Vui, khỏe là chính

26/10/2014 14:28

(Baonghean) - Chỉ cần hỏi bất cứ người dân nào ở vùng đất được định danh là “quê chung” này về bóng đá, bóng chuyền hay cầu lông, ngay lập tức bạn bị cuốn vào niềm đam mê riêng có. Tôi đã bị cuốn vào một tình huống như thế khi đến xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ.

Tổ liên gia số 2, xóm Tiền Phong 2, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) có 22 hộ dân, thì có đến 17 hộ đã tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, các hộ còn lại không thể tham gia vì điều kiện tuổi tác. Bóng chuyền, cầu lông là 2 môn thể thao mà mọi người ưa thích lựa chọn. Năm 2012, tổ tự đứng ra góp tiền, ngày công xây dựng 1 sân cầu lông. “Mỗi gia đình đóng góp 300 nghìn đồng mua cát, xi măng. Rồi cùng nhau bỏ công ra làm” – chị Nguyễn Thị Tâm, công dân tổ liên gia cho biết: “Đông người tham gia, nhưng thay nhau chơi. Nỏ phải đi chơi “nhờ” sân của Nhà máy phân vi sinh ở xóm 8, và cũng đỡ mượn sân của trường học”. Điều đặc biệt là sân cầu lông của tổ được ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Chi bộ xóm Tiền Phong 2 cho mượn đất để làm. Người dân ở xã Kỳ Sơn rất ham mê thể thao. Riêng xóm Tiền Phong 2, ngoài sân thể thao chung nằm trong thiết chế văn hóa của xóm, người dân đã tự góp công, góp tiền để làm thêm 4 sân bóng chuyền, cầu lông khác. Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, chị Phan Thị Thuận ở tổ 8 (xóm Tiền Phong 2) là một ví dụ. Năm 2012, gia đình anh chị đã tự bỏ tiền mua 5 - 6 tấn xi măng, cát; rồi bà con trong tổ giúp thêm công xây dựng một sân bóng chuyền – cầu lông ngay trong khuôn viên nhà, hỗ trợ cả các dụng cụ: bóng, lưới, cầu. “Nỏ can chi. Gia đình mình có điều kiện hơn mọi người thì mình chủ động mần. Vui, khỏe là chính”, anh Nam chia sẻ. Từ 3 năm nay, chiều nào trên khoảng sân rộng hơn 300m2 của gia đình anh Nam cũng có trên dưới 20 người đến chơi cầu lông hoặc bóng chuyền. Anh chị có 7 người gồm cả con rể, thì tất cả đều là những người thuộc hàng cự phách về bóng chuyền, câu lông của xã. Mới đây, 2 cô con gái sinh đôi của anh Nam, chị Thuận là Nguyễn Quỳnh Trang và Nguyễn Thu Trang đang học lớp 8 đoạt giải quán quân cầu lông của huyện Tân Kỳ. Cả 2 đại diện cho huyện đi thi đấu giải cầu lông cụm ở Đô Lương và giành giải Ba.

Một trận đấu ở Giải bóng đá Thiếu niên xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).
Một trận đấu ở Giải bóng đá Thiếu niên xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).

Theo anh Vũ Xuân Việt - cán bộ Văn hóa - Thể thao xã Kỳ Sơn, hiện xã có 11/17 xóm đạt chuẩn về thiết chế văn hóa thể thao. Mỗi năm xã tổ chức từ 3 đến 4 giải đấu, bao gồm: giải bóng chuyền mừng Đảng, mừng Xuân; giải bóng chuyền nam, nữ; giải bóng đá thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Các hội Nông dân, Phụ nữ đều có giải riêng; Đó là các giải cấp xã. Còn cấp xóm và cấp tổ liên gia thì không... đếm xuể. Ngay như dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10) vừa qua, trên địa bàn xã có không dưới 20 giải thi đấu thể thao do các xóm, tổ liên gia tự tổ chức. Đơn cử như tổ liên gia ở xóm Đồng Nậy tổ chức thi kéo co, bắt vịt; xóm Điện Lực tổ chức giải bóng đá nữ; xóm Kỳ Lâm tổ chức thi đấu bóng chuyền, cầu lông… Hiện nay ở xã Kỳ Sơn, tỷ lệ người thường xuyên tập luyện các môn thể thao đạt gần 36%, gia đình thể thao chiếm 22%. Tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao dường như trở thành máu thịt của người dân trên mảnh đất cằn này. Anh Vũ Xuân Việt cho biết: “Tôi làm cán bộ phụ trách thể thao 15 năm nay, nhưng chưa bao giờ chính quyền huyện hay xã phải bỏ kinh phí để duy trì hoạt động thể thao ở các xóm. Chưa bao giờ phải đầu tư xây dựng sân bóng chuyền, cầu lông, kể cả dịp Đại hội TDTT”. Tất cả đều nguồn xã hội hóa do bà con đóng góp. Và điều vô cùng tự hào là người dân không lấy đó làm suy nghĩ. Nói như chị Nguyễn Thị Tâm, tổ 2, xóm Tiền Phong 2 thì: “Công chi mà lấy tiền xã. Khi mô đội bóng thiếu niên Kỳ Sơn thi đấu chú đến đây mà coi. Các cầu thủ được hỗ trợ đi lại, ăn uống “tẹt ga”. Được giải thì không phải bàn. Cứ thả cửa. Nguồn do bà con đóng góp.

Niềm đam mê cháy bỏng và sự đồng thuận cao trong nhân dân đã làm cho phong trào thể dục thể thao quần chúng ở xã Kỳ Sơn phát triển mạnh mẽ. Xã Kỳ Sơn có hơn 7.800 khẩu luôn là đơn vị nòng cốt của huyện Tân Kỳ trong nhiều phong trào, nhiều cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Anh Vũ Xuân Việt đã liệt kê từ các hoạt động như: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá. Rồi các hoạt động sân khấu hóa như: ATGT, tuyên truyền phổ biến pháp luật; các cuộc thi của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… xã Kỳ Sơn đều đại diện cho huyện đi thi ở tỉnh. “Nếu là thi bóng chuyền cấp huyện, rất hiếm khi đội tuyển Kỳ Sơn đạt giải Ba… chủ yếu là Nhất, Nhì. Còn về bóng đá, 3 kỳ Đại hội TDTT huyện, liên tục 2001 – 2005 – 2009, Kỳ Sơn đều đứng ở ngôi vị quán quân. Chỉ có năm 2013 vừa rồi, vì sai lầm về mặt chiến thuật nên đội bóng đá của xã phải nhận giải Ba” - Anh Vũ Xuân Việt chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Phượng – Trưởng Phòng VHTT-TT huyện Tân Kỳ cho biết: “Ở Tân Kỳ, không chỉ có xã Kỳ Sơn, mà các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Tân Long… phong trào thể dục thể thao đều phát triển. Mỗi năm huyện tổ chức đến 9 - 10 giải thể thao mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con”.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất
x
Vui, khỏe là chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO