Vụ chìm ca nô kinh hoàng: Vật lộn với sóng dữ để cứu người
Thượng úy Hoàng Gia Khánh thuật lại những thời khắc nghẹt thở về chuyến vượt biển trong đêm, vật lộn với sóng dữ, cứu những nạn nhân của vụ chìm ca nô kinh hoàng trên vùng biển Cần Giờ.
Mặc gió to, sóng dữ, ngay khi nhận được tin báo, thượng úy Hoàng Gia Khánh, Trạm trưởng trạm kiểm soát Biên phòng Đồng Hòa, Đồn Biên phòng Long Hòa, Bộ đội biên phòng TP.HCM, đã điều động 3 tàu cứu hộ, cùng 40 chiến sĩ tức tốc ra biển để thực hiện công tác cứu hộ.
Khoảng 23 giờ (tối 2/8) thì đội cứu hộ ra tới địa điểm ca nô gặp nạn. Nhưng lúc này công tác tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn vì đêm tối, gió mạnh, sóng to. Bằng kinh nghiệm của mình, thượng úy Khánh, người chỉ huy trực tiếp công tác cứu hộ, quyết định cho thuyền dạt vào Cồn Ngựa để tìm kiếm.
“Thủy triều đang lên, gió thổi hướng vào bờ, linh cảm tôi mách bảo là các nạn nhân bị đánh dạt vào Cồn Ngựa”, thượng úy Khánh nhớ lại.
Đúng như dự đoán, 3 tàu cứu hộ đã tìm ra được nơi chiếc ca nô bị lật cách địa điểm theo tin báo 2 hải lý. Khi phát hiện, cả 17 nạn nhân đều đã kiệt sức, đang đu bám vật vờ vào sợi dây quanh mũi tàu. Nhiều nạn nhân sau đó kể lại, nếu đội cứu hộ tới trễ một chút, chắc nhiều người đã phải... buông xuôi.
Thượng úy Khánh kể: “Lúc chúng tôi tới, cả 17 người đều đang rất hoảng hốt. Có ba người đang bị thương rất nặng nhưng vẫn cố bám víu vào sợ dây để tìm kiếm sự sống. Nhiều người đã khóc khi được kéo lên tàu”.
Ngay lập tức, các chiến sĩ đã đưa 17 nạn nhân lên tàu và sơ cấp cứu ban đầu. Ba người bị thương nặng được chuyển lên tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đưa vào Vũng Tàu cấp cứu.
Những nạn nhân còn lại được thượng úy Khánh đích thân đưa thẳng vào Bệnh viện Cần Giờ chữa trị.
Đưa thi thể nạn nhân vào bờ - Ảnh: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cung cấp
Đại tá Lê Ngọc Hùng, Trưởng tham mưu Bộ đội biên phòng TP.HCM kể lại quá trình tìm kiếm và cứu 17 nạn nhân trong đêm tối - Ảnh: Công Nguyên
Trưa 3/8, 2 trực thăng của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Sư đoàn 370 và các phương tiện tàu thuyền của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thành phố và huyện tiếp tục nỗ lực thực hiện tìm kiếm cứu nạn tại khu vực xảy ra chìm ca nô và mở rộng địa bàn tìm kiếm xung quanh khu vực xảy ra tai nạn.
Chiều cùng ngày, cơn mưa dai dẳng kèm theo gió lớn khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đội cứu hộ vẫn tiếp tục “cưỡi” trên đầu sóng dữ để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Sở chỉ huy tiền phương được thành lập ngay sau khi vụ việc xảy ra và đặt tại trụ sở UBND H.Cần Giờ do Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM chỉ huy.
Đại tá Lê Ngọc Hùng, Trưởng tham mưu Bộ đội biên phòng TP.HCM, cho biết ngay khi xảy ra sự việc Bộ đội biên phòng TP.HCM đã phối hợp với với các lực lượng của H.Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và cứu chữa các nạn nhân. Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng TP.HCM cũng đã liên lạc với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển Vùng 3… tham gia công tác cứu nạn, tìm thi thể nạn nhân. Đến sáng hôm nay 4.8, công tác cứu hộ, tìm kiếm thi thể của các nạn nhân vẫn đang tiếp tục. |
Theo Thanh niên - TH