Vui buồn Trung Thu
Những cái Tết Trung Thu thuở nhỏ, lũ trẻ chúng tôi thường náo nức, quây quần bên nhau, chuẩn bị những thứ đồ chơi.
Đó là những chiếc đèn lồng, những chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc sặc sỡ; những chiếc đèn kéo quân cầu kỳ phỏng theo những tích truyện cổ, những chiếc mặt nạ vui nhộn và ngộ nghĩnh; những ngọn nến được xâu bằng hạt bưởi phơi khô cháy rất sáng và rất đượm...
Từ trước đêm Rằm rất lâu, lũ trẻ chúng tôi đã tụ tập thành từng nhóm múa lân, múa sư tử khắp xung quanh xóm, làng, đi đến đâu tiếng chiêng, tiếng trống inh ỏi, tiếng cười nói râm ran và vui tươi làm náo động cả một vùng.
Trong ngày Trung Thu, trên bàn thờ của mọi gia đình đều bày đĩa hoa quả và nhất là không thể thiếu những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hình mặt trăng hay còn gọi là bánh "đoàn viên". Sở dĩ được gọi là bánh "đoàn viên" bởi lẽ, trong ngày này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng thưởng thức hương vị ngọt, thơm của bánh và cùng nhau ngắm vầng trăng tròn đang toả làn ánh sáng trong trẻo, dịu nhẹ như muốn bao trùm cả muôn loài.
Quê tôi, giờ đây đã thay đổi nhiều. Dọc hai bên đường rất nhiều hàng, quán mọc lên, bày bán la liệt bánh kẹo, phục vụ Trung Thu. Gian hàng bán bánh kẹo nào cũng thấy trưng biển quảng cáo với nhiều hình ảnh rất hấp dẫn và bắt mắt; có cả những thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Vinabico...
Bên cạnh những sạp bán bánh là nhiều hàng quán bán đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng, đèn trống khẩu, đèn trống quân, mặt nạ... với nhiều kiểu sinh động, lạ mắt. Rất nhiều sản phẩm được làm bằng nhựa hoặc giấy bóng kính, có xuất xứ từ Trung Quốc.
Mừng cho quê hương đã đổi mới, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy thiếu vắng điều gì đó?. Đâu rồi những niềm vui nhỏ bé và hồn nhiên, thơ ngây mỗi khi tụ tập cùng nhau chuẩn bị cho cái tết của tuổi thơ? Thời kinh tế thị trường mang lại cho người dân cuộc sống sung túc hơn nhưng cũng như đem đến những thứ đồ chơi "mì ăn liền", ít mang nét dân gian, truyền thống.
Thái Bình