Vũ khí vô cảm
(Baonghean) - Đang lướt trang chủ facebook, một người bạn gửi cho mình đường link qua tin nhắn cá nhân kèm theo lời “rủ rê”: “Vào mà hóng, biết đâu mấy ngày nữa lại thành tâm điểm của cộng đồng mạng chứ chẳng đùa!”. Mình nhấp chuột vào: thì ra là một đoạn clip quay một cô gái trông có vẻ không được xinh xắn cho lắm đang hát cover một ca khúc thịnh hành hiện nay. Lượt truy cập và số lượng bình luận tăng lên khá nhanh, hầu hết đều châm biếm nhân vật trong clip. Nhưng điều khiến mình chú ý nhất là số lượt chia sẻ clip.
Hiếu kỳ dường như là một bản năng không thể nào xoá bỏ của con người. Mình nhớ hồi bé, đi đâu thấy có đám đông tụ tập là y như rằng đòi nằng nặc bố mẹ cho đến xem bằng được. Có lúc là đám chọi gà, có khi là một chiếc xe đẹp, nhưng cũng có lúc là một vụ tai nạn trên đường. Tất nhiên, khi mình đủ lớn để hiểu được một vụ tai nạn có nghĩa là gì, mình cũng biết đó không phải là thứ để người ta tụ tập nhòm ngó, chỉ trỏ, bàn tán như một màn biểu diễn trên sân khấu. Có lẽ không chỉ riêng mình, mà ai cũng hiểu được điều tất yếu ấy. Nhưng có một sự thật là con người ta vẫn thường chịu thua bản tính hiếu kỳ của mình, và mỗi lần có tai nạn hay một sự việc gì không hay, chúng ta nhanh chóng thấy đám đông được hình thành và chỉ toả đi rất lâu sau đó.
Tại sao con người ta lại tò mò? Có lẽ chính các nhà triết học cũng phải lắc đầu chịu thua trước câu hỏi mang tính nguyên thuỷ này. Những truyền thuyết cổ xưa nhất, như câu chuyện về chiếc hộp Pandora chẳng hạn, đã ghi nhận tò mò như là một phần định nghĩa nên loài người, là nguyên nhân sâu xa của những mầm mống xấu xa trong xã hội con người. Một mặt, tính hiếu kỳ thể hiện một nhu cầu chính đáng về thông tin, về sự kết nối với thời gian và không gian mà ta đang sống. Nhưng mặt khác, khi sự tò mò đó đi quá đà, lại là dấu hiệu của sự thiếu hụt trong cuộc sống - về mục đích, quan điểm, kiến thức hay lý tưởng sống - dẫn dắt người ta phải bù đắp vào khoảng trống đó bằng sự soi mói có phần cực đoan, thái quá.
Quay trở lại với câu chuyện đoạn clip mà bạn mình chia sẻ, mình vẫn thắc mắc việc xem, bình luận và chia sẻ một thông tin vô thưởng vô phạt, không liên quan đến mình có thể đem đến cho chúng ta điều gì? Nhưng điều nghiêm trọng hơn thế, đó không chỉ là một thông tin có tính chất trung tính mà mang tính riêng tư cá nhân khá cao. Bằng việc chia sẻ hàng loạt, bình luận một cách khiếm nhã công kích một người chúng ta thậm chí chưa một lần gặp mặt, chúng ta đã vô tình biến cuộc sống của một ai đó bỗng nhiên trở thành địa ngục. Một cái nhấp chuột, vài giây gõ trên bàn phím, cứ tưởng rằng đó là những cử chỉ vô hại nhưng hãy tưởng tượng, nếu một ngày tỉnh dậy và thấy cả thế giới - dù chỉ là thế giới ảo - đang chĩa mũi dùi vào mình, liệu bạn có thể nào không thấy bị đả kích ghê gớm?
Khi còn bé và bị bố mẹ la mắng, mình khóc chỉ để “ăn vạ” thôi chứ không bao giờ khóc vì câu hỏi “Mình đã làm gì sai mà bố mẹ mắng mình?”. Thế nên những giọt nước mắt ấy cũng chỉ thoáng qua như một cơn mưa rào mùa hạ và nỗi buồn con trẻ thường mau chóng được hong khô. Nhưng cô gái trong đoạn clip nói trên, chắc chắn sẽ tự vấn bản thân rất nhiều lần “Vì sao?”, và sự công kích cực đoan, thái quá của cư dân mạng đến một lúc nào đó sẽ khiến cô nghĩ rằng mình đã sai thực sự. Đúng hay sai, suy cho cùng hoá ra chỉ để giải khuây cho sự nhàn rỗi đến mức “vi bất thiện”, liệu có lố bịch quá chăng?
Nhưng không, điều đó không chỉ lố bịch, mà là cả một sự vô tâm đến mức phi nhân văn. Nếu có thể giết chết một con người bằng cách xoá tên người ấy ra khỏi lịch sử, phủ nhận sự tồn tại của họ thì việc công kích tập thể - dù chỉ là trong thế giới ảo - cũng có sức mạnh không kém. Khả năng lan toả thông tin của thời đại số là một công cụ tuyệt vời, nhưng xin đừng sử dụng nó như một thứ vũ khí vô cảm.
Hải Triều