Vụ nổ tại Lào qua lời kể của những người trong cuộc

01/08/2017 13:29

(Baonghean.vn) - Đã 4 ngày sau vụ nổ tại công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1, huyện Pa Ka San tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào), những người chứng kiến tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.

» Ước mơ dang dở của những công nhân tử nạn tại Lào

Được biết, dự án thủy điện Nậm Nghiệp 1 có công suất 29 MW, do Tập đoàn Điện lực Lào làm chủ đầu tư, thời gian thi công từ năm 2014 đến năm 2018. Tổng thầu xây lắp chính của dự án là Công ty Obayashi (Nhật Bản), có 5 nhà thầu phụ của các nước, trúng thầu xây lắp công trình. Công ty cổ phần Sông Đà 5 (Việt Nam) đảm nhận thi công các hạng mục: đập chính, đập điều tiết, trạm RCC…

Công nhân đang thi công trên Công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào). Ảnh NVCC
Công nhân đang thi công trên Công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào). Ảnh: NVCC

Theo ông Nguyễn Văn Nam (55 tuổi) - chú ruột của nạn nhân Nguyễn Văn Phương, ở xóm 8, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), tại công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1, công nhân thuộc Công ty Sông Đà làm việc 3 ca, ca đêm bắt đầu từ 21h đến 6h sáng hôm sau.

Đêm 28/7, sau khi ăn cơm tối xong, lúc 21h, công nhân lao động ca 3 tập trung đi nghe quán triệt các nội dung về an toàn lao động, sau đó lên xe ra công trường. “Làm việc ở đây, lúc nào cũng thế, trước khi đi làm, công nhân phải tập trung nghe quán triệt an toàn lao động khoảng 15 phút".

Đêm đó, mọi người ra công trường làm việc bình thường. Trên mặt đập có nhiều đội công nhân cùng thi công. Ông Nam thuộc đội tổng hợp, làm cách chỗ Phương - cháu ông, thuộc đội cốt pha chừng 30 m. Lúc mới vào ca, Phương và 1 người bạn khác lo hàn 1 tấm tôn trên mặt đập, các công nhân trong đội thì vận chuyển bình ô xy đến chỗ làm việc (mỗi bình nặng trên dưới 70 kg, nên 2 người thường khiêng 1 bình).

Làm ca đêm trên mặt đập ở Công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1. Ảnh: NVCC
Làm ca đêm trên mặt đập ở Công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1. Ảnh: NVCC

Làm được một lúc, khoảng 22h, khi ông Nam đang lắp ống nước vào máy “bắn xờm” chuẩn bị rửa bê tông, thì nghe một tiếng nổ lớn, đá bay rào rào. Tiếng nổ đanh và vang, khác với những tiếng nổ lốp bánh xe trước đó ở công trường.

“Nghe thấy tiếng nổ kinh hoàng, nghĩ có chuyện chẳng lành, lại nghe tiếng kêu hoảng loạn của một số công nhân, thì tôi chạy vội về phía đội cốt pha. Lúc chưa đến chỗ làm của đội đã thấy nhiều mảng xương thịt nằm vương vãi trên mặt đập. Người đầu tiên mà tôi nhìn thấy là thi thể cháu Hai - người Phú Thọ, rồi cháu Phương. Tôi òa khóc và gục trên xác cháu tôi” - ông Nam đau xót.

Cả công trường dừng lao động, ông Nam và một số người làm việc gần đó, tức tốc vận chuyển những công nhân gặp nạn từ thân đập xuống đường, do đập ở trên cao, nên phải lên xuống bằng 1 cái thang sắt. Dưới đường, xe ô tô đã chờ sẵn để chở các nạn nhân đi bệnh viện. Những người có mặt trên thân đập tiếp tục tìm kiếm, gom nhặt thi thể những nạn nhân còn lại.

Chiếc xe đầu tiên chở thi thể 3 nạn nhân: Nguyễn Văn Phương, Hạ Hữu Hai và 1 thanh niên người dân tộc về đến bệnh viện Bắc Xan sau đó không lâu. Ông Nam cũng bắt xe ra bệnh viện theo cháu. Mờ sáng hôm sau (29/7), chiếc xe thứ 2 chở thi thể các nạn nhân còn lại cũng đã đến bệnh viện. Trưa hôm đó, công trường đã đưa quan tài đến và tổ chức tắm rửa, làm lễ khâm liệm cho các nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Nam ở xóm 8, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) đang kể lại vụ nổ kinh hoàng tại Lào. Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Văn Nam ở xóm 8, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) đang kể lại vụ nổ kinh hoàng tại Lào. Ảnh: Huy Thư

Mấy ngày sau vụ nổ, ông Nam vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi đi làm đã nhiều năm ở công trường, chỉ nghe chuyện nổ bình gas, chứ chưa khi nào nghe nói đến chuyện nổ bình oxy. Hơn nữa, làm việc với người Nhật, rất khắt khe trong vấn đề giữ gìn an toàn lao động, chỉ xảy ra sơ suất nhỏ cũng dừng thi công mấy ngày, thế mà vẫn xảy ra tai nạn lao động chết 6 người cùng một lúc, đau xót quá”.

Ông Nam cho biết thêm: “Khi đó, tôi chạy đến hiện trường thì chỉ lo tìm cháu, chứ không lo nhìn xung quanh. Sau này, được mọi người nói lại là trên mặt đập - chỗ cháu Phương và đội cốt pha làm việc, đã bị khoét một lỗ rộng và sâu, đó là tâm của vụ nổ. Có lẽ do sức công phá lớn, nó không chỉ làm 4 người trong đội cốt pha tử vong mà còn làm 2 người “cắt khe” thuộc đội khác ở cạnh cũng bị thiệt mang”.

Anh Hoàng Văn Đồng ở xóm 5 xã Thanh Hà (Thanh Chương) - một lao động làm việc tại công trình thủy điện này và là người theo xe đưa thi thể nạn nhân Hà Cao Kỳ về quê, chia sẻ: “Đêm hôm đó, em đang ở trong lán, cách công trường mấy cây số, thì nghe một tiếng nổ lớn. Mọi người nháo nhác ra khỏi chỗ ở và chạy đến công trường. Lúc em đến thì thi thể các công nhân gặp nạn đã được đưa xuống khỏi thân đập”.

Nỗi đau của người thân tử nạn tại Lào. Ảnh: Huy Thư
Nỗi đau của người thân tử nạn tại Lào. Ảnh: Huy Thư

Không giấu nổi sự đau xót và hoang mang sau vụ nổ, anh Nguyễn Duy Hải (26 tuổi) ở xóm 10 xã Thanh An, người đã trực tiếp tắm rửa, khâm liệm và đưa thi thể các nạn nhân về quê, cho biết: “Sau một tiếng nổ, nhiều người bạn của em đã ra đi vĩnh viễn, thấy đau xót và thương tiếc các bạn quá, tuổi trẻ còn bao ước mơ, dự định chưa làm được. Vụ nổ đêm hôm đó thật sự đã gây nên sự đau đớn, hoang mang, lo lắng cho nhiều người, đặc biệt là những người tham gia lao động tại đây”.

Vụ nổ xảy ra tại Công trường thủy điện Nậm Nghiệp 1, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) đêm 28/7/2017 làm 6 người tử vong gồm:

Trần Văn Sáng (SN 1989, trú xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, Nghệ An); Nguyễn Văn Phương (SN 1991, trú xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An); Hà Cao Kỳ (SN 1991, trú xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An); Già Bá Lầu (SN 1985, trú bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An); Xái Cồ (SN 1983, trú xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An); Hạ Hữu Hai (SN 1992, trú huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).

2 nạn nhân bị thương nặng gồm: Hờ Bá Chênh (SN 1984) và Lỳ Giống Xía (SN 1971), đều trú tại tỉnh Nghệ An)./.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vụ nổ tại Lào qua lời kể của những người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO