"Vua ba ba" ở Yên Thành

08/04/2014 13:29

(Baonghean) - Anh Đào Văn Khai ở xóm 3A, xã Tăng Thành - Yên Thành được mọi người gọi là “vua ba ba”. Anh là người đầu tiên nuôi ba ba với quy mô lớn thành công trên quê lúa và sau gần 8 năm khởi nghiệp, nghề nuôi ba ba thương phẩm đã cho doanh thu gần 2,1 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là trong phong trào phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới, anh là người truyền bí quyết và giúp đỡ trên 100 hộ nuôi ba ba của xã Tăng Thành vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, anh Đào Văn Khai đã từng bôn ba làm đủ thứ nghề nhưng cuộc sống vẫn quanh năm khốn khó. Năm 2006 qua phương tiện thông tin đại chúng thấy nghề nuôi ba ba có hiệu quả, anh khăn gói ra tận Hưng Yên rồi về Hà Tĩnh để tham quan học hỏi mô hình. Năm 2007 anh đầu tư cải tạo ao đầm và nuôi trên 1.000 con giống ba ba tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Ngày đầu thả giống ba ba xuống đầm không hết những âu lo, chăm sóc được gần 1 năm ròng, ba ba đạt trọng lượng cỡ gần 1 kg/con. Anh Khai đến các hàng quán, nhà hàng, đặc sản hỏi giá được biết 250.000 đ/kg ba ba. Vợ chồng Khai nghĩ chắc là sẽ trúng to, sẽ có tiền để trả ngân hàng, ai ngờ ba ba lại lăn đùng ra chết dần chết mòn, cứ mỗi ngày chết từ 15-20 con mà không rõ lý do. Sau lần đó, anh phải nhờ các chuyên gia về để kiểm tra bệnh dịch, cuối cùng mới tìm được ra nguyên nhân ba ba chết là do con giống mua ở Hưng Yên không hợp với điều kiện khí hậu quê mình, hơn nữa chưa có kinh nghiệm nuôi, thả quá dày, nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh. Lần đó ao nuôi chết trên 500 con ba ba.

Anh Đào Văn Khai bên ao nuôi ba ba.
Anh Đào Văn Khai bên ao nuôi ba ba.

Vướng vào con ba ba thua lỗ, vợ anh nản chí bàn chồng chuyển sang nuôi cá nhưng Đào Văn Khai nhất quyết theo con đường đã lựa chọn. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, Khai tiếp tục vay mượn tiền để mua giống ba ba. Lần nay theo những người có kinh nghiệm tư vấn, anh lặn lội vào Hà Tĩnh để mua con giống, vì chung miền khí hậu sẽ hợp với vùng đất Yên Thành. May mắn thay là ông chủ cơ sở nuôi ba ba ở Hà Tĩnh rất nhiệt tình truyền dạy bí quyết cho anh và hứa là sẽ lo đầu ra luôn.

Năm 2008 anh Khai tiếp tục thả trên 1000 con ba ba giống trên 600 m2, nhờ nuôi đúng với quy trình kỹ thuật nên đã thắng lớn, được khoảng 650 kg ba ba, bán với giá 250.000 đ/kg doanh thu trên hơn 162 triệu đồng. Số tiền lãi anh đầu tư nâng cấp mở rộng thêm ao nuôi, tổng cộng 4 ao nuôi rộng trên 1.300 m2, tất cả bờ ao đều được kè đá, xây dựng tường rào để chống trộm, phía trên thả bèo tây che bóng mát. Nuôi ba ba phải 2 năm mới cho thu hoạch, để tăng thêm tính hiệu quả, anh triển khai nuôi “xen canh”, trong năm thả giống chia làm nhiều lứa để có bán quanh năm cho các nhà hàng, khách sạn. Liên tiếp các năm đều được mùa ba ba, riêng trong năm 2013 anh Khai thả trên 1.200 con giống, bình quân đạt 700 kg, giá thị trường 300.000 đ/kg doanh thu 210 triệu đồng.

Theo anh Khai thì nghề nuôi ba ba vừa dễ mà vừa khó. Muốn nuôi ba ba thịt lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, cần phải nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi thả giống cần chuẩn bị ao bể nuôi đảm bảo nước sạch. Thả giống sớm để tranh thủ nuôi được hết các tháng có nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất, phù hợp nhất là thả từ tháng 3, tháng 4 trong năm. Cỡ giống thả từ 100-200g/con. Trong một ao thả cùng cỡ chọn ba ba giống khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh. Thức ăn nuôi ba ba có thể chia 3 loại chủ yếu: Thức ăn động vật tươi sống. thức ăn động vật khô, thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp. Trong các loại thức ăn trên anh Khai chủ yếu mua cá tạp ở vùng biển Diễn Châu, xen thêm cám và các loại rau chuối. Vừa nuôi ba ba thương phẩm, anh còn nuôi cả ba ba gai (ba ba rừng). Loại ba ba rừng này giống hiếm, lại đắt đỏ, mỗi lần chỉ mua được từ 2-3 con. Đặc tính của loại ba ba gai là sinh trưởng nhanh, có thể đạt trọng lượng 5 kg, giá bán 600.000 đ/kg. Hiện tại ao nuôi có trên 50 con ba ba gai sắp xuất bán được. Kỹ thuật nuôi ba ba gai không quá cầu kỳ, nếu nuôi bể riêng càng tốt, mật độ từ 3-4 con/m2. Ba ba gai hợp với các loại thức ăn tôm, tép, giun, ếch, nhái, ốc sên, cá và cho ăn 1-2 bữa/ngày.

Để chủ động nguồn giống, anh còn học thêm nghề ấp trứng ba ba, anh vào Hà Tĩnh mua trứng ba ba ấp thử, khi đạt tỷ lệ 80-90% trứng nở mở thêm nghề kinh doanh con giống. Theo anh Khai thì muốn ấp nở tốt thì cần có phòng ấp trong nhà. Dụng cụ ấp trứng thường dùng khay, chậu bằng nhôm, sắt tráng men hoặc bằng nhựa, mỗi chậu nhôm có thể ấp từ 200-300 trứng, chậu ấp đựng cát mịn ẩm và tơi xốp. Thời kỳ ấp trên 50 ngày, cần nhất là giữ cho nhiệt độ và độ ẩm cát ấp được ổn định. Cách 1-2 ngày lớp cát trên mặt bốc hơi bị khô, cần phun nước cho ẩm trở lại bình thường. Khi ba ba nở thì chọn những con khoẻ mạnh, đã “rụng rốn” để đưa vào bể ương. Chủ động được nguồn giống nên đủ cung ứng cho nhiều hộ dân nuôi ba ba của xã Tăng Thành, mỗi năm nhờ từ ấp trứng ba ba cũng tạo thêm thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện tại cơ sở nuôi ba ba của anh Đào Văn Khai tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành phấn khởi: Ðiều đáng trân trọng với anh Đào Văn Khai là những ai đến mua con giống, ngoài việc bảo đảm chất lượng bao giờ anh cũng chỉ bảo kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ba ba cho người nuôi. Không những thế, anh còn bỏ công, bỏ sức đi đến nhiều hộ khởi nghiệp để hướng dẫn từ cách quy hoạch, kỹ thuật đào ao đến nuôi thả, cho người mới nuôi. Đến nay, toàn xã Tăng Thành có trên 100 hộ nuôi ba ba với quy mô từ 300-400 con, trong đó có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo thậm chí làm giàu. Để tăng cải thiện cuộc sống cho người dân, xã Tăng Thành đang khuyến khích nông dân phát huy thế mạnh tiềm năng nuôi ba ba.

Văn Trường

Mới nhất
x
"Vua ba ba" ở Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO