Vui hội Trăng Rằm
(Baonghean) - Trung thu, trăng toả ánh sáng huyền ảo, lung linh cho tất cả mọi trẻ em trên trái đất. Dưới bóng trăng, những đêm hội múa lân, múa sư tử hay những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân lại được đốt lên, thắp sáng giấc mơ tuổi thơ... Với phương châm “tất cả trẻ em đều được vui Trung thu”, Trung thu năm nay, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội tỉnh Nghệ An và các bậc ông, bà cha, mẹ cũng đã chung tay, góp sức cho Tết Trung thu thêm nồng ấm, thân ái.
Với tất cả thiếu nhi, Trung Thu là câu chuyện cổ tích mà trong đó trẻ em là nhân vật trung tâm, được mọi người chăm sóc và yêu mến. Với suy nghĩ đó nên sau buổi làm việc mệt nhọc, chị Nguyễn Thị Ngọc, phường Hà Huy Tâp, Thành phố Vinh vẫn cố công dạo chợ để mua sắm bánh kẹo, trái cây, đèn lồng cho hai đứa con yêu. Mãn nguyện sau khi chọn được 2 chiếc đèn ông sao, chị Ngọc chia sẻ: “Tết Trung thu là dịp để trẻ được phá cỗ, rước đèn đón chị Hằng và nhận những món quà từ những người thân yêu trong gia đình. Dù rằng còn đó trăm khoản chi tiêu cần thiết nhưng bố mẹ cũng cố mua bằng được cho con những món quà thật ý nghĩa”. Nói đoạn, chị Ngọc lại tất bật trở về, thu xếp việc nhà để đưa con đi xem múa lân đón Đêm hội trăng Rằm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng UBND Thành phố Vinh tổ chức tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức.
Đêm hội trăng Rằm “Trung thu - Kết nối yêu thương” ở Thành phố Vinh diễn ra thật vui tươi. Hàng trăm em thiếu nhi hết sức hào hứng, phấn khởi, mãn nhãn khi được chứng kiến những tiết mục văn nghệ, múa rối, các hoạt cảnh đặc sắc giới thiệu về nguồn gốc của Tết Trung Thu; đặc biệt là được các lãnh đạo tỉnh cùng tham gia chung vui, phá cỗ. Đây không phải lần đầu tiên Đêm hội Trung thu được Thành phố Vinh tổ chức mà đã là hoạt động thường niên, khẳng định sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể đối với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thế hệ măng non của tỉnh nhà. Đêm hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở các em về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Ở mỗi địa phương, tùy theo điều kiện mà cách thức tổ chức Trung Thu có khác nhau nhưng tựu chung lại là sự gửi trao yêu thương, giúp các em thiếu nhi được hưởng mùa trăng Rằm hạnh phúc… Để chuẩn bị cho Tết Trung thu, xóm 1, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương tổ chức họp dân, ai cũng bày tỏ ý kiến nhất trí và ủng hộ nhiệt tình chủ trương, cách thức tổ chức. Theo đó, các bậc phụ huynh xung phong góp củi nấu bánh, chị em Chi hội Phụ nữ chịu trách nhiệm gói bánh. Mỗi người một việc, chung tay góp sức cho ngày tết của các cháu được trọn vẹn. Xóm trưởng Lê Văn Tân cho hay: “Hàng năm, xã trích một khoản tiền tổ chức, rồi xóm góp thêm một phần nữa cho đủ mỗi cháu một chiếc bánh và một phần kẹo. Chiều 14/8 (âm lịch), người lớn tập trung tại Hội quán để gói bánh và nấu bánh. Chiều 15/8 sẽ tổ chức liên hoan văn nghệ Trung thu và phát quà cho các cháu. Đêm Rằm tổ chức rước đèn, đánh trống rộn khắp xóm làng”.
Một Trung thu ấm áp lại về với trẻ em huyện miền núi Nghĩa Đàn. Đêm mồng 6/9, các cháu thiếu nhi Thị trấn Nghĩa Đàn và các xã lân cận như Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung đã tập trung về sân vận động Thị trấn - địa điểm vui Tết Trung thu cho trẻ em toàn huyện. Tại đây, một sân khấu được dựng lên với rất nhiều đèn ông sao lấp lánh. Một Trung thu rộn ràng với tiếng trống hội, màn múa lân, với những lời ca tiếng hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay lên trời xanh”; với vở kịch Sự tích chị Hằng, chú Cuội. Những tràng vỗ tay, tiếng cười dòn giã, người già, trẻ nhỏ đều ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Chị Ngô Thị Nghĩa, Bí thư Đoàn Thị trấn khoe: Đội múa lân năm nay đến từ Thị xã Thái Hòa với 5 màn múa, mỗi màn múa 15 phút. Màn cuối là lân dẫn đầu, các em rước đèn đêm trăng một vòng quanh thị trấn. Sau thị trấn, đêm mai, tất cả các xã trong huyện cũng tổ chức Đêm hội trăng Rằm…Tại đêm hội này, 36 suất quà của huyện Nghĩa Đàn, các hội đoàn thể thị trấn đã được trao cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để niềm vui Trung thu lan tỏa khắp mọi miền, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Na Ngoi mang Trung thu lên biên giới. Anh Bùi Văn Vinh Trưởng Ban Thanh, thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Với mong muốn để các em nhỏ nơi biên giới xa xôi cảm nhận được thế nào là Tết Trung thu, cách đây hàng tháng, Tỉnh đoàn Nghệ An đã phát động các nhà trường luyện tập một chương trình văn nghệ công phu với rất nhiều tiết mục mang đến các em nhỏ nơi vùng cao biên giới; chuẩn bị rất nhiều kẹo, bánh và 20 suất quà với tổng số tiền trên 10 triệu đồng, đây là tấm lòng của các em học sinh, sinh viên 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Vinh tự nguyện đóng góp… Để đến với đêm hội, em Mùa Y Mơ ở bản Kèo Bắc, xã Na Ngoi đã đi bộ 3 tiếng đồng hồ, Mơ tâm tình: “Đây là lần đầu tiên em được đón một cái Tết Trung thu. Đến đây các em được vui chơi ca hát được các chú các cô phát quà em cảm thấy rất vui”.
Tết Trung Thu ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: T.C |
Trung thu năm nay, có nhiều câu lạc bộ, nhóm tình nguyện đã tổ chức chương trình vui chơi, tặng quà cho các em nhỏ vùng biên. Đầu tiên phải kể đến là Nhóm phượt Thiện nguyện và Câu lạc bộ Từ Tâm Nghệ An đã vượt 230 km từ Thành phố Vinh lên 2 bản Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2 tổ chức Đêm hội “Trăng rằm yêu thương” cho 210 cháu nhỏ nơi đây vào ngày 2/9. Hàng ngàn lồng đèn, đèn ông sao, đồ chơi và hàng trăm phần bánh kẹo khác đã được đoàn thiện nguyện gửi trao. Anh Vũ Thái Quảng, thành viên đoàn chia sẻ: “Mục đích chúng tôi làm hôm nay là mang niềm vui, sự ấm cúng, tình thương để các em thiếu nhi vùng cao thêm vui trong dịp Trung thu này.
Tối 5/9, Câu lạc bộ Từ Tâm cũng đã tổ chức đêm hội tại Bệnh viện Nhi Nghệ An, tặng quà cho những em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo. Mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa để những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt”… Cũng tại xã Tri Lễ, tối 6/9, Câu lạc bộ liên quân báo chí Nghệ An phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Chương trình “Vầng trăng yêu thương” cho học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ. Anh Nguyễn Thế Sơn, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Các phần quà tặng cho các em là bao gồm gần 50 triệu đồng tiền mặt và hơn 50 triệu đồng tiền hàng. Dẫu hành quân xa, xe ô tô chở quà chết máy trên dốc núi phải đẩy nhưng khi nhìn thấy các em nhỏ háo hức tham gia, hớn hở khi lần đầu được có chiếc đèn lồng thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến”.
Múa lân trong đêm vui Tết Trung thu tại Báo Nghệ An. Ảnh: P.V |
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ sau, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã tổ chức vui Tết Trung thu cho con em cán bộ, công nhân viên. Đêm hội trăng Rằm của các cháu Báo Nghệ An diễn ra trong không gian ngoài trời thoáng rộng, có đầy đủ nghi lễ của một Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc. Các cháu được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc; được xem múa sư tử, phá cỗ, trông trăng; được tham gia “đố vui có thưởng”; được tặng quà... Bác Hồ Thị Ngân, Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Chủ tịch công đoàn ân cần dặn dò: “Năm học mới đã đến. Mong rằng được sự quan tâm, yêu thương của gia đình, sự chăm lo của toàn xã hội, trong đó có cơ quan Báo Nghệ An, các cháu sẽ luôn có ý thức phấn đấu, rèn luyện, vươn lên trong học tập và cuộc sống, trở thành những con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước”. Đêm hội tưng bừng, lung linh ánh sáng từ những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, đèn thiên nga.
Ở Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 thì việc tổ chức Đêm hội trăng Rằm cho các cháu là con của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại đơn vị đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Để chuẩn bị Đêm hội trăng Rằm diễn ra ấn tượng, chu đáo, Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn và các cơ quan, đơn vị tranh thủ ngoài giờ huấn luyện phân công hàng chục cán bộ, chiến sỹ làm đèn ông sao, cắt chữ, thiết kế sân khấu, cắm hoa và gửi giấy mời đến các gia đình Vào hội, các cháu có mặt từ rất sớm, tay cầm đèn ông sao chạy nhảy, vui đùa tung tăng với các bạn. Nhiều cháu cứ quấn quýt bên bố do lâu ngày hai bố con mới gặp nhau. Các bậc phụ huynh đưa con lên cũng không giấu được niềm tự hào và hạnh phúc khi được hòa chung trong không khí rộn ràng cùng với thiếu nhi cả nước. Giây phút hồi hộp được tất cả mọi người chờ đợi đó là phá cỗ Trung thu. Bên cạnh đêm hội này, Trung đoàn đã phối hợp với lãnh đạo, chính quyền địa phương các xã Tường Sơn, Hoa Sơn, huyện Anh Sơn tặng quà cho các cháu nơi đơn vị đóng quân. Mỗi phần quà chưa nhiều về vật chất nhưng đã tô thắm thêm hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ và gắn bó tình đoàn kết quân dân máu thịt.
Ấm áp biết bao khi Trung thu này, có thêm nhiều em được đón trăng Rằm trong vòng tay nhân ái, yêu thương; cảm nhận được rõ hơn sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, ngành, địa phương và của cộng đồng xã hội…
Nhóm phóng viên