"Vua chocolate" Petro Poroshenko "bắt tay" chèo lái Ukraine

08/06/2014 10:08

Từng làm việc trong Nội các của nhiều chính phủ và xây dựng được mối quan hệ khá thân thiết với giới kinh doanh, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, 49 tuổi, được kỳ vọng có khả năng ngăn chặn sự tụt dốc của nền kinh tế và thống nhất đất nước.

Là một chủ doanh nghiệp thành công và được mệnh danh là "vua chocolate" của vựa lúa mì Đông Âu giới phân tích cho rằng ông Poroshenko nhiều khả năng sẽ tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư từ phương Tây, nhưng cũng sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Nga.

Tân Tổng thống Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Tổng thống Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khởi nghiệp

Không giống như những nhân vật chính trị khác, những người đã "ôm trọn" các tài sản của nhà nước trong những năm bất ổn sau khi Liên Xô sụp đổ, ông Poroshenko là một trong số những chủ doanh nghiệp thành công tự gây dựng được khối tài sản khổng lồ cho mình.

Ông Poroshenko khởi nghiệp bằng việc bán hạt ca cao, mua hay thành lập nhà máy bánh kẹo ở Vynnitsa thuộc Ukraine, tại Lipetsk ở vùng Tây Nam Nga, tại Klaipeda ở Litva và Budapest ở Hungary, mua nhiều nhà máy sản xuất bánh kẹo và sau đó hợp nhất thành công ty bánh kẹo khổng lồ Roshen. Khối tài sản của ông hình thành từ đó và họ của ông được dùng làm thương hiệu, giúp ông trở thành "vua chocolate."

Nhãn hiệu Roshen là do vợ ông Marina nghĩ ra, bằng cách bỏ đi âm đầu và âm cuối trong họ của ông Po-roshen-ko. Roshen được xếp thứ 18 trong danh sách 100 nhà sản xuất chocolate hàng đầu thế giới.

Ngoài chocolate, ông Poroshenko còn đầu tư vào sản xuất xe hơi và xe buýt, một xưởng đóng tàu và cả truyền thông với kênh truyền hình Kanal 5 và Tạp chí Korrespondent. Với tổng giá trị tài sản khoảng 1,6 tỷ USD Tạp chí Forbes xếp ông Poroshenko là một trong 10 người giàu nhất Ukraine.

Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, vị tỷ phú này đã không ngần ngại chi tổng cộng 7 triệu USD cho các chiến dịch tranh cử.

Những thách thức không nhỏ

Thách thức lớn nhất đối với ông Poroshenko là khôi phục nền kinh tế, hiện đang trong tình trạng èo uột và chống nạn tham nhũng kinh niên. Kinh tế Ukraine đang chìm trong suy thoái và mất cân đối tài chính trầm trọng, trong khi căng thẳng chính trị cùng những bất ổn ở miền Đông là những mối đe dọa lớn đối với triển vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo Ukraine đối mặt với nguy cơ lún sâu vào suy thoái kinh tế trong năm nay. EBRD nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của cả Nga và Ukraine.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế Ukraine có thể suy giảm tới 5% trong năm nay, kể cả khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tỏ ý lo ngại cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể gây ra những hậu quả kinh tế "nghiêm trọng" đối với nước này và các đối tác thương mại, đồng thời cho rằng Ukraine cần nhiều sự viện trợ hơn nữa, đặc biệt về mặt tài chính, từ các nước và các tổ chức tài chính quốc tế.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm cũng dự báo một triển vọng u ám không kém. Fitch dự đoán nền kinh tế Ukraine trong năm nay sẽ giảm khoảng 5%. Nghiêm trọng hơn, tình trạng suy thoái diễn ra trong khi Ukraine vẫn trợ cấp cho phần lớn các khu vực trong nền kinh tế ở mức hàng năm 5%.

Các mối quan hệ năng lượng cũng là vấn đề hóc búa. "Cuộc chiến khí đốt" lần thứ 3 giữa Ukraine với Nga trong gần một thập niên qua đã bùng lên, khi Moskva quyết định tăng gần gấp đôi giá khí đốt bán cho Kiev từ 268,5 USD/1.000 m3 lên 485 USD/1.000 m3 bắt đầu từ 1/4, đồng thời ngừng áp giá bán ưu đãi cho quốc gia láng giềng này. Lý do mà phía Nga đưa ra là Kiev còn nợ đọng tới 5,17 tỷ USD tiền mua khí đốt.

Tại cuộc gặp ba bên giữa Ukraine, EU và Nga lần thứ 4 về khí đốt vừa diễn ra tại Brussels( Bỉ) ngày 2/6, Nga và Ukraine thỏa thuận không làm gián đoạn nguồn cung khí đốt, không đưa vấn đề khí đốt lên tòa án trọng tài quốc tế Stockholm, đồng thời không chuyển sang áp dụng cơ chế trả trước cho đến khi diễn ra cuộc gặp ba bên tiếp theo về khí đốt.

Động thái đó phần nào làm Kiev "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn thúc ép Ukraine thanh toán hết khoản nợ 1,451 tỷ USD tiền mua khí đốt trong hai tháng 11-12/2013 (với mức giá 385 USD/1.000 m3) cũng như việc chuyển khoản 500 triệu USD tiền mua khí đốt trong tháng Tư và tháng Năm đã đạt được trong cuộc đàm phán tại Berlin ngày 30/5 vừa qua.

Trước tình hình đó, ông Poroshenko cho biết Ukraine sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc nhập khẩu khí đốt từ các thị trường Tây Âu, khai thác những khu vực có trữ lượng khí đá phiến rộng lớn của nước này, bất chấp nguồn tài nguyên đó chủ yếu tập trung ở khu vực miền Đông Ukraine hiện do lực lượng biểu tình kiểm soát, cũng như xây dựng các cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên.

Quan hệ với Nga và EU

Dù cho mối quan hệ giữa Ukraine với các đối tác Nga đã xấu đi, song với cách tiếp cận của một nhà kinh tế thực dụng, chắc chắn ông Poroshenko sẽ không bỏ qua Nga vì những giá trị to lớn mà mối quan hệ này có thể mang lại.

Sau khi thắng cử, ông Poroshenko cho biết sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin và gọi Nga là một đối tác chiến lược.

Tuy nhiên, trở ngại với ông Poroshenko là làm thế nào để Ukraine có thể ngả hẳn về phương Tây, trong khi Nga - thị trường lớn và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Ukraine - quyết tâm duy trì ảnh hưởng tại Ukraine.

Về quan hệ với EU ông Poroshenko cho rằng nội dung kinh tế của Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU phải được ký ngay sau lễ nhậm chức của ông, nhằm đưa Hiệp định có hiệu lực sau khi phần chính trị của văn kiện đã được Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk ký với EU hôm 21/3. Theo ông Poroshenko, đây là điều kiện cần thiết để chính quyền mới tại Kiev thực thi các biện pháp chống tham nhũng và triển khai gói cải cách trong thời gian sớm nhất.

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU tại Brussels cuối tháng Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ ông Poroshenko và sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa Ukraine nhằm ổn định đất nước có đủ khả năng đối phó với những áp lực từ bên ngoài, thông qua chương trình trợ giúp tài chính vĩ mô có thể lên tới 15 tỷ USD cho đến năm 2020 mà EU đã ký với chính phủ tạm quyền Ukraine.

Những khoản cứu trợ đầu tiên

Ngày 7/5, Ngân hàng trung ương Ukraine thông báo nước này đã nhận được khoản cho vay đầu tiên trị giá 3,2 tỷ USD từ IMF trong gói viện trợ tài chính lên tới 17 tỷ USD dành cho Kiev.

Hơn 1 tỷ USD từ khoản cứu trợ thứ nhất sẽ được cấp cho Ngân hàng trung ương Ukraine để giúp nước này củng cố hệ thống tài chính. Khoản tiền còn lại sẽ hỗ trợ ngân sách Ukraine để ổn định nền kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính của đất nước.

Tới ngày 29/5, Bộ Tài chính Ukraine cho biết đã nhận được khoản đầu tiên 750 triệu USD thuộc dự án "Tín dụng cho chính sách phát triển" trong khuôn khổ thỏa thuận vay 1,5 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (WB).

Số tiền đó sẽ dành để chi cho các kế hoạch cải cách chiến lược và thể chế, nhằm vượt qua khủng hoảng và ổn định tình hình tài chính-kinh tế trong nước, cũng như đặt nền móng tăng trưởng bền vững tại Ukraine. Khoản vay 1,5 tỷ USD được ký với WB ngày 26/5, là một phần trong gói hỗ trợ 3,5 tỷ USD dành cho Ukraine, dự kiến sẽ được giải ngân từ nay cho đến hết năm nay.

Mặc dù vậy tương lai của Ukraine xem ra vẫn khá mờ mịt bởi đi kèm với các khoản cứu trợ hàng tỷ USD là những điều kiện ngặt nghèo kèm theo - các yếu tố được cho là có thể "bóp nghẹt" nền kinh tế vốn đang trong tình trạng bấp bênh chưa từng có./.

Theo TTXVN

Mới nhất

x
"Vua chocolate" Petro Poroshenko "bắt tay" chèo lái Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO