Vực dậy vùng vàng trắng ở Nghệ An

Nhóm PV 22/01/2018 10:04

(Baonghean) - Thiên tai tàn phá, gây thiệt hại nặng nề đối với cây cao su trên địa bàn Nghệ An. Tuy nhiên, xác định đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, nên chính quyền và bà con nông dân các huyện đang tập trung công tác khôi phục, vực dậy vùng “vàng trắng”.

Vững niềm tin vào cây cao su
Với lợi thế về diện tích đất đỏ bazan, những năm qua, cây cao su trở thành một trong những cây trồng chủ lực trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ. Chính loại cây nguyên liệu này đã và đang giúp nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Cao su Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) vào mùa thu hoạch mủ. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Cao su Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) vào mùa thu hoạch mủ. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Những năm trước đây, gia đình anh Ngân Văn Yên ở xóm Quán Mít, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn trồng hơn 3 ha cao su, trừ chi phí mỗi ngày gia đình anh thu về trên 300.000 đồng. Tuy nhiên, sau những cơn bão trong năm 2017, gia đình anh đã bị thiệt hại trên 35% diện tích, số cao su còn lại khoảng 600 cây. Tranh thủ thời gian nông nhàn, hai vợ chồng anh Yên cố gắng khai thác những diện tích còn lại. Kinh tế khó khăn, cộng với giá mủ hiện nay còn thấp, nhưng gia đình anh vẫn quyết bám trụ với cây cao su. Đến nay, trong số hơn 1 ha bị gãy đổ, gia đình anh đã phục hồi được 0,7 ha. Anh Yên cho biết: “Khi trồng cao su, chúng tôi phải chấp nhận có thể gặp rủi ro do bão. Hầu hết các loại cây trồng đều có thể bị thiệt hại do thiên tai, nhưng cây cao su có giá trị kinh tế cao hơn nên chúng tôi vẫn tiếp tục trồng”.

Vực dậy cao su sau bão ở Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Gia đình chị Phan Thị Vĩnh ở xóm Tân Yên, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ cũng nằm trong tình cảnh như vậy, nhà chị có 1 ha cao su nhưng đã bị thiệt hại gần 50% diện tích do cơn bão số 2 (7/2017). Trừ những cây không thể khôi phục được phải bán gỗ, những cây còn lại, chị thuê người dựng dậy, chống khỏi đổ ngã và cần mẫn chăm sóc.

Những năm trước đây, mủ cao su được giá nên rất nhiều hộ dân ở các xã Nghĩa Tân, Nghĩa Minh, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng... huyện Nghĩa Đàn đã làm đơn xin khoán đất của các nông trường để đầu tư vào trồng cao su với hy vọng thoát nghèo. Hiện nay, giá mủ cao su dao động khoảng 7.000 đồng/kg, với diện tích 1 ha, mỗi ngày có thể khai thác được khoảng 20 - 25kg, trung bình mỗi ngày cho nguồn thu 120.000 đồng.

Ông Võ Quang Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê cao su Nghệ An (TX. Thái Hòa) cho biết: Hiện đơn vị có 2.400 ha, trong đó hầu hết đã cho khai thác ở TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, giảm so với 2016 gần 100 ha do phải thanh lý sau bão. Hiện Công ty vẫn tiếp tục trồng cao su, chăm sóc cao su sau bão. Giá cao su đang thấp, cộng với việc cao su có thể bị ảnh hưởng từ thiên tai, nhưng những người trồng cao su vẫn đặt niềm tin hoàn toàn vào cây công nghiệp này, họ mong “vàng trắng” sẽ lấy lại vị trí của nó.
Trồng giống cao su mới thích nghi với gió bão
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Nghĩa Đàn có trên 1.700 ha cao su. Trước đây, trung bình mỗi năm cây cao su đem lại cho người trồng nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ vươn lên làm giàu cũng chính nhờ từ cây cao su. Tuy nhiên, sau thiên tai năm 2017, có khoảng 165 ha bị thiệt hại 100%; số diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 70% chiếm khoảng 350 ha. Được sự khuyến khích của các nông trường, một số diện tích gãy đổ đã được bà con nông dân phục hồi và trồng mới thay thế.

Ông Lê Văn Hương, xã Tân Phú (Tân Kỳ) trồng lại 1ha cao su sau thiên tai. Ảnh Quang An
Ông Lê Văn Hương, xã Tân Phú (Tân Kỳ) trồng lại 1ha cao su sau thiên tai. Ảnh Quang An
Tuy nhiên, để nông dân yên tâm trồng cao su lâu dài thì cần giải bài toán chống đỡ được thiên tai đối với cao su. Anh Đặng Văn Thanh ở xóm Tân Thái, xã Tân Phú (Tân Kỳ) chia sẻ: Việc dựng lại cây và chăm sóc tiếp chỉ là giải pháp tạm thời và khó có tính bền vững đối với thu nhập cho người dân. Vấn đề cần thiết là đưa các giống cao su mới thích nghi với gió bão vào trồng để đảm bảo bền vững.

Qua trao đổi, ông Phan Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ) cho biết: Trong năm 2018, Công ty sẽ trồng 50 ha giống cao su mới, thích ứng với gió bão với khoảng 2 vạn cây. Giống cao su này được nhập về từ tỉnh Bình Dương với giá 25.000 đồng/cây, cao gấp nhiều lần đối với giá cao su giống hiện nay. Bên cạnh đó, giống này đã được thử nghiệm và cho kết quả khả quan nên nhiều người dân rất ủng hộ.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh trồng giống cao su mới, công tác chăm sóc cao su giai đoạn đầu cũng phải thay đổi so với phương pháp truyền thống. Nếu như trước đây trồng mật độ 1 ha 500 cây, hàng cách hàng 5m thì nay cần trồng cách nhau ra mỗi hàng 6m. Ngoài ra, khi cây cao su lớn khoảng 2,5 - 3m thì sẽ bắt đầu bấm ngọn để cây phân cành sớm, hạn chế chiều cao của cao su. Những cách làm này sẽ giúp cây cao su chống chọi tốt hơn với gió bão trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện Nghệ An có hơn 14.000 ha cao su, chủ yếu trồng trên đất lâm nghiệp. Năm 2018, Nghệ An phấn đấu trồng 800ha, hướng đến năm 2020 đạt 18.000 ha.

Mới nhất

x
Vực dậy vùng vàng trắng ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO