng CSXH cho vay 83,2 triệu đồng để có điều kiện chu cấp cho các con học tập. Hiện 3 người con của ông Giáp đã tốt nghiệp đại học, xin được việc làm ổn định và từ năm 2013 các con sẽ có thu nhập và trả nợ dần cho ngân hàng. Ông xúc động nói: “Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng CSXH thực sự là một địa chỉ tin cậy vững chắc cho những gia đình hộ nghèo, hộ chính sách như chúng tôi”.

Hưng Lĩnh, một xã ven đê sông Lam, huyện Hưng Nguyên, có 13 xóm với 1.535 hộ, 7.358 nhân khẩu. Với truyền thống hiếu học, hàng năm có số lượng HSSV theo học tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề trên khắp cả nước khá lớn. Vì vậy nhu cầu vay vốn để phục vụ cho con em theo học rất cao và vô cùng cần thiết. Nhờ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Chính phủ về “tín dụng đối với học sinh, sinh viên” đi vào cuộc sống đã góp phần san sẻ gánh nặng đối với các hộ gia đình nghèo, tạo điều kiện cho các em HSSV được đến trường. Số dư nợ chương trình cho vay HSSV của con em xã Hưng Lĩnh tại Ngân hàng CSXH huyện năm 2007 chỉ 125 triệu đồng (30 HSSV), sau 5 năm số dư nợ tại Ngân hàng CSXH đã tăng lên rõ rệt: Đến tháng 9/2012, dư nợ chương trình HSSV đạt 5.568 triệu đồng, chiếm 42,8% dư nợ toàn xã, với 1.721 HSSV được vay vốn; không có nợ quá hạn.

Tại Diễn Châu, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Võ cho biết: Diễn Châu hàng năm có hơn 2.000 HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước. Trong số đó một phần không nhỏ là con em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ như một cứu cánh cho nhiều gia đình và nhiều HSSV. Tính đến 30/9/2012, tổng dư nợ cho vay đối với HSSV đạt 313.347 triệu đồng, chiếm 63,81% tổng dư nợ trên toàn huyện. Đây thực sự là một chính sách hợp lòng dân, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, là "cứu cánh" cho đại bộ phận các hộ gia đình khó khăn về kinh tế khi thực hiện ước mơ "đổi đời" cho thế hệ con cháu.

Quán triệt tinh thần “không để bất kỳ một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”, dù địa bàn rộng, đối tượng và nhu cầu vay vốn lớn, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã quyết tâm khắc phục khó khăn đưa nguồn vốn đến với người dân kịp thời, mang lại cơ hội học tập cho hàng trăm nghìn sinh viên nghèo. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua các đợt kiểm tra, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An đều được đánh giá cao tinh thần trách nhiệm với nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, của hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại xã. Hiện nay, với mạng lưới 8.330 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín trên khắp các thôn, xóm trong toàn tỉnh cùng với 478/480 điểm giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH là những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến kết quả thực hiện chương trình trong 5 năm qua.

Nói về khó khăn, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An Lê Xuân Tỵ cho biết: Nguồn vốn để thực hiện Chương trình còn bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn điều chuyển từ Trung ương, do đó có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân, gây tâm lý không tốt trong dư luận. Bên cạnh đó, việc giải ngân mang tính thời vụ cao, thời gian ngắn thường vào đầu năm học và đầu học kỳ trong điều kiện cơ sở vật chất và con người hạn chế nên gây áp lực không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ của Ngân hàng CSXH.

Tại Nghệ An, với mức tăng trưởng như hiện nay, hàng năm cần khoảng 660 tỷ đồng để giải ngân, doanh số cho vay trong 5 năm ước khoảng 3.300 tỷ đồng. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng HSSV hàng năm...

Tổng dư nợ thực hiện cho HS-SV vay vốn của Ngân hàng CSXH Nghệ An đến 30/9/2012 là 2.736 tỷ đồng, với 159.000 HSSV thuộc 122,3 ngàn hộ gia đình đang vay vốn, chiếm 8,1% tổng dư nợ chương trình trong toàn quốc (Nghệ An là tỉnh có dư nợ chương trình HSSV đứng đầu trong toàn quốc). Hoàn thành 99,57% kế hoạch nguồn vốn được Trung ương thông báo. Trong đó đối tượng hộ nghèo là 841 tỷ đồng với 49.373 sinh viên dư nợ thuộc 38.066 hộ, chiếm 30,74% tổng dư nợ và chiếm 31,10% tổng số hộ vay vốn; Đối tượng hộ cận nghèo 1.414 tỷ đồng với 80.042 sinh viên, thuộc 60.962 hộ, chiếm 51,69% tổng dư nợ và chiếm 49,81% tổng số hộ vay vốn. Đối tượng là hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính do 5 nguyên nhân (tai nạn, thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh) là 480 tỷ đồng với 29.647 sinh viên, thuộc 23.337 hộ, chiếm 17,56% tổng dư nợ và chiếm 19,07% tổng số hộ vay vốn. Tuy số dư nợ lớn nhưng nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ.


Minh Thư

Vốn vay ưu đãi đồng hành với sinh viên nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO