"Vụ ông Hồ Nghĩa Dũng là bài học cho cán bộ nghỉ hưu"

01/10/2014 15:31

“Chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau rằng, cán bộ đương chức khi nghỉ hưu thì cần nghiên cứu kỹ các quy định để không vi phạm những điều không đáng có như thế”.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trước câu hỏi của báo giới về trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, khi ông Dũng sau khi từ nhiệm đã tham gia hội đồng quản trị của một doanh nghiệp ngành giao thông, mà cụ thể là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, sau khi báo chí thông tin, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã nghiêm túc nhìn nhận sự việc, nhanh chóng nhận sai sót do đã không nắm kỹ Nghị định 102 quy định cán bộ công chức sau khi nghỉ việc nên đã mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia công việc của công ty.

"Câu chuyện này họ đã tự khắc phục, nên cũng không muốn nhắc lại. Hơn nữa, việc này cũng không thuộc quyền quản lý của Chính phủ nên Chính phủ không bàn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhắc nhở với nhau rằng đây là bài học rút kinh nghiệm chung cho những cán bộ đương chức hiện nay khi nghỉ hưu thì cần nghiên cứu kỹ các quy định với mình để không phải vướng, vi phạm những điều không đáng có như thế”, Bộ trưởng Nên nói.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa thông xe đã bị nứt nhiều chỗ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, báo giới cũng như dư luận cần hiểu được bản chất vấn đề, trước hết là sự thật của vết nứt này.

Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và các ngành chức năng, trong quá trình thực hiện các công việc cuối cùng để chuẩn bị thông xe thì đã phát hiện vết nứt này rồi, chứ không phải sau khi thông xe mấy ngày mới phát hiện vết nứt như một số báo nêu.

Hiện nay, nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết thực hiện công việc của mình. Còn cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các công đoạn cũng đang ráo riết thẩm định, kiểm tra lại, tìm nguyên nhân cho rõ, khi đó công bố mới chính xác.

Thứ hai, khi đặt vấn đề, chúng ta nên có một giới hạn nhìn nhận rằng nó là cái gì. Là vô trách nhiệm, là hời hợt, tiêu cực hay gì đó. Việc đó sau khi điều tra chúng ta sẽ phát hiện. Nhưng trước mắt, cơ quan chủ quản đã phát hiện điều này, đã biết điều này.

Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói là đã chủ động mời một số báo chí đến trực tiếp, mắt thấy tai nghe và biết kế hoạch sắp tới Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo làm những việc gì.

“Khi một sự việc xảy ra, chúng ta chia sẻ kịp thời, cung cấp thông tin để nhân dân hiểu, thì sự việc có thể khác hơn. Thủ tướng có chỉ đạo là những gì báo chí nói chưa đầy đủ, hoặc là chưa chính xác, thì có phần trách nhiệm của người cung cấp thông tin, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin”, Bộ trưởng Nên nói.

Theo VnEconomy

Mới nhất
x
"Vụ ông Hồ Nghĩa Dũng là bài học cho cán bộ nghỉ hưu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO