Vụ án ở Tiên Lãng - Bài học không của riêng ai

12/04/2013 18:10

(Baonghean) - Vào những ngày đầu tháng 4/2013, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng mở liên tiếp 2 phiên tòa công khai xét xử 2 vụ án liên quan đến vụ cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Đây là vụ án phức tạp và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Kết quả hai phiên tòa cho thấy, các bị cáo chủ yếu của cả hai vụ án đều thùa nhận hành vi do mình gây ra là vi phạm pháp luật. Tại phiên tòa xét xử tội “Chống người thi hành công vụ” hai bị cáo Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý thừa nhận bản thân tổ chức, sử dụng súng bắn đạn hoa cải, mìn tự chế, bình gas, xăng chống lại đoàn thi hành lệnh cưỡng chế là hành vi “giết người”. Còn tại phiên tòa xét xử vụ án “hủy hoại tài sản”, “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” các bị cáo vốn là cựu lãnh đạo huyện Tiên Lãng, lãnh đạo xã Vinh Quang như: Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan cũng thừa nhận bản thân đã vi phạm pháp luật.

Trước hết, tôi muốn nói đến phiên tòa sau, phiên tòa xét xử hành vi sai phạm của các cựu lãnh đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang. Qua những chứng cứ mà cơ quan chức năng thu thập được, cũng như những gì mà các bị cáo nhận trước tòa thì rõ ràng họ đã không vận dụng đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai trong trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn. Từ đó, thay mặt chính quyền họ ra những chủ trương, quyết định không phù hợp với thực tế. Đó là chưa nói đến các vị đã tổ chức cưỡng chế vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, một thời điểm rất nhạy cảm với người Việt ta.

Chính các vị cựu lãnh đạo đó đã không làm phận sự “cán bộ là công bộc của dân” như lời Bác Hồ dạy. Bệnh “quan liêu, mệnh lệnh” đã dẫn các vị đến tình cảnh bi kịch như hôm nay. Cho dù là cá biệt thì các vị đã góp phần làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, với chế độ. Có thể coi việc làm sai trái của các cựu lãnh đạo Tiên Lãng là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy một gia đình nông dân tốt, cần cù làm ăn trở nên đối lập với chính quyền địa phương.

Tất nhiên, việc tòa khẳng định các cựu cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang vi phạm pháp luật, phải chịu những bản án tương xứng thì không có nghĩa là, anh em ông Đoàn Văn Vươn đúng hoặc vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng hơn.

Người xưa có câu “quá giận mất khôn”, những ngày ở trong nhà tạm giam và đứng trước vành móng ngựa, chắc Đoàn Văn Vươn nhận ra trong xã hội ta, việc “tự xử” của ông và người nhà tại Cống Rộc hôm 5/1/2012 là không chỉ trái với pháp luật mà còn trái với cả đạo đức. Và, nếu ai thấy mình bị cán bộ chính quyền gây oan ức cũng xử sự như Đoàn Văn Vươn thì xã hội sẽ ra sao? Chẳng lẽ trong một xã hội lấy việc chấp hành pháp luật làm trọng, quyền dân chủ đang được đề cao thì ông và những người lâm vào hoàn cảnh tương tự không còn cách phản ứng nào khác.

Trên thế giới liệu có một quốc gia nào cho phép người dân khi có mâu thuẫn với chính quyền thì được dùng vũ lực chống lại? Chắc chắn là không! Dù sao, thì thái độ nhận tội của ông Vươn trong tư cách bị cáo cũng như với vai trò người bị hại trong phiên tòa sau đã nói lên rằng, ông đã chối bỏ những mỹ từ như “anh hùng” “bất khuất” mà số phần tử xấu cố ý thổi phòng, tung hô mình với ý đồ đen tối của họ. Đó là một thái độ cần có và là một xử sự đúng.

Dám tin rằng, chắc không có hai phiên tòa trong một vụ án, cũng không có chuyện những người trên thành bị cáo, nếu trước đó, những công chức ở các cơ quan liên quan nêu cao trách nhiệm lắng nghe ý kiến người dân, kịp thời xử lý đơn thư khiếu nại của ông Đoàn Văn Vươn, thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Dù sao thì bây giờ những người nông dân như Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, những cựu lãnh đạo huyện, xã như Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh đã ra tòa và nhận những bản án tương xứng.

Vẫn biết là quá muộn, nhưng bài học đó không chỉ của riêng các bị cáo trên.


Việt Long

Vụ án ở Tiên Lãng - Bài học không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO