Vụ MB24 là bài học cảnh tỉnh cho sự hám lợi, ít hiểu biết

21/08/2012 15:54

(Baonghean) Tháng 7/2012, khi Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (viết tắt là MB24) có sàn giao dịch điện tử tại địa chỉ www.mb24.vn, trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh ở các tỉnh đã bị các cơ quan công an điều tra, xử lý thì tại Nghệ An, hành vi vi phạm pháp luật của chi nhánh công ty này cũng bị Công an Nghệ An phanh phui. Sau đây là nội dung phỏng vấn ngắn Đại tá Đào Hồng Lập- Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Nghệ An về vụ việc này.

PV: Thưa đồng chí, sau những sai phạm nghiêm trọng của mua bán 24 trong cả nước, đến nay, đường dây này đã được phanh phui với sự vào cuộc của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành. Vậy, phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An đã vào cuộc như thế nào để góp phần đưa đường dây này ra ánh sáng?



Đại tá Đào Hồng Lập

Đại tá Đào Hồng Lập: Được sự chỉ đạo kịp thời của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế đã tập trung lực lượng xác minh và làm rõ chi nhánh MB24 tại Nghệ An. Cụ thể là quá trình thành lập, hoạt động của chi nhánh kể từ ngày 1/10/2011 đến 31/7/2012. Chúng tôi đã điều tra làm rõ tổ chức, cách thức, quá trình hoạt động, việc thu tiền, chuyển tiền, nhận hoa hồng và các loại tiền thưởng của chi nhánh này trên địa bàn.

PV: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về hoạt động và mức độ thiệt hại do Chi nhánh MB24 tại Nghệ An gây ra?

Đại tá Đào Hồng Lập: MB24 là loại hình hoạt động thương mại điện tử. Đây là loại hình thực chất là cầu nối giữa sản xuất và thương mại điện tử. Nếu được sử dụng đúng chức năng thì nó phục vụ rất tốt cho vấn đề sản xuất và phát triển sản xuất. Nhưng ở đây, các đối tượng MB24 nói chung và chi nhánh Nghệ An nói riêng lại tập trung vào vấn đề phát triển các hội viên với mục đích thu được nhiều tiền hoa hồng.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã làm rõ ở Nghệ An trong 10 tháng các đối tượng đã tuyên truyền cho hơn 6.000 người được nghe về MB24 và trong hơn 6.000 người đó đã có hơn 1.000 người tham gia mua tổng số là 2.519 gian hàng. Chúng tôi xác định cứ 1 gian hàng người ta phải nộp vào 5.200.000 đồng. Tuy nhiên, còn có quá trình trích, chẳng hạn như trích cho người mới giới thiệu cho mình là 1.500.000 đồng. Như vậy, ở đây có những người vừa là người bị hại nhưng cũng là người gây hại cho người khác.

PV: Điều quan tâm nhất bây giờ của những nạn nhân trong vụ án này là làm sao lấy lại được số tiền đã trao cho MB24. Theo đồng chí, có giải pháp nào để giúp họ?

Đại tá Đào Hồng Lập: Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội để điều tra làm rõ vụ án này và trong quá trình điều tra sẽ có 2 vấn đề được đặt ra. Đó là trách nhiệm hình sự của các đối tượng phạm tội và trách nhiệm kinh tế và dân sự. Cụ thể, các đối tượng được hưởng lợi bao nhiêu của những người bị hại thì những đối tượng này phải có trách nhiệm bồi hoàn lại cho người bị hại và được xử lý trong một bản án. Cụ thể được bồi hoàn lại bao nhiêu thì rất khó. Bởi đây là cả một quá trình phức tạp, có trích lên, trích xuống và có một tỉ lệ nhất định phải được xử lý trong một bản án.

PV: Qua đây, có sự cảnh báo gì của cơ quan chức năng đối với người dân?

Đại tá Đào Hồng Lập: Những người nào đó do ham lợi quá mức, ít hiểu biết, bị dụ dỗ tham gia vào các hoạt động thương mại tương tự mà trước đây là vụ việc Colony (huy động đầu tư tài chính qua mạng trái phép tại Việt Nam) là một bài học cảnh tỉnh để xác định được: Làm ra được đồng tiền phải bằng quá trình đào tạo và khổ luyện của mình, chứ không đơn giản là ngồi mở máy tính ra, vận động các đối tượng tham gia kiếm tiền như các đối tượng MB24 đã vận động và bị thiệt hại như vừa qua.

Xin cảm ơn đồng chí!


Hương Giang – Minh Khôi

Vụ MB24 là bài học cảnh tỉnh cho sự hám lợi, ít hiểu biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO