Vũ khí hạt nhân vẫn là một thách thức đe doạ hoà bình thế giới

07/06/2011 17:26

Bản báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 7/6 đã đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại rằng: Hiện đã có hơn 5.000 vũ khí hạt nhân được triển khai trên toàn thế giới. Trong đó, các cường quốc hạt nhân vẫn đang tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân mới nhằm nâng cao tiềm lực, gây tổn hại đến những nỗ lực giải trừ vũ khí mà cộng đồng thế giới theo đuổi.

Bản báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 7/6 đã đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại rằng: Hiện đã có hơn 5.000 vũ khí hạt nhân được triển khai trên toàn thế giới. Trong đó, các cường quốc hạt nhân vẫn đang tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân mới nhằm nâng cao tiềm lực, gây tổn hại đến những nỗ lực giải trừ vũ khí mà cộng đồng thế giới theo đuổi.

Theo số liệu của SIPRI, hiện 8 cường quốc hạt nhân trên thế giới gồm: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel đang sở hữu hơn 20.500 vũ khí hạt nhân.


SIPRI: "Bất chấp nhiều nỗ lực cắt giảm vũ khí, mối đe dọa về hạt nhân vẫn còn cao". - Ảnh: Ria Novosti

Cũng theo bản báo cáo trên thì: “Hiện trên thế giới có khoảng 5.000 vũ khí hạt nhân đã được triển khai và trong trạng thái sẵn sàng sử dụng, trong số này, có gần 2.000 vũ khí hạt nhân đang được duy trì trong trạng thái báo động vận hành cao”.

Ngoài ra, bản báo cáo mới nhất của SIPRI còn chỉ ra rằng, tính đến tháng 1/2011, số vũ khí hạt nhân thuộc quyền sở hữu của Nga đã lên tới con số 11.000, trong đó có 2.427 vũ khí hạt nhân đã được triển khai trong khi các con số trên của Mỹ lần lượt là 8.500 và 2.150 vũ khí hạt nhân.

Tháng 4/2010, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu trên thế giới là Nga và Mỹ đã ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, trong đó quy định hai nước sẽ phải cắt giảm số vũ khí hạt nhân xuống còn tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân. Các số liệu được nêu lên trong bản START mới giữa Nga và Mỹ cũng đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia của SIPRI. Phát biểu trên trang web chính thức của SIPRI, ông Shannon Kile-một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu của viện nghiên cứu này cho rằng: “Xét theo một nghĩa rộng thì những quy định về cắt giảm vũ khí được nêu lên trong bản START mới giữa Nga và Mỹ là một bước đi thiết thực nhằm hướng tới tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh hai nước này đã theo đuổi các kế hoạch phát triển các lực lượng hạt nhân qua nhiều thập kỷ và coi vấn đề hiện đại hóa hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc phòng”. Trong khi đó, theo quan điểm của nhiều chuyên gia khác của SIPRI thì các con số cắt giảm do Nga và Mỹ đưa ra vẫn còn khá khiêm tốn, đồng thời khuyến cáo rằng “Hiện cả Nga và Mỹ đều đang triển khai các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân mới hoặc đã từng tuyên bố ý định theo đuổi kế hoạch này, cũng như bày tỏ lập trường muốn giữ lại các kho vũ khí hạt nhân trong một tương lai chưa xác định”.

Hãng tin AP trích lời Phó Giám đốc SIPRI Daniel Nord cho biết, Mỹ đang có kế hoạch phân bổ 92 tỷ USD cho các công trình cơ sở hạ tầng về vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới. Trong khi đó, Nga cũng đang lên kế hoạch hiện đại hóa hệ thống tên lửa đạn đạo và trang bị thêm 8 tàu ngầm hạt nhân mới. Cũng theo ông Nord, Anh vừa đưa ra quyết định sơ bộ về việc duy trì sức mạnh vũ khí hạt nhân ở mức hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hóa các thiết bị tên lửa và Pháp cũng vừa hoàn tất một chương trình hiện đại hóa tương tự. Phát biểu trước phóng viên AP, ông Nord cho biết: “Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều đưa ra một thông điệp rằng họ muốn duy trì sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng từ 30-50 năm tới”.

Bên cạnh đó, báo cáo vừa được công bố của SIPRI cũng chỉ ra rằng, hiện Ấn Độ và Pakistan không chỉ đang tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển các hệ thống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mới, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân mà còn đang nỗ lực mở rộng khả năng sản xuất các nhiên liệu tách rời, phục vụ cho các mục tiêu quân sự. Bất chấp việc Tel Aviv đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ, bản báo cáo mới nhất của SIPRI cũng cho rằng hiện Israel đang sở hữu tới 80 đầu đạn hạt nhân .

Nhận định về các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến hạt nhân năm 2010, SIPRI cho rằng, sự kiện trên đã cho thấy “sự phân chia sâu sắc” giữa các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân. “Những sự phân chia này đã phủ bóng mờ lên triển vọng đạt được tiến triển trong nỗ lực hoàn thiện ngay cả là những công đoạn khiêm tốn nhất để đưa ra một bản tài liệu cuối cùng”, SIPRI khẳng định.


Theo cpv.org.vn

Mới nhất

x
Vũ khí hạt nhân vẫn là một thách thức đe doạ hoà bình thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO